Đầu tuần này, những người yêu điện ảnh trên thế giới tiếc nuối nói lời chia tay với nhà làm phim lừng danh người Ý Bernardo Bertolucci khi ông qua đời ở tuổi 77 vì ung thư tại Rome.
Đạo diễn Bertolucci tại lễ gắn ngôi sao 5 cánh, vinh danh ông trên Đại lộ Danh vọng của Hollywood. Ảnh: NBC News |
Sinh năm 1941 tại thị trấn Parma, miền Bắc nước Ý, tình yêu điện ảnh và văn chương của đạo diễn Bertolucci ảnh hưởng sâu sắc từ 3 nghệ sĩ lớn gồm: cha ông là nhà thơ, biên soạn văn học và phê bình điện ảnh Attilio Bertolucci; người láng giềng là tiểu thuyết gia, nhà thơ, nhà làm phim nổi tiếng Pier Paolo Pasolini; đạo diễn Jean-Luc Godard với tên tuổi gắn liền với trào lưu Làn sóng mới.
Ngay từ lúc 15 tuổi, Bertolucci bắt đầu tham gia vào lĩnh vực thi ca và giành nhiều giải thưởng danh giá như giải Viareggio cho tác phẩm đầu tay. Tuy theo học khoa văn học hiện đại ở Đại học Rome, nhưng sau đó ông đã bỏ trường và rẽ hẳn sang nghiệp điện ảnh. Nhờ lớn lên trong bầu không khí đậm chất văn hóa và nghệ thuật, dòng máu thi sĩ của ông luôn được phản ảnh rõ nét qua hàng loạt tác phẩm điện ảnh giàu chất thơ. Đến năm 20 tuổi, đạo diễn vĩ đại Paolo Pasolini đã thuê Bertolucci làm trợ lý cho bộ phim đầu tay Accattone năm 1961. Sau đó chỉ 1 năm, Bertolucci cho ra đời tác phẩm của riêng mình mang tên La commare secca (Lưỡi hái thần chết), rồi tham gia vào vị trí biên kịch cho bộ phim viễn tây kinh điển Once upon a time in the West (Ngày đó ở miền viễn Tây) năm 1968.
Đạo diễn Bernardo Bertolucci còn được biết đến với hàng loạt tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như Last tango in Paris (Bản tango cuối cùng ở Paris) và The last emperor (Hoàng đế cuối cùng). Bertolucci là một trong bốn trụ cột của phong trào làn sóng mới của điện ảnh Ý vào đầu những năm 60 cùng với Michelangelo Antonioni, Federico Fellini và Pier Paolo Pasolini. Sự nghiệp của ông không chỉ dừng lại ở nước Ý mà mở rộng ra tới Hollywood và khẳng định mình tại đây với thành tựu lớn nhất là 9 giải Oscar cho bộ phim The last emperor năm 1987 mô tả cuộc đời vị vua Phổ Nghi - hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc.
Bộ phim khêu gợi Last tango in Paris do Bertolucci đạo diễn năm 1972 với sự tham gia của Marlon Brando và Maria Schneider cũng nhận được sự quan tâm lớn từ công chúng trên thế giới. Bộ phim kể về một mối quan hệ vô danh giữa người đàn ông Mỹ góa vợ tuổi trung niên với một cô gái trẻ người Paris với nhiều chiêm nghiệm và không thiếu các cảnh làm tình bạo liệt. Thế nhưng, bộ phim cũng gây tranh cãi khi có nhiều vấn đề trong quá trình quay phim mà nghiêm trọng nhất là việc nữ chính Schneider tố cáo đã bị quấy rối trên trường quay. Trước khi qua đời vào năm 2011, bà thừa nhận mình không hề hay biết về cảnh phim nhân vật của mình bị cưỡng bức từ đằng sau và điều này đã để lại sang chấn tinh thần nặng nề trong cả cuộc đời.
Trong vòng hơn một thập kỷ qua, nhà làm phim này đã phải ngồi xe lăn sau khi cuộc phẫu thuật thoát vị đĩa đệm không thành công vào năm 2003 khiến ông không thể tự đi lại. Với hàng loạt tác phẩm điện ảnh nổi tiếng, Bertolucci được đánh giá là một trong “những người khổng lồ” trong làng điện ảnh Ý nói riêng và thế giới nói chung. Ông được trao rất nhiều giải thưởng điện ảnh uy tín như hai giải Oscar 1987 ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể hay nhất cho bộ phim Hoàng đế cuối cùng, hai giải Quả cầu vàng 1985 ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản hay nhất, giải Sư tử vàng danh dự tại Liên hoan phim Venice 2007, giải Cành cọ vàng danh dự tại Liên hoan phim Cannes 2011 và giải thưởng châu Âu 2012 cho Thành tựu trọn đời. Những cống hiến của ông được Hollywood nghi nhận và tôn vinh bằng ngôi sao 5 cánh ghi tên ông trên Đại lộ Danh vọng.
Đ.G.H (Tổng hợp)