Với mong muốn sản xuất loại thực phẩm chức năng từ công dụng của cây mảnh cộng để giúp nâng cao sức khỏe cho mọi người đồng thời giúp người dân có thể phát triển kinh tế từ việc trồng loại cây này, hai học sinh Nguyễn Thị Hàn Hương và Hà Thị Diệu Hiền, lớp 12, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) đã nghiên cứu đề tài “Bước đầu nghiên cứu ứng dụng cây mảnh cộng (Clinacanthus nutans) vào sản xuất một số thực phẩm chức năng”.
Có những lúc khó khăn, Diệu Hiền và Hàn Hương động viên nhau vượt qua để hoàn thiện đề tài nghiên cứu về cây mảnh cộng. Ảnh: T.L |
Đề tài đoạt giải nhất cuộc thi sáng tạo khoa học-kỹ thuật (KH-KT) cấp thành phố năm học 2018-2019 và là một trong 6 đề tài của học sinh Đà Nẵng tham dự cuộc thi KH-KT toàn quốc vào tháng 3 sắp tới. Chia sẻ về ý tưởng, Diệu Hiền cho biết: “Chúng em nhận thấy cây thảo dược mọc ở rất nhiều miền quê của Việt Nam, trong đó có cây mảnh cộng. Nhưng việc khai thác chủ yếu là khai thác nguyên liệu thô.
Em nghĩ nếu nghiên cứu để đưa ra một quy trình khoa học, tạo nên sản phẩm từ các loại thảo dược thì không chỉ góp phần hỗ trợ nâng cao sức khỏe mà còn góp phần tạo sinh kế cho người dân và nguồn lợi thu được sẽ cao hơn. Từ đó, em bàn với Hàn Hương để hoàn thiện hơn ý tưởng này”. Tháng 3-2018, có được ý tưởng, Diệu Hiền và Hàn Hương tìm gặp và trình bày ý tưởng của mình với cô giáo Trần Thị Lệ Hằng và thầy Phạm Châu Huỳnh - hai giáo viên giảng dạy ở Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Nhận được sự hướng dẫn tận tình của thầy cô giáo, Diệu Hiền và Hàn Hương bắt tay vào thực hiện nghiên cứu đề tài.
Diệu Hiền cho biết, sau khoảng 1 tháng hoàn thiện ý tưởng, lên kế hoạch, hai bạn bắt đầu tìm hiểu về đặc tính những loại cây thảo dược và chọn cây mảnh cộng vì cây này ít được nghiên cứu đến. Cùng với việc tìm loại lá cây mảnh cộng từ Đắk Lắk để phân tích di truyền, nghiên cứu thành phần dinh dưỡng, hoạt tính của cây, hai bạn còn tìm mua cây con để trồng thử tại Đà Nẵng. “Cây mảnh cộng hay còn được gọi là cây bìm bịp, cây xương khỉ, mọc hoang dại ở nhiều nơi. Mảnh cộng có chức năng chữa huyết áp cao, chống ô-xy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn, hạn chế tăng sinh các tế bào ung thư”. Cả hai bạn dành ra khoảng thời gian 3 tháng nghiên cứu. Diệu Hiền kể: “Quá trình nghiên cứu em được thầy cô giáo hướng dẫn hỗ trợ mượn phòng thí nghiệm ở Trường Cao đẳng Lương thực-Thực phẩm để thực hiện, và gửi mẫu đi một số trung tâm để xét nghiệm thành phần. Chúng em chiết từ tinh chất cây ra được hai sản phẩm là trà dược và bột tinh chất. Với trà dược thì xử lý lá thành trà, còn đối với tinh bột thì thông qua quy trình xử lý sơ bộ lá mảnh cộng, rồi qua sấy thăng hoa, phối trộn thành phần và cho ra thành phẩm tinh bột”. Quy trình sấy thăng hoa theo công nghệ cao này bảo đảm được tính chất tối ưu thảo dược của cây, không tồn dư chất gây hại.
Hàn Hương chia sẻ, khó khăn nhất trong quá trình thực hiện đề tài là hai bạn học trái ca nhau, nên phải phân chia thời gian hợp lý. Ở giai đoạn nghiên cứu thì một số kết quả không được như mong muốn, phải làm đi làm lại nhiều lần. Tuy nhiên cả hai bạn đều động viên nhau nỗ lực, với những vấn đề khó, hai bạn đều tìm đến giáo viên hướng dẫn để tìm sự trợ giúp. Đam mê của hai bạn được cộng dồn để cùng nhau vượt qua khó khăn. Hàn Hương cho biết, sản phẩm hai bạn làm ra nếu tính giá thành thì hợp lý, ngang tầm với các thực phẩm chức năng trên thị trường. Mẫu mã sản phẩm khá bắt mắt. Đặc biệt sản phẩm tích hợp nhiều đặc tính ưu việt để hỗ trợ cho sức khỏe người dùng.
“Đây là loại cây phát triển nhiều ở vùng Đông Nam Bộ, tuy nhiên cây rất dễ sống ở mọi vùng đất vì vốn dĩ nó là loài cây hoang dại. Sắp tới, nhóm sẽ tiến hành tìm giống cây ở một số nơi khác nhau đem về trồng để thử nghiệm tính chất và đánh giá về tính chất của cây so với đặc điểm địa lý, thổ nhưỡng…”, Diệu Hiền nói.
Nói về dự định trong tương lai, Diệu Hiền cho biết: “Về lâu dài chúng em tính đến chuyện đưa nghiên cứu của mình vào ứng dụng sản xuất, thương mại hóa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên để làm được điều đó, chúng em sẽ phải chuẩn bị thật kỹ các điều kiện, hoàn thiện thêm quy trình để đưa ra sản phẩm tối ưu nhất. Cùng với đó, sẽ phải tính đến sự liên kết vùng nguyên liệu. Em cũng rất mong đề tài nghiên cứu của mình được ứng dụng vào thực tiễn”.
THIÊN LAM