Trao đổi với Báo Đà Nẵng về các hoạt động hướng về Đoàn cơ sở, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh nhấn mạnh, chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn quyết định vị trí, vai trò, uy tín của tổ chức Đoàn trong thanh niên và xã hội. Chính vì vậy, trong chương trình công tác Đoàn hằng năm, Ban Thường vụ Thành Đoàn Đà Nẵng đặc biệt chú trọng đến các hoạt động hướng về Đoàn cơ sở, xây dựng Đoàn, mở rộng mặt trận đoàn kết, gắn với những nguyện vọng chính đáng của thanh niên.
Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh (bên trái) và Phó Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Hà Thảo Chi (bên phải) trồng cây xanh tại tuyến đường liên thôn xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, hưởng ứng Tháng Thanh niên 2019. Ảnh: Thanh Tình |
* Những hoạt động chủ yếu nào được Ban Thường vụ Thành Đoàn khởi xướng, tổ chức hướng về Đoàn cơ sở, thưa anh?
- Quan điểm xuyên suốt của Thành Đoàn là không chỉ đưa hoạt động về cơ sở mà đưa con người, đưa phương pháp, mô hình hiệu quả về cơ sở. Các phương pháp, mô hình chỉ thiết thực, hiệu quả khi nhắm tới các mục tiêu giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong thanh niên. Mỗi đợt sinh hoạt đều được Thành Đoàn định hướng thành các chủ đề, chủ điểm làm tăng khả năng tập trung, tính hiệu quả phong trào cơ sở.
Có thể kể ra đây các diễn đàn “Đảng với thanh niên, thanh niên với Đảng” tại cơ sở; duy trì tổ chức định kỳ hằng năm các cuộc thi, giải thưởng noi gương Bác Hồ vĩ đại, tôn vinh việc làm hay, câu chuyện đẹp trong thanh niên, từ Đoàn cơ sở đến thành phố... Nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến thanh niên, về Luật Nghĩa vụ quân sự, pháp luật về an toàn giao thông, phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội được đưa về tận khu dân cư...
Một trong những điểm sáng hướng về cơ sở chính là các hoạt động đồng hành với đoàn viên, thanh niên như các chương trình, hoạt động nhằm hỗ trợ thanh thiếu nhi nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, năng lực hội nhập. Trong khởi nghiệp, lập nghiệp, Đoàn tăng cường tuyên truyền về ý thức sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên, sinh viên.
Nhiều hoạt động thiết thực đã được tổ chức, như “Hội thảo lập nghiệp và khởi nghiệp cho thanh niên” dành cho cán bộ Đoàn - Hội chủ chốt các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn; tập huấn “Công tác vốn vay và sử dụng vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2018” cho cán bộ Đoàn 7 quận huyện, 56 phường, xã; tập huấn chuyển giao công nghệ trồng rau sạch cho thanh niên trên địa bàn huyện Hòa Vang; các đợt hội chợ việc làm, các buổi tư vấn hướng nghiệp, tư vấn kỹ năng tìm việc làm…
Mặt khác, các hoạt động đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần được các Đoàn cơ sở tổ chức rộng khắp với nhiều nội dung phong phú. Điểm đổi mới trong công tác đoàn kết tập hợp thanh niên thời gian qua là đã tổ chức nhiều mô hình hoạt động mới thu hút thanh niên tham gia như: Sân chơi cuối tuần; Hành trình kỹ năng; Hành trình khám phá; Khởi nghiệp sáng tạo...
* Nhiều phương pháp, mô hình hoạt động thiết thực đã được đưa về cơ sở, còn yếu tố “con người” về cơ sở đã được Thành Đoàn quan tâm như thế nào?
- Yếu tố “con người” đưa về cơ sở, trước đây là đưa cán bộ Thành Đoàn về công tác tại một số Đoàn trực thuộc Thành Đoàn như Đoàn Đại học Đà Nẵng, Đoàn khối Các cơ quan thành phố, Đoàn Tổng Công ty Miền Trung (đã giải thể). Hiện nay, việc đi cơ sở của Thành Đoàn thực hiện theo chủ trương “1+2” của Trung ương Đoàn, tức là cán bộ Đoàn cấp thành phố đi công tác cơ sở phải đủ 2 tháng/năm.
Những chuyến đi bám sát các chuyên đề điều tra, khảo sát, nắm bắt tình hình theo các nội dung, mảng, lĩnh vực công tác; nghiên cứu, tìm hiểu tình hình đoàn viên, thanh thiếu nhi; phối hợp tổ chức, triển khai hoạt động của Đoàn cấp thành phố tại cơ sở; kiểm tra, giám sát theo chương trình, kế hoạch của Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra Thành Đoàn; dự sinh hoạt chuyên đề của hội nghị ban chấp hành, ban thường vụ Đoàn cấp dưới và dự sinh hoạt chi đoàn; tham gia hỗ trợ định hướng các hoạt động của cơ sở...
* Điều rút ra được trong các chuyến công tác của Ban Thường vụ Thành Đoàn đó là gì? Những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của Đoàn viên thanh niên ở cơ sở mà Ban Thường vụ Thành Đoàn nắm bắt được, cụ thể là gì?
- Qua các chuyến đi, chúng tôi nắm bắt được tình hình sinh hoạt Đoàn, việc tổ chức triển khai các hoạt động, những khó khăn cần giải quyết của Đoàn cơ sở. Đặc biệt là những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên thanh niên ở cơ sở. Trong rất nhiều vấn đề thì nổi cộm đối với cán bộ chủ chốt chính là chuyện “đầu ra” cho cán bộ Đoàn, là kinh phí hoạt động, là địa điểm cho thanh thiếu nhi sinh hoạt... Đối với đoàn viên, thanh niên, đó là nghề nghiệp, việc làm, sân chơi cho thanh niên...
* Vai trò của đoàn viên thanh niên cơ sở trong xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn mới, giai đoạn hiện nay là gì?
- Trong xây dựng đô thị, đoàn viên thanh niên thành phố, đặc biệt tại các cơ sở Đoàn, tập trung vào thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 43-CT/TU về thực hiện văn hóa, văn minh đô thị và chương trình “Thành phố 4 an” của Thành ủy Đà Nẵng. Theo đó, các đợt sinh hoạt Đoàn các cấp tập trung vào tuyên truyền nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên và người dân; thành lập các đội hình triển khai xóa các biển quảng cáo, rao vặt sai quy định; các đội hình tình nguyện bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự an toàn giao thông; tăng cường tổ chức các đợt tuyên truyền lưu động về pháp luật, về phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội đến tận khu dân cư.
Đoàn các cấp tổ chức các lớp tập huấn cho cấp bộ Đoàn cơ sở trong việc quán triệt, nắm bắt tình hình thanh niên, kịp thời định hướng, ngăn chặn việc thanh niên, sinh viên bị kẻ xấu lợi dụng, kích động biểu tình, gây rối trật tự công cộng...
Bên cạnh đó, đoàn viên, thanh niên thành phố còn tham gia đóng góp nhiều ý tưởng trong xây dựng, chỉnh trang đô thị ngày càng hiện đại; tham gia cùng với Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể chính trị-xã hội thành phố trong giám sát, phản biện các chủ trương, chính sách của thành phố trong việc xây dựng đô thị.
Trong xây dựng nông thôn mới, đoàn viên, thanh niên ở nông thôn luôn thể hiện vai trò xung kích đi đầu trong tham gia học tập, nâng cao trình độ, tổ chức, xây dựng và thực hiện các phong trào thanh niên tại địa phương. Đoàn viên, thanh niên ở đô thị, khối công chức, viên chức, khối trường học, khối lực lượng vũ trang, tập trung xây dựng các đội hình tình nguyện hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, như đội xây dựng đường bê-tông nông thôn, khơi thông kênh mương nội đồng; các đội hình tình nguyện phổ cập tin học, nâng cao trình độ ngoại ngữ; các đội khám, chữa bệnh phát thuốc miễn phí, giúp chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân, sửa chữa nhà cửa, xây dựng các khu vui chơi, công trình công cộng cho thanh thiếu nhi…
* Được biết, hiện nay cán bộ Đoàn các cấp đang bị “già hóa” do thiếu lực lượng cán bộ trẻ. Đà Nẵng đã giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Hiện nay cán bộ Đoàn đang bị “già hóa” do thiếu lực lượng cán bộ trẻ, đặc biệt là tại Đoàn khối công chức, viên chức và khối phường, xã. Trong thời điểm hiện nay, các cơ quan đang thực hiện theo đề án vị trí việc làm, tinh giản biên chế, khiến công tác quy hoạch đào tạo, dự nguồn và tìm “đầu ra” gặp rất nhiều khó khăn. Tại các phường, xã, cán bộ trẻ đủ khả năng đảm đương các chức vụ không hiếm nhưng họ chưa là công chức cùng cấp.
Theo quy định, cấp phường, chỉ có 1 bí thư Đoàn là công chức, phó bí thư chỉ được hưởng phụ cấp hoạt động và được bầu tín nhiệm. Hầu hết đội ngũ này dành hết thời gian cho hoạt động phong trào, khó ổn định cuộc sống, dẫn đến nhiều trường hợp phải xin bỏ việc.
Đối với Đoàn khối công chức, viên chức, do các đơn vị không được chủ động tuyển dụng, số cán bộ trẻ ngoài biên chế buộc phải tinh giản, cán bộ Đoàn tại các đơn vị này đa số đã lớn tuổi hoặc không thể quy hoạch tiếp tục giữ chức vụ trong nhiệm kỳ tới, trong khi nguồn kế cận thiếu trầm trọng. Ngay cả tại cơ quan Thành Đoàn là một ví dụ.
Việc tinh giản biên chế làm dự nguồn cán bộ các ban trong thời gian tới gặp khó khăn, ủy viên Ban Thường vụ là các trưởng ban, nhiều người không thể tái nhiệm, nhưng “đầu ra” vẫn chưa biết đi về đâu, bởi lẽ tại các đơn vị khác cũng đang dư thừa.
Trước mắt, các cấp bộ Đoàn thành phố vẫn thực hiện theo Quyết định số 289-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nghiêm túc thực hiện theo đề án vị trí việc làm, tinh giản biên chế theo hướng dẫn của Trung ương và thành phố. Đồng thời, Ban Thường vụ Thành Đoàn tiếp tục kiến nghị Trung ương Đoàn về việc tham mưu thay đổi, bổ sung Quyết định số 289-QĐ/TW cho phù hợp với thực trạng hiện tại; kiến nghị với lãnh đạo thành phố trong việc giải quyết “đầu ra” cho cán bộ Đoàn quá tuổi, chuyển sang các chức danh công chức phù hợp với bằng cấp chuyên môn và một số vị trí khác. Bên cạnh đó, Thành Đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tiếp tục phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những hạt nhân trong phong trào thanh niên thông qua các hoạt động thực tiễn.
Mặt khác, Ban Thường vụ Thành Đoàn tiếp tục quán triệt đến các cấp bộ Đoàn cơ sở nguyên tắc: “Bản thân mỗi cán bộ Đoàn cần phải tự nỗ lực phấn đấu, khẳng định mình trong tổ chức Đoàn, đồng thời không ngừng trau dồi chuyên môn được đào tạo để tránh bỡ ngỡ khi luân chuyển sang cơ quan mới”. Cán bộ Đoàn phải “tự quy hoạch” trước cho mình bằng cách phát huy sức trẻ, năng động và khả năng tiếp cận nhanh với công việc, thử sức ở các lĩnh vực, nếu không muốn điệp khúc “nan giải đầu ra” tiếp tục lặp lại.
* Xin cảm ơn anh!
Giai đoạn 2012-2018, các tổ chức Đoàn thành phố phát triển được gần 62.937 đoàn viên mới là thanh niên, không phân biệt ngành nghề, tôn giáo, địa bàn cư trú; có 13.465 đoàn viên ưu tú đã được giới thiệu vào Đảng, 8.341 đoàn viên thanh niên được kết nạp Đảng. |
THANH TÂN (thực hiện)