Trong lành cho nước hồ đô thị

.

Trăn trở trước tình trạng ô nhiễm nước tại một số hồ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, em Nguyễn Dương Phong, học sinh lớp 11 Trường THPT Hoàng Hoa Thám đã nghiên cứu đề tài “Giải pháp xanh” cho mô hình xử lý ô nhiễm nước hồ đô thị. Đề tài đoạt giải nhất cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp thành phố và là một trong 6 đề tài của học sinh Đà Nẵng tham dự cuộc thi sáng tạo KHKT cấp quốc gia vào tháng 3 tới.

Nguyễn Dương Phong, tác giả đề tài “Giải pháp xanh” cho mô hình xử lý ô nhiễm nước hồ đô thị.
Nguyễn Dương Phong, tác giả đề tài “Giải pháp xanh” cho mô hình xử lý ô nhiễm nước hồ đô thị.

Nói về ý tưởng của mình, Nguyễn Dương Phong cho biết: “Em rất đam mê môn Hóa nên trong những lần đến chơi tại các bờ hồ như Công viên 29-3, Bàu Trảng, Phước Lý ở Đà Nẵng, em nhận thấy mặt nước các hồ này có dấu hiệu ô nhiễm dầu. Tình trạng ô nhiễm nước hồ đô thị không những đe dọa đến sức khỏe con người mà còn làm mất mỹ quan đô thị, là nỗi e ngại đối với du khách, người dân mỗi khi muốn tìm một không gian yên tĩnh để thư giãn, dạo mát hay tập thể dục. Từ đó em nghĩ làm thế nào để giúp hạn chế tối đa tình trạng này”.

Tháng 8-2018, khi được thông báo về cuộc thi sáng tạo KHKT cấp thành phố, Phong đã mạnh dạn trình bày ý tưởng với cô giáo Trần Thị Thu Nga - giáo viên dạy Sinh của nhà trường và nhận được sự ủng hộ của cô. Ngay sau đó, Phong rủ Lê Đức Nhân - em họ của Phong đang theo học lớp 11 tại Trường THPT Trần Phú, tham gia, bắt tay vào thực hiện kế hoạch nghiên cứu. “Đầu tiên em và Nhân đi thực địa đến các hồ kể trên để lấy mẫu nước về xét nghiệm. Kết quả cho thấy các mẫu nước này nhiễm hữu cơ 35% và nhiễm kim loại trên 55%. Trên cơ sở đó, em bắt đầu thiết kế mô hình xử lý ô nhiễm nước qua công nghệ thực vật và lọc tảo”, Phong nói.

Để hoàn thành đề tài nghiên cứu, suốt 4 tháng ròng rã, Phong dành rất nhiều thời gian cho việc tìm hiểu, lấy mẫu xét nghiệm, thử nghiệm rồi phân tích kết quả mẫu nước. “Có khi em và Nhân mất cả tuần để làm các xét nghiệm, phân tích; rồi tìm đọc thêm tài liệu trên mạng, học hỏi thêm ở các anh chị có kinh nghiệm ở Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) để tìm ra kết quả tối ưu. Gặp vấn đề khó quá thì tụi em lại tìm đến giáo viên hướng dẫn nhờ hỗ trợ”.

Theo đó, mô hình thiết kế xử lý ô nhiễm nước hồ của Phong bao gồm hệ thống 3 bể liên hoàn đặt trên bờ hồ. Bể thứ nhất được sơn bề mặt trong thành bể bằng oxit titan, có gắn thêm hệ thống đèn chiếu sáng để thắp sáng vào ban đêm và tận dụng ánh sáng mặt trời ban ngày; khi nhận ánh sáng của tia cực tím sẽ khiến các kim loại nặng như crom, chì kết tủa ở thành bể. Như vậy, bể thứ nhất này có chức năng phân hủy kim loại nặng và hợp chất hữu cơ. Ở bể thứ 2, Phong sử dụng cỏ hương bài (cỏ vertiver) để lưu giữ các chất độc hại. Bể thứ 3, Phong trồng rong đuôi chồn phía dưới và thả bèo cái nổi ở bề mặt bể nước nhằm tạo oxy và hạn chế sự sinh trưởng của tảo.

Dưới cả ba đáy bể đều được bố trí thạch anh và than hoạt tính để làm sạch nguồn nước. Để đưa được nguồn nước từ hồ lên bể lọc ô nhiễm trước khi trả lại hồ thì Phong thiết kế mô hình hút nước lên bằng hệ thống xe đạp thể dục. Người dân khi đến bờ hồ tập thể dục sẽ đạp xe và nước sẽ theo đó được bơm lên bể. Phong cho biết: “Với mô hình này, chúng em đã hạn chế được phần lớn ô nhiễm nước hồ, trả lại môi trường trong lành cho nước hồ mà không tốn nhiều chi phí nhờ vào việc tận dụng nguồn năng lượng mặt trời và sức người. Đó cũng là cách để bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa ô nhiễm”.  

Vinh dự đoạt giải nhất, Phong rất bất ngờ và sung sướng: “Đây là lần đầu tiên em dự thi KHKT, em cũng không nghĩ đề tài của mình đạt giải cao. Hiện em đang tiếp tục hoàn thiện hơn mô hình này để tham dự cuộc thi KHKT cấp quốc gia. Về lâu dài thì em mong nghiên cứu của mình được quan tâm, đưa vào ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống để góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường nước, trả lại môi trường trong lành cho các hồ nước ở đô thị”.

Thiên Lam

 

;
;
.
.
.
.
.