Nhật - Hàn loay hoay chữa lành "những trái tim tan vỡ"

.

Mới đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang kêu gọi Nhật hoàng xin lỗi các nạn nhân là “phụ nữ mua vui” trước khi thoái vị vào năm nay. Nhưng Chính phủ Nhật Bản phản đối và yêu cầu Seoul rút lại lời đề nghị trên. Diễn biến này một lần nữa làm gia tăng thêm căng thẳng giữa hai nước.

Tượng ​“phụ nữ mua vui” trước Lãnh sự quán Nhật Bản ở Busan, Hàn Quốc.Ảnh: AFP
Tượng ​“phụ nữ mua vui” trước Lãnh sự quán Nhật Bản ở Busan, Hàn Quốc.Ảnh: AFP

Căng thẳng vấn đề “phụ nữ mua vui”

Theo thống kê, hơn 200.000 phụ nữ, phần lớn là phụ nữ trên bán đảo Triều Tiên, đã bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật trong giai đoạn chiến tranh. Quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản từng đứng trước thử thách lớn sau khi Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 27-12-2017 thông báo không tín nhiệm thỏa thuận mà hai nước ký hồi tháng 12-2015 về vấn đề “phụ nữ mua vui”, ám chỉ những phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm nô lệ tình dục cho binh sĩ phát xít Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đưa ra thông báo trên sau khi nhóm quan chức và chuyên gia Hàn Quốc có nhiệm vụ rà soát thỏa thuận này từ hồi tháng 8-2017, công bố báo cáo điều tra cho biết chính phủ lúc đó của cựu Tổng thống Park Geun-hye đã che giấu một phần của thỏa thuận nhằm tránh bị chỉ trích về những nhượng bộ bí mật với Nhật Bản, đồng thời không nỗ lực đầy đủ trong việc lắng nghe các nạn nhân trước khi ký kết thỏa thuận.

Ngoài ra, nhóm trên cũng xác nhận lời đồn đoán rằng, phía Hàn Quốc đã nhượng bộ quá nhiều trong quá trình thương lượng và việc này không được công bố để tránh bị công luận chỉ trích. Nhóm này còn kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc đưa ra cách tiếp cận lâu dài hơn để giải quyết vấn đề mang tính lịch sử trên.

Sau khi báo cáo trên được công bố, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã đưa ra lời xin lỗi về thỏa thuận gây tranh cãi này, đồng thời cho biết Seoul sẽ có chính sách cuối cùng về vấn đề này sau khi thu thập ý kiến của các nạn nhân, các nhóm ủng hộ họ và giới chuyên gia cũng như xem xét tác động trong quan hệ với Nhật Bản.

Phản ứng mạnh mẽ trước động thái trên của Hàn Quốc, trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết thỏa thuận này đạt được sau một tiến trình thương lượng hợp pháp giữa chính phủ hai nước, đồng thời đề nghị Seoul thực thi thỏa thuận mà hai nước đã khẳng định sẽ giải quyết “triệt để và dứt điểm” vấn đề phụ nữ mua vui. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nhật Bản tuyên bố mọi nỗ lực sửa đổi thỏa thuận này sẽ là hành động  không thể chấp nhận được và khiến mối quan hệ Nhật-Hàn khó kiểm soát.

Trong một động thái mới nhất, theo Kyodo, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 16-2-2019 cho biết, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã không đề cập những bình luận gần đây của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang về việc tìm kiếm một lời xin lỗi từ Nhật hoàng Akihito để giải quyết tranh cãi về những phụ nữ Hàn Quốc bị ép phải làm việc trong các nhà thổ thời chiến của quân đội Nhật Bản.

Tuy nhiên, ông Kono cho biết, ông đã bày tỏ sự phản đối của Nhật Bản đối với ý kiến của ông Moon Hee Sang trong cuộc họp được tổ chức ở Munich (Đức) bên lề Hội nghị An ninh Munich. Phát biểu với báo giới, ông Kono nhấn mạnh: “Tôi (đã yêu cầu Hàn Quốc) đưa ra câu trả lời thích hợp cho vấn đề này. Khi chúng tôi liên tục yêu cầu rút lại bình luận và xin lỗi, tôi tin (Hàn Quốc) hiểu những gì chúng tôi muốn nói”.

Mong khôi phục danh dự và phẩm giá nạn nhân

Trong năm 2015, Nhật Bản đã thông qua một quỹ hỗ trợ Hàn Quốc chuyển 1 tỷ yen (khoảng 9 triệu USD) đến các nạn nhân là “phụ nữ mua vui” và gia đình họ. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã bày tỏ “sự hối tiếc và xin lỗi” về những tổn thương mà các nạn nhân phải trải qua.

Tuy nhiên, theo Kyodo và AP, ngày 21-11-2018, Hàn Quốc đã tuyên bố nước này quyết định giải thể quỹ “phụ nữ mua vui” do Nhật Bản tài trợ. Chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có quan điểm rằng, thỏa thuận song phương nêu trên, đạt được dưới thời chính quyền tiền nhiệm, không thể giải quyết vấn đề này, đồng thời thực hiện các bước đi để thay thế quỹ của Nhật Bản bằng ngân sách của chính nước này.

Ngay sau đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng, Hàn Quốc đã mạo hiểm gây phương hại quan hệ song phương thông qua việc đóng cửa một quỹ được thiết lập để giải quyết công tác bồi thường cho phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm việc trong các nhà chứa của quân đội Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Phát biểu với phóng viên ở Tokyo, ông Abe nói: “Nếu các cam kết quốc tế bị phá vỡ, thì việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trở thành bất khả thi. Với tư cách một nước thành viên trong cộng đồng quốc tế, chúng tôi hối thúc Hàn Quốc hành động một cách có trách nhiệm”.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng đề nghị Nhật Bản thành thật xin lỗi những phụ nữ Hàn Quốc bị ép trở thành nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản nhiều thập kỷ trước, đồng thời nhấn mạnh rằng không thể giải quyết vấn đề này bằng con đường ngoại giao. Phát biểu tại buổi lễ đánh dấu việc lựa chọn ngày 14-8 là ngày quốc gia vì “phụ nữ mua vui”, Tổng thống Moon nói: “Vấn đề phụ nữ mua vui có thể được giải quyết thực sự khi danh dự và phẩm giá của các nạn nhân được khôi phục và những trái tim tan vỡ của họ được chữa lành”.

 Ông Moon cũng bày tỏ hy vọng, vấn đề này sẽ không còn là nguồn cơn của những bất đồng ngoại giao giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Tổng thống Moon Jae-in cũng từng tuyên bố thỏa thuận mà hai nước ký hồi tháng 12-2015 về vấn đề “phụ nữ mua vui” là “sai lầm nghiêm trọng”, không phản ánh những đòi hỏi chủ chốt của bản thân những phụ nữ mua vui, trong đó có mong muốn nhận được lời xin lỗi chân thành của Chính phủ Nhật Bản.

Đoàn Gia Huy (tổng hợp)
 

;
;
.
.
.
.
.