Cửa hàng tạp hóa vào vụ

.

Dạo quanh các con đường lớn nhỏ thời gian này, không khó để bắt gặp những quầy tạp hóa với nguồn hàng phong phú, dồi dào cũng như những giỏ quà Tết được gói sang trọng, bắt mắt để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân thành phố.

Cửa hàng tạp hóa Thanh Minh (đường Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu) dành hẳn khoảng không gian ngay trước cửa hàng để bày biện những mặt hàng phục vụ Tết.  Ảnh: Mai Hiền
Cửa hàng tạp hóa Thanh Minh (đường Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu) dành hẳn khoảng không gian ngay trước cửa hàng để bày biện những mặt hàng phục vụ Tết. Ảnh: Mai Hiền

Tại cửa hàng tạp hóa Hường (đường Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu) đã bắt đầu bày bán các loại mứt: mứt gừng, mứt dừa, các loại bánh, kẹo từ đầu tháng 1-2019. Bà Nguyễn Thị Hường, chủ quầy tạp hóa Hường cho hay: “Lượng hàng hóa dự trữ để bán Tết là những mặt hàng thực phẩm thiết yếu như: đường, nước mắm, dầu ăn, trứng, sữa,... đều tăng 20-30% so với ngày thường; theo đó, sức mua của người tiêu dùng cũng tăng 20-30%.

Đặc biệt là bia, ngày thường tôi chỉ nhập khoảng 20, 30 thùng thì vào dịp Tết phải nhập khoảng 50-100 thùng”. Bà Hường cho biết thêm, ngày thường, khách hàng hay dùng loại dầu ăn 1 lít, 2 lít, nhưng khi đến dịp Tết thì đa phần đều chọn mua loại 5 lít để đáp ứng nhu cầu nấu ăn. Với những mặt hàng chỉ bán dịp Tết như mứt thì bà Hường lấy mứt gừng, mứt dừa ở một cơ sở sản xuất ở Huế. Mỗi lần bà chỉ lấy 5-10kg mỗi loại mứt rồi bán hết đâu, lấy đó. Với các loại bánh kẹo thì bà ưu tiên hàng của Bibica.

Hay cửa hàng tạp hóa Thanh Minh (đường Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu), từ đầu tháng Chạp đã bắt đầu nhập hàng phục vụ Tết với các mặt hàng chính: bánh, kẹo, các loại mứt, các loại hạt, bia. Cửa hàng đã dành hẳn khoảng không gian phía trước để bày biện các mặt hàng phục vụ Tết với sự đa dạng về chủng loại. Ông Thanh, chủ cửa hàng cho hay: “Trong năm, dịp Tết có thể nói là khoảng thời gian mà cửa hàng tạp hóa bán được nhất. Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, cửa hàng của tôi mở cửa từ 6 giờ 30 sáng đến 10 giờ tối, có hôm đến tận nửa đêm mới đóng cửa. Tất cả các mặt hàng đều có những thông tin cơ bản như hạn sử dụng, thời gian sản xuất, xuất xứ,... Tôi luôn rà soát hạn sử dụng của các mặt hàng, không bán hàng đã quá hạn sử dụng cho khách, làm ảnh hưởng đến uy tín cửa hàng”. Theo đó, các sản phẩm được bày bán tại cửa hàng tạp hóa Thanh Minh đều được lấy từ thành phố Hồ Chí Minh và có chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giống với cửa hàng tạp hóa Thanh Minh, cửa hàng tạp hóa Phương Sa (đường Vân Đồn, quận Sơn Trà) đã chuẩn bị nguồn hàng để bán Tết. Được biết, mứt gừng ở cửa hàng này được cửa hàng lấy từ Huế; các loại mứt khác: mứt dừa, mứt chùm ruột, mứt me được lấy ở hai cơ sở sản xuất trên địa bàn quận Sơn Trà. Thường thì mứt gừng, mứt dừa được nhập từ sớm, riêng mứt me, mứt chùm ruột,… được nhập vào khoảng nửa tháng trước Tết. Khách hàng ngày một chuộng các loại bánh kẹo nhập khẩu ngon, chất lượng nên cửa hàng ưu tiên nhập bánh kẹo từ Hàn Quốc, Thái Lan… Với bánh kẹo nội địa, cửa hàng vẫn luôn ưu tiên các thương hiệu có tiếng như Bibica, Kinh Đô, tuy nhiên hàng nhập vẫn chiếm ưu thế. Đặc biệt, với kẹo, cửa hàng sẽ trộn nhiều loại lại với nhau để đáp ứng nhu cầu mua được nhiều loại nhưng vẫn tiết kiệm chi phí của người tiêu dùng.

Cũng nắm bắt được thị hiếu ngày một chuộng các loại bánh kẹo nhập khẩu ngon, chất lượng, cửa hàng tạp hóa của bà Nguyễn Thị Liên (đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê) đã nhập vài loại bánh kẹo từ Hàn Quốc và Thái Lan để bán trong dịp Tết. Mặt hàng bán chạy nhất tại cửa hàng của bà vào dịp Tết là bia và bánh; các loại kẹo, mứt gừng, giỏ quà chỉ bán lai rai, không nhiều bằng. Bà chia sẻ: “Thời gian này, người tiêu dùng chỉ mua lai rai, phải đến 25 Tết mới thực sự sôi động. Người ta đi biếu tặng quà Tết rồi tiện đường ghé vào, mua bánh, kẹo, mứt về dùng”.

Theo ghi nhận của phóng viên, dẫu các siêu thị, siêu thị tiện lợi “mọc lên”, các cửa hàng tạp hóa đứng trước sự cạnh tranh về khách hàng, song các cửa hàng tạp hóa vẫn giữ được một vị trí nhất định trong sự lựa chọn của người tiêu dùng. Như bà Xuân (ngụ phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cho biết, gia đình bà có thói quen khoảng 2-3 tuần sẽ đi siêu thị nhưng mỗi dịp Tết, bà thường chọn mua các loại bánh, kẹo, mứt Tết tại các cửa hàng tạp hóa gần nhà cho tiện vì không có nhiều thời gian để dạo siêu thị, một phần vì giá cả cũng có phần rẻ hơn.

Người mua hàng tại các siêu thị, siêu thị tiện lợi đông nườm nượp nhưng lượng người mua hàng tại các cửa hàng tạp hóa không vì thế mà vắng vẻ đi. Có những cửa hàng tạp hóa khách ra vô liên tục, ngay cả giờ cơm cũng phải đưa mắt canh khách đến mua để kịp ra bán, không để khách phải đợi. Hay ngay cả những cửa hàng tạp hóa như cửa hàng tạp hóa của bà Liên, bà Hường, dẫu nhận thấy lượng khách có phần giảm đi nhưng nhìn chung vẫn ổn định, việc buôn bán của cửa hàng, trước giờ vẫn là nguồn thu nhập chính của gia đình. Và khách hàng của các cửa hàng tạp hóa đa phần là những khách hàng lâu năm, họ ghé mua vì sự tiện lợi lẫn sự thân thuộc vốn có.

MAI HIỀN
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.