Kiểm soát di cư ở châu Âu

.

Mặc dù đã đạt được tiến bộ trong việc kiểm soát người di cư nhưng “sóng ngầm” di cư vẫn đang diễn ra bởi số người chết do cố gắng thâm nhập các nước Liên minh châu Âu (EU) bằng đường biển vẫn gia tăng. Giới phân tích nhận định, di cư vẫn sẽ là một vấn đề lớn của châu Âu trong thời gian tới khi phải đối mặt với việc bảo đảm an ninh và an sinh xã hội.

Những người Libya chen chúc trên con thuyền rách nát để vượt biển đến Italy. (Ảnh: Sputnik)
Những người Libya chen chúc trên con thuyền rách nát để vượt biển đến Italy. (Ảnh: Sputnik)

“Sóng ngầm” di cư vẫn diễn ra

Theo số liệu báo cáo mới nhất do tờ Nam Đức (SZ) của Đức công bố ngày 21-1-2019, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 11-2018, Chính phủ Đức đã trục xuất 8.658 người xin tị nạn sang các nước EU khác, tăng so với 7.102 trường hợp trong năm 2017.

Cũng theo báo cáo trên, Italy là nước châu Âu tiếp nhận nhiều nhất với 1/3 số người tị nạn bị Đức trục xuất. Trong khi đó, Hy Lạp là nước tiếp nhận ít nhất với 5 người và không có trường hợp nào được phía Đức gửi trả lại tới Hungary.

Tuy nhiên, Berlin cho rằng những lý do của Athens đưa ra nhằm từ chối tiếp nhận người tị nạn từ Đức là hoàn toàn không có cơ sở. Chính phủ Đức cho biết, các trường hợp mà nước này trục xuất chủ yếu đều dựa theo quy ước của Hiệp định Dublin, trong đó nêu rõ những quốc gia mà người tị nạn đến đầu tiên phải có trách nhiệm xử lý đơn xin tị nạn của họ.

Cũng trong khoảng thời gian trên, Berlin đã gửi tổng cộng 51.558 yêu cầu tới những nước EU tuân thủ Hiệp định Dublin và chỉ có 35.375 trong số này được chấp thuận. Vào mùa hè năm 2018, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức Horst Seehofer cũng đã hối thúc Italy và Hy Lạp tiếp nhận lại những người xin tị nạn đã từng đăng ký trước đó tại hai quốc gia này.

Mới đây, Chính phủ Pháp đã công bố kế hoạch hành động nhằm ngăn chặn người di cư tìm cách vượt eo biển Manche tới Anh, bằng cách gia tăng tuần tra bờ biển và tăng cường giám sát tại các cảng. Theo thông báo của Bộ Nội vụ Pháp ngày 4-1-2019, các biện pháp mới nói trên được bổ sung vào kế hoạch hành động chung được Chính phủ Pháp và Anh công bố hôm 31-12-2018.

Pháp hy vọng kế hoạch này sẽ giúp ngăn chặn hoạt động vượt biên qua đường biển mà nhà chức trách nước này nhấn mạnh “không chỉ bất hợp pháp mà còn vô cùng nguy hiểm”. Thông báo của Bộ Nội vụ Pháp nhấn mạnh đây là bước đi nằm trong lợi ích của Paris cũng như Anh, nhằm ngăn chặn sự phát triển của các mạng lưới buôn người mới có thể thu hút người di cư trái phép trở lại bờ biển của cả hai quốc gia. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner dự kiến sẽ sớm tới London để thảo luận kế hoạch chung giữa hai nước.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Nội vụ Pháp, tổng cộng 504 người đã tìm cách vượt eo biển Manche để tới Anh trong năm vừa qua, phần lớn ghi nhận vào 2 tháng cuối năm. 276 trường hợp đã tới được lãnh hải của Anh.

Thực trạng gia tăng dòng người xin tị nạn đã gióng lên hồi chuông báo động tại xứ sở sương mù và gây áp lực lớn đối với chính phủ của Thủ tướng Theresa May trong việc phải đưa ra biện pháp ứng phó với vấn đề này. Trong khi đó, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) công bố thống kê cho biết có tới 55.756 người đã vượt Địa Trung Hải tới Tây Ban Nha trong năm 2018.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner và người đồng cấp Anh Sajid Javid dự kiến sẽ tiến hành họp song phương về vấn đề nhập cư trong tháng 1-2019 để đưa ra các biện pháp cần thiết nhằm chấm dứt tình trạng người vượt biển trái phép bằng thuyển nhỏ từ Pháp vào Anh. Hai bên sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động hợp tác phối hợp để ngăn chặn, giám sát và cùng tuần tra trên biển.

Hướng đến quản lý tốt dòng người di cư

Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên đã chính thức được thông qua tại Hội nghị Liên Hợp Quốc hôm 10-12-2018 tại Marrakesh (Maroc) với sự tham dự của các nhà lãnh đạo và đại diện của khoảng 150 nước trên thế giới. Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, hiệp ước này là lộ trình để ngăn chặn “sự hỗn loạn và nỗi thống khổ”.

Ông Guterres tuyên bố hiệp ước này là cơ cấu khung cho sự hợp tác quốc tế, không mang tính ràng buộc về pháp lý và bao gồm một vài điều khoản cụ thể về chủ quyền, khiến việc thực thi hiệp ước này chỉ dựa vào thiện chí của những quốc gia ủng hộ. Người đứng đầu Liên Hợp Quốc đưa ra tuyên bố trên nhằm bác bỏ một số chỉ trích cho rằng, hiệp ước này sẽ cho phép Liên Hợp Quốc áp đặt các chính sách về người di cư đối với các nước thành viên.

Khi được tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, trừ Mỹ, thông qua hồi tháng 7-2018, hiệp ước này được hoan nghênh là một thành công ngoại giao của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, các nước Hungary, Áo, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Bulgaria và Australia đã liên tiếp tuyên bố rút khỏi hiệp ước này.

Hiệp ước ra đời trong bối cảnh làn sóng người di cư đổ tới châu Âu với quy mô lớn nhất kể từ sau chiến tranh Thế giới thứ hai, trong đó đa số trốn chạy khỏi các cuộc xung đột và nạn nghèo đói ở các nước Trung Đông và châu Phi.

Đến nay, lượng người di cư qua đường biển đã giảm rõ rệt, nhưng “dư chấn chính trị” do làn sóng này gây ra vẫn còn rất nặng nề tại EU. Được coi là văn kiện quốc tế đầu tiên về quản lý người di cư, hiệp ước đặt ra 23 mục tiêu bảo đảm di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn trong bối cảnh số người di cư trên toàn thế giới đã tăng lên mức 250 triệu người, tương đương 3% dân số toàn thế giới.

Hiệp ước này bao gồm các nội dung như làm cách nào để bảo vệ người di cư, giúp người di cư hòa nhập tại môi trường sống mới hay đưa người di cư trở lại quê nhà.

Hiệp ước toàn cầu về di cư được khởi xướng tháng 9-2016 nhằm giải quyết những mối lo chung của các nước tham gia ký đồng thời giúp bảo đảm chủ quyền của mỗi nước cũng như nhìn nhận những khó khăn, bất trắc mà người di cư phải đối diện để có chính sách hỗ trợ phù hợp. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel từng lên tiếng bảo vệ Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên Hợp Quốc và đánh giá văn kiện này nằm trong “lợi ích quốc gia” của Đức. Theo bà Merkel, Hiệp ước toàn cầu về di cư cũng giống như hiệp ước cho người tị nạn, là “đáp án đúng” để cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Bà nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng người tị nạn đã chỉ ra tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề di cư trong bối cảnh quốc tế, và không quốc gia nào có thể làm điều đó một mình. Trong khi đó, bà Arbour, đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc về di cư quốc tế, khẳng định sau khi thỏa thuận được thực hiện, người di cư và cả những nước tham gia ký đều hưởng lợi do thỏa thuận này giúp giảm thiểu những mặt tiêu cực trong vấn đề di cư. 

Tuy nhiên, bà Arbour cũng cho rằng: “Nhiều nước trên thế giới hiện nay phải nhập khẩu lao động và nếu những nước này muốn duy trì các tiêu chuẩn kinh tế hiện tại và tiếp tục tăng trưởng kinh tế thì họ phải tiếp tục nhận lao động nước ngoài có trình độ cao để đáp ứng nhu cầu của chính nước họ. Ngăn chặn lao động từ các nước khác sang chắc chắn sẽ chỉ gây phản tác dụng”.

Đoàn Gia Huy (tổng hợp)

;
;
.
.
.
.
.