Bản chất của cơ chế đào tạo đặc thù các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và du lịch là gắn nhà trường-doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, đưa sinh viên (SV) ra học thực tế tại doanh nghiệp để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng lao động, hình thành kỹ năng, kinh nghiệm cho SV ngay trong quá trình học tập.
SV khoa Du lịch Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng tham gia Ngày hội trải nghiệm tại khu nghỉ dưỡng Laguna (Lăng Cô, Huế) - một đối tác trong chương trình đào tạo đặc thù. Ảnh: H.T |
Nguyên tắc win - win
Bắt đầu khóa tuyển sinh năm 2018, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) triển khai chương trình đào tạo đặc thù cho 5 chuyên ngành gồm Quản trị kinh doanh du lịch, Quản trị sự kiện, Quản trị khách sạn, Thương mại điện tử và Hệ thống thông tin quản lý. Những môn học này buộc phải có 30% (đối với ngành CNTT) và 50% (đối với ngành Du lịch) tổng thời gian thực hiện chương trình đào tạo được tiến hành tại các doanh nghiệp (DN).
PGS.TS Lê Văn Huy, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: “Nếu trước đây, việc liên kết nhà trường-DN chỉ dừng lại ở mức độ DN tham gia giảng dạy, báo cáo một số chuyên đề, SV tham quan thực tế và thực tập ở DN thì với cơ chế đào tạo đặc thù, sự tương tác giữa nhà trường và DN sẽ phải ở mức độ cao hơn như DN cử người hướng dẫn SV thực hành nghề nghiệp tại DN và SV phải có vị trí công việc rõ ràng trên thực tế; đại diện DN tham gia chấm điểm thực tập cho SV”.
Theo PGS.TS Lê Văn Huy, với chương trình đào tạo đặc thù thì cách thức tổ chức cũng phải mang tính đặc thù, cho dù việc thay đổi thời gian tổ chức dạy-học với phương thức đào tạo tín chỉ sẽ kéo theo nhiều thay đổi khác: “Thời gian tổ chức đào tạo của nhà trường buộc phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của DN. Chúng tôi hiểu là mùa cao điểm như dịp Tết, lễ, hè… khối lượng công việc của DN là rất lớn, SV thực hành, thực tập mới có cơ hội làm việc thực tế và DN cũng rất cần người, đây mới chính là mùa học kỳ DN. Chứ mùa thấp điểm, khách vắng thì cũng không có mấy việc cho SV làm”.
Trừ học kỳ đầu tiên, việc đến DN của SV chỉ mang tính chất định hướng nghề nghiệp để chọn hướng đi chuyên sâu sau này, còn những học kỳ tiếp theo, SV sẽ thực hành và làm việc thực sự tại DN dưới sự hướng dẫn của chuyên gia.
PGS.TS Trương Sỹ Quý, Trưởng khoa Du lịch (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng) nhận xét: “Một điểm rất thuận lợi cho nhà trường là các DN trong lĩnh vực du lịch đã thấy tầm quan trọng của công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nên thay vì trả lương cao hơn để “lấy” người của nhau như trước kia, DN chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo để “đặt hàng” đội ngũ nhân lực. Những khách sạn lớn đều có chương trình đào tạo nội bộ nên có sẵn hội trường, có tiện nghi giảng dạy và nội dung dạy, các chuyên gia cũng có kinh nghiệm trong truyền thụ và hướng dẫn. Mặt khác, việc hợp tác với nhà trường trong quá trình đào tạo cũng bảo đảm lợi ích của DN trong sử dụng nguồn lao động vừa rẻ vừa có chất lượng vào mùa cao điểm đón khách khi SV đến học việc”. Chính vì vậy, việc đưa SV đến thực tập tại các khách sạn vào thời điểm nào là tùy thuộc vào yêu cầu của khách sạn.
Cần sự phối hợp và hỗ trợ giữa giảng viên và chuyên gia
TS Võ Quang Trí, Trưởng khoa Thương mại điện tử (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng) so sánh: “Khác với nhân lực ngành Du lịch có thể sử dụng được nhân lực trong quá trình training, riêng ngành CNTT thì khi training xong thì SV giỏi mới tham gia làm việc thực tế tại DN được và số lượng tiếp nhận SV cũng hạn chế. Đó là chưa kể còn vấn đề bảo mật, bản quyền, cơ sở dữ liệu… Chính vì vậy, ngoài việc mời chuyên gia đến từ các DN giảng dạy, để tăng tính thực hành cho SV, chúng tôi xây dựng đề án hướng tới việc kết hợp thế mạnh thực tiễn của DN với khả năng nghiên cứu ứng dụng của nhà trường nhằm phát huy năng lực tự học, năng lực thực hành và các kỹ năng nghề nghiệp cho SV. Ví dụ, SV sẽ tiến hành một dự án tích hợp (capstone project) trên một tình huống thực tiễn kinh doanh. Thông qua dự án này, SV sẽ được trải nghiệm việc phân tích tình huống, lập kế hoạch, giải quyết vấn đề và xây dựng các giải pháp thương mại điện tử dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của các chuyên gia tại DN”, TS Võ Quang Trí cho biết. Ngoài ra, Trường ĐH Kinh tế cũng sẽ xây dựng những trung tâm để thu hút dự án của DN về trường.
Cả PGS.TS Trương Sỹ Quý và TS Võ Quang Trí đều có chung nhận xét rằng, tuy DN sẽ đảm nhận đào tạo từ 30-50% tổng thời gian đào tạo của chương trình nhưng gần như môn nào cũng có giảng viên trong trường đảm nhận giảng dạy ít nhất là 1/3 chương trình để bảo đảm có sự bổ sung giữa lý thuyết và thực hành. “Thường thì DN sẽ nặng về hiệu quả tại chỗ, nhà trường sẽ hướng đến hiệu quả lâu dài nên trong những trường hợp cần thiết, giảng viên sẽ phải có sự định hướng lại cho SV hoặc trang bị cho các em khả năng phân tích, đánh giá để có thể lựa chọn cho mình phương pháp phù hợp”, TS Trương Sỹ Quý cho biết.
Triển khai chương trình đào tạo đặc thù, dù giảm thời lượng lên lớp, nhưng công việc của giảng viên không vì thế mà ít hơn. “Ngoài đẩy mạnh tăng cường quan hệ với DN còn phải thường xuyên kết nối với chuyên gia để mời giảng và sắp xếp lịch giảng; các giờ giảng của chuyên gia, giảng viên cũng phải có mặt để hỗ trợ khi cần thiết. Rồi cũng phải hỗ trợ chuyên gia trong chấm bài, đánh giá để nộp điểm cho đúng hạn vì công việc xét lên lớp của trường cần phải hoàn thành trong cùng một khung thời gian giống nhau”, TS Võ Quang Trí cho biết.
Trường ĐH Kinh tế đang đàm phán với các DN đối tác để hướng đến tất cả các SV của chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù đều có lương khi đi thực tập. “Đợt đầu tiên nhà trường sẽ phải bù chi phí cho DN vì lúc đó SV chưa có nghề, cần nhiều đến sự hỗ trợ, hướng dẫn của DN. Nhưng sang đến đợt thứ 2 thì SV bắt đầu đã có kỹ năng nghề nghiệp và đợt thứ 3 thì DN phải trả lương cho SV”, TS Trương Sỹ Quý cho biết. Những đợt thực tập tại DN, SV đều có hồ sơ thực tập tương tự như sơ yếu lý lịch (CV) để tham gia tuyển dụng khi đi làm và đây cũng sẽ là lợi thế của SV sau khi tốt nghiệp vì trong quá trình học tập các em đã có kinh nghiệm và kỹ năng nghề do chính DN đánh giá, nhận xét.
Một khó khăn hiện nay của chương trình đào tạo đặc thù, theo như PGS.TS Trương Sỹ Quý và TS Võ Quang Trí là riêng với nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc ký hợp đồng lao động cần có bản mô tả công việc và đây là bản tương đương với hợp đồng. Trong khi đó, người lao động tại các đơn vị này không có nhiệm vụ giảng dạy hoặc hướng dẫn thực tập. Theo quy định của Bộ GD&ĐT thì trong hợp đồng đào tạo với các chuyên gia cần phải có đóng dấu của công ty nhưng gần như các công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều không ký xác nhận được. Đối với lĩnh vực CNTT thì càng bị ràng buộc hơn nữa vì còn liên quan đến quy định bảo mật, nhiệm vụ, quyền hạn của các chi nhánh nên gần như các chuyên gia, kỹ sư… chỉ có thể ký hợp tác với tư cách cá nhân mà thôi. |
HÀ TRẦN