Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang trong giai đoạn tạm dừng cho quá trình đàm phán 90 ngày. Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Á đã hưởng lợi khi mà dòng tiền đầu tư đang đổ về đây. Hồi đầu tháng Hai, Nikkei chuyên mục châu Á viết bài “Đông Nam Á có xu thế thu hút mạnh đầu tư nước ngoài toàn cầu”.
Trong một nhà máy sản xuất ô-tô thuộc các nước Đông Nam Á. |
Tờ Economist mới đây nhấn mạnh rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang thúc đẩy hoạt động ở Đông Nam Á. Các chuyên gia kinh tế và giới bình luận về xu thế đầu tư toàn cầu có chung góc nhìn là dường như đang có sự tái hiện các hoạt động biến Trung Quốc thành nơi sản xuất xuất khẩu dễ trở nên thịnh vượng và là nơi làm việc cho các công ty khởi nghiệp công nghệ đang diễn ra ở Đông Nam Á.
Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Thái Lan và Việt Nam là hai địa chỉ đang được các nhà đầu tư thế giới ưa thích nhất. Việt Nam đã sản xuất dụng cụ thể thao cho các hãng lớn như Nike và Adidas từ những năm 1990. Samsung sản xuất phần lớn điện thoại của hãng tại nhà máy đóng tại Việt Nam; đồng thời là nhà tuyển dụng lao động lớn nhất Việt Nam. Mùa thu 2018, nhà sản xuất âm thanh Trung Quốc là Goertek cho biết công việc sản xuất tai nghe không dây cho sản phẩm Airpod của Apple sẽ chuyển sang Việt Nam vì cuộc chiến thương mại.
Thái Lan đang phát triển cụm nhà máy lắp ráp xe cho các công ty ô-tô Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc; đồng thời sản xuất linh kiện cho các nhà cung cấp cấp 1. Panasonic chuyển dây chuyền sản xuất âm thanh tự động từ Trung Quốc sang Thái Lan. Trong khi đó, công ty sản xuất thiết bị điện tử của Thái Lan là SVI cũng ăn nên làm ra khi có nhiều đối tác. Giáo sư đại học Pongsak Lothongskam nói với tờ Business Insider rằng “Cuộc chiến thương mại rất tốt với chúng tôi tới mức chúng tôi phải lựa chọn ưu thế các đối tác”.
Năm 2012, các công ty Nhật đầu tư trực tiếp cũng như nguồn nhân sự ở Trung Quốc nhiều hơn Đông Nam Á nhưng 5 năm sau cán cân đã thay đổi. Năm 2017, Nhật đầu tư ở Đông Nam Á 22 tỷ USD, trong lúc ở Trung Quốc chỉ 9,6 tỷ USD. Bộ Ngoại giao Nhật Bản báo cáo rằng có khoảng 83.000 người làm việc ở Đông Nam Á, ở Trung Quốc là 70.000 người. Cuộc chiến thương mại cũng làm thay đổi quan hệ thương mại khá nhanh. Một cuộc khảo sát của các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc hồi mùa hè 2018 cho thấy 18,5% chuyển sản xuất sang Đông Nam Á hoặc xem xét khả năng đó. Chưa đầy nửa năm sau tại Diễn đàn tài chính châu Á ở Hongkong, 39% cho biết Đông Nam Á có cảm giác an toàn, 35% ở Trung Quốc.
Chi phí lao động chỉ bằng 1/3 ở Trung Quốc là một lợi thế nhưng yếu tố nhân công chịu khó học hỏi công nghệ tiên tiến là một lợi thế. Nhiều nhà quan sát ủng hộ Việt Nam với 94 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2017 có lực lượng lao động lớn và xây dựng quan hệ thương mại tốt trên toàn cầu. Tập đoàn dịch vụ tài chính Nomura (Nhật Bản) cho biết Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Singapore và Campuchia cũng có những sự tăng trưởng sản xuất đáng kể. Đông Nam Á với 650 triệu dân, vượt xa EU hay ba quốc gia Mỹ - Mexico - Canada (Hiệp định thương mại Bắc Mỹ) là nền tảng vững chắc cho các nhà đầu tư toàn cầu yên tâm đổ tiền vào lúc này.
ANH THƯ (theo Forbes)