Sức ép lương hưu ở châu Á

.

Châu Á dường như chưa sẵn sàng cho gánh nặng tài chính của những người nghỉ hưu dù số liệu thống kê mới đây cho biết đây là châu lục có nhiều quốc gia với hệ thống hưu trí không có tính hài hòa và bền vững.

Hệ thống hưu trí là một vấn đề liên thế hệ
Hệ thống hưu trí là một vấn đề liên thế hệ

Tình hình hiện tại

Mức thâm hụt lương hưu toàn cầu hiện tại vào khoảng 70.000 tỷ USD trong lúc GDP toàn cầu chỉ hơn 80.000 tỷ USD. Mức thâm hụt này dự kiến sẽ tăng lên 400.000 tỷ USD vào năm 2050. Đáng kể trong số thâm hụt nằm ở châu Á khi mà hiện tại ở Nhật Bản là 11.000 tỷ USD (26.000 tỷ USD vào năm 2050); Trung Quốc cũng 1.000 tỷ USD ở thời điểm hiện tại nhưng sẽ tăng lên tới 119.000 tỷ USD vào năm 2050….

Hệ thống lương hưu châu Á đang đối mặt với những thử thách rất lớn. Châu lục này đang trải qua sự thay đổi về nhân khẩu học lớn với tốc độ dân số già cao và tỷ lệ sinh lại giảm. Ngoài ra, vốn đầu tư đổ trở lại nhưng chậm vì yếu tố địa chính trị không còn mạnh mẽ và lãi suất thấp. Số liệu thống kê của Chỉ số lương hưu toàn cầu Melbourne Mercer 2018 cho biết tuổi thọ ở hầu hết các nước châu Á tăng từ 7 tới 14 năm trong 40 năm qua. Tuổi thọ của một người 65 tuổi trong 40 năm qua cũng dao động từ mức 1,7 năm ở Indonesia tới 8,1 năm ở Singapore.

Hệ thống hưu trí là một vấn đề liên thế hệ, đòi hỏi viễn cảnh dài hạn và là một trong những nhà đầu tư tổ chức lớn nhất trong bất cứ thị trường nào đang nhận ra tầm quan trọng của việc quản lý tốt vốn được giao cho. Châu Á với dân số già nên việc duy trì năng suất lao động sau tuổi 60, thậm chí sau 70 cùng với việc cải thiện thu nhập hưu trí có tính bền vững là rất quan trọng.

Một hệ thống lương hưu chất lượng cần có sự hài hòa giữa sự thỏa đáng (tức là giúp người già đủ trang trải) và sự bền vững. Nếu một hệ thống lương hưu hào phóng thì khả năng chỉ tồn tại trong ngắn hạn, khó bền vững. Nếu một hệ thống quá bền vững thì cung cấp lợi ích ở mức khiêm tốn. Châu Á có rất ít quốc gia có hệ thống hưu trí mạnh mẽ, đầy đủ sẽ càng khiến các chính phủ phải hành động tích cực ngay bây giờ để giảm áp lực tài chính và tránh xung đột các thế hệ trong tương lai. Nhiều quốc gia đã có chính sách khuyến khích làm việc lâu hơn, tăng tuổi hưu, giảm số tiền rút một lần trước khi nghỉ hưu, tính toán độ tuổi đủ điều kiện tiếp cận an sinh xã hội, lương hưu tư nhân… Sự tham gia vào lực lượng lao động ngày càng nhiều của phụ nữ và người lớn tuổi sẽ giúp cải thiện sự thỏa đáng và bền vững trong hệ thống hưu trí. Nếu chậm chân thì có thể đe dọa an ninh tài chính cho người cao tuổi.

Hướng giải quyết

Ba quốc gia giàu mạnh của châu Á là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đứng gần chót trong bảng xếp hạng của Chỉ số lương hưu toàn cầu Melbourne Mercer 2018. Hệ thống lương hưu của họ không mang tính bền vững để hỗ trợ nghỉ hưu cho thế hệ hiện tại và tương lai và họ cần thay đổi nếu như không muốn chịu xung đột xã hội vì phân phối không đồng đều giữa các thế hệ. Nếu như Trung Quốc có hệ thống lương hưu “uyển chuyển” khi có sự khác nhau giữa thành thị với nông thôn cũng như lao động nhập cư với công chức thì Hàn Quốc là nơi có hệ thống lương hưu yếu nhất dành cho người nghèo bởi chỉ 6% của mức lương trung bình.

Nhật Bản bắt đầu thực hiện các bước đi đầu tiên trong cải cách hệ thống lương hưu bằng cách tăng dần tuổi nghỉ hưu của khoảng 3, 4 triệu công chức từ 60 lên 65. Người về hưu có thể chọn lựa bắt đầu nhận lương hưu ở bất kỳ thời điểm nào trong khoảng từ 60 tới 70 tuổi; khoản thanh toán hằng tháng sẽ lớn hơn cho những người bắt đầu nghỉ hưu từ 65 tuổi trở lên. Dân số Nhật Bản có tuổi thọ cao nhất và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới dự kiến sẽ chứng kiến sự sút giảm tổng số dân. Điều đó càng thách thức hơn với người lớn tuổi vì thiếu hụt nhân công, doanh thu tiền thuế cũng giảm sút. Chính phủ Nhật Bản khuyến khích mức tiết kiệm hộ gia đình cao hơn và tiếp tục tăng mức bảo hiểm hưu trí Nhà nước vì 49% dân số trong độ tuổi lao động không nằm trong hưu trí tư nhân. Một yêu cầu được đưa ra là một phần lợi ích hưu trí sẽ được coi như thu nhập nhưng không phải bằng tiền. Có như thế mới cải thiện tính bền vững của hệ thống an sinh xã hội.

Hong Kong đang xem xét các ưu đãi thuế để khuyến khích đóng góp nhằm tăng tiền tiết kiệm hưu trí. Hong Kong cũng như Nhật Bản đưa ra yêu cầu một phần lợi ích hưu trí được coi như nguồn thu nhập. Nhiều công nhân lớn tuổi hơn sẽ được giữ lại trong thị trường lao động khi tuổi thọ tăng. Hệ thống lương hưu của Singapore được xếp hạng hàng đầu châu Á cải thiện tính bền vững không chỉ với người dân Singapore có việc làm và thường trú mà mở rộng ra lao động cư trú tạm thời đang chiếm 1/3 lực lượng lao động.

Nói tóm lại, để hệ thống hưu trí hoạt động bền vững và ổn thỏa trong kế hoạch dài hạn, các nhà hoạch định chính sách ở các nước đồng thời sử dụng các giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu, mở rộng phạm vi bảo hiểm hưu trí tư nhân cho người lao động, khuyến khích lập kế hoạch tài chính và tiết kiệm sớm để tuổi già thong thả về mặt tài chính nhằm ít dựa vào lương hưu như hiện tại.

ANH THƯ  (Theo Nikkei Asia)

;
;
.
.
.
.
.