Một trải nghiệm từ Tết

.

Tết - đối với tôi trong những năm gần đây, là dịp tự tạo cho mình một khoảng thời gian thư thả để tự vấn lại mình trong một năm qua và vạch sơ bộ kế hoạch trong năm tới, và đôi khi cũng không nghĩ ngợi gì cả ngoài giây phút cho hiện tại. Và tôi cũng luôn dành một khoảng thời gian nhất định để đọc một vài cuốn sách yêu thích, nhất là về chủ đề có liên quan đến Tết và văn hóa người Việt. Tập sách Ở đây vui quá, xin lỗi, cười hết nổi! do Nhà Xuất bản Đà Nẵng phát hành tháng 1-2019, của một chàng trai người Canada Jesse Peterson bị tiếng Việt mê hoặc, đã cuốn hút tôi.  

Bìa sách Ở đây vui quá, xin lỗi, cười hết nổi!
Bìa sách Ở đây vui quá, xin lỗi, cười hết nổi!

Cuốn sách có ba phần: Jesse kẻ cưỡi ngựa và chạy xe máy; Họ nhìn tôi hơi bị ghê; Hãy xem Jesse gõ cửa bộ não, chính là ba giai đoạn của ba khung cảnh khác nhau, thống nhất trong một góc nhìn vừa hài hước vừa đầy tính hiện thực phê phán đối với văn hóa người Việt sau khi Jesse trải nghiệm thực tế tại Việt Nam. Cuốn sách khiến cho người đọc (nhất là người Việt vì là người trong cuộc, quen với những lối mòn trong “kinh đô trong não bạn”) buộc phải nhìn lại thói quen của chính mình mới hầu mong có cơ hội phát triển cá nhân, cộng đồng và hội nhập quốc tế.

Tôi chú ý đến ba góc nhìn được Jesse đề cập trong tập sách mà trên thực tế thời gian qua được nhiều người Việt quan tâm và bàn luận: Về văn hóa nghỉ lễ và Tết; về văn hóa nhậu và kỹ năng phát triển bản thân. Đối với nghỉ lễ và Tết, tất nhiên văn hóa người Việt coi trọng nét văn hóa truyền thống Tết cổ truyền dân tộc. Nhưng tác giả đặt ra là Tết đã phát sinh rất nhiều vấn đề mà chính bản thân mỗi người Việt cảm nhận được như giá cả hàng hóa đẩy lên cao, lãng phí tiền bạc, sức khỏe giảm sút… nhưng chúng ta cứ mặc kệ - “Tết mà”.

Trong khi đó, Tết phải là thời gian, cơ hội để mỗi người xem lại bản thân mình và xã hội cần làm gì để có thể tốt hơn không. Jesse viết: “Tết xong rồi, tôi không thấy mình vui hơn, không thấy mình biết nhiều điều hơn về thế giới, không thấy môi trường tốt hơn, không thấy người nghèo khá hơn và có gì tốt đẹp hơn để hy vọng cho năm mới”. Đó cũng là câu hỏi để chúng ta điều chỉnh: phải để Tết thực sự là Tết với ý nghĩa vốn có của nó.

Về văn hóa nhậu, cũng chính là chủ đề thú vị, trong đó một vấn đề Jesse đề cập mà tôi cho là một cảnh báo đối với chúng ta, đó là sự đồng cảm. Theo một nghiên cứu cho biết, người uống rượu nhiều sẽ làm giảm sự đồng cảm và khó hiểu được các hình thức giao tiếp phức tạp - đó là một sự tàn phá không chỉ sức khỏe mà còn tàn phá khả năng thấu hiểu. Tác giả gợi ý chúng ta có thể khởi động (trên mạng xã hội) các chiến dịch liên quan đến văn hóa nhậu để từ đó dần dần thay đổi thói quen xấu như Tháng Chạp không say chẳng hạn.

Về kỹ năng phát triển bản thân, dường như trong chính môi trường gia đình, giáo dục và xã hội đã chưa tạo ra một bài tập để “tập gym cho não” của chúng ta, nhằm phát triển kỹ năng mà ban đầu tưởng chừng như khó khăn nhưng thực sự là rất đơn giản. Xã hội muốn tốt hơn, nhà chức trách và mỗi cá nhân chúng ta cần tự tạo cho ta những lề lối sinh hoạt “gần gũi và thân thiện với tự nhiên hơn”. Tôi nghĩ, quan niệm của Jesse về người thành công đơn giản là người có nhiều thói quen tốt là một cách hiểu hợp lý.

Thực sự, tập sách Ở đây vui quá, xin lỗi, cười hết nổi! là một cuộc trò chuyện dài, chân thực, tếu táo, hài hước của Jesse, nhưng quan trọng hơn đó là những vấn đề để mỗi người đọc chúng ta suy nghĩ về chính bản thân mình mà nhiều khi chúng ta bị một vòng “kim cô” bởi sự dễ dãi của chính mình bó chặt lại. Vâng, chúng ta cần nghe nhiều hơn những góc nhìn như vậy trong thời gian tới để biết thoát khỏi dần vòng “kim cô” của chính mình.

 VÕ HÀ

;
;
.
.
Công ty quà tặng doanh nghiệp grand cru
.
.
.