Hãy là nơi truyền lửa

.

Yêu cầu đổi mới, sáng tạo, tổ chức hoạt động gắn với lợi ích thiết thân của thanh niên trong hoạt động Đoàn đang được đặt ra bức thiết.

Thay đổi cách thức sinh hoạt là biện pháp để “kéo” thanh niên gần Đoàn. (Ảnh chụp tại hoạt động Ngày hội Văn hóa dân gian của Trường THPT Hoàng Hoa Thám)(Ảnh do nhà trường cung cấp)
Thay đổi cách thức sinh hoạt là biện pháp để “kéo” thanh niên gần Đoàn. (Ảnh chụp tại hoạt động Ngày hội Văn hóa dân gian của Trường THPT Hoàng Hoa Thám) (Ảnh do nhà trường cung cấp)

Khó tập hợp đoàn viên thanh niên ở khu dân cư

Cách đây không lâu, trong một lần về huyện Hòa Vang lấy tư liệu viết bài, gặp một nhóm học sinh THPT, tôi hỏi bí thư chi đoàn của thôn thì rất nhiều bạn không biết. Các bạn rất ít tham gia sinh hoạt Đoàn với nhiều lý do khác nhau.

Thực tế, việc thu hút và tập hợp đoàn viên thanh niên (ĐVTN) của tổ chức Đoàn cơ sở trên địa bàn dân cư hiện nay vô cùng khó khăn. Không ít chi đoàn chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí khó tổ chức được các buổi sinh hoạt định kỳ ở địa bàn dân cư. Cách đây vài năm, Đoàn phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) được đánh giá là một trong những cơ sở Đoàn mạnh của thành phố. Lý do là dù đã lên “phường”, nhưng Hòa Quý vẫn giữ được nét thôn quê yên bình. Khi đó, lớp thanh niên địa phương hăng hái tham gia hoạt động Đoàn. Tiếng í ới gọi nhau mỗi tối cùng đi sinh hoạt Đoàn trở thành quen thuộc. Vậy mà giờ, Đoàn phường Hòa Quý cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút ĐVTN đến với hoạt động Đoàn.

Anh Nguyễn Đình Bình, Bí thư Đoàn phường Hòa Quý chia sẻ: “Hòa Quý đang bị ảnh hưởng của làn sóng đô thị hóa. Khu tái định cư mọc lên nhiều, một số khu vực giải tỏa trắng. Lối sống thành thị “nhà ai biết nhà nấy” đã “dập tắt” tiếng rủ rê nhau đi sinh hoạt của thanh niên năm nào. Bên cạnh đó, đa số các bạn thanh niên ở đây đều xuất thân từ gia đình lao động, cuộc sống mưu sinh hầu như chiếm hết quỹ thời gian của họ, có những ĐVTN dù rất thích các hoạt động Đoàn nhưng lại không có thời gian để tham gia”.

Anh Bùi Duy Khánh, Bí thư Đoàn phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) cho biết, hiện nay, một số chi đoàn tại khu dân cư thậm chí không đủ đoàn viên để lập chi đoàn mà phải liên chi. Một số chi đoàn vẫn duy trì họp định kỳ hằng tháng nhưng các cuộc họp trên 50% ĐVTN tham gia xem như là đã đạt yêu cầu vì hầu hết các bạn trẻ nơi đây đều phải đi làm ăn xa, là lao động chính của gia đình…

Công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở địa bàn dân cư hiện nay gặp khó khăn vì thiếu lực lượng tại chỗ. Con số ĐVTN báo lên Đoàn cấp trên là gần 200 người, nhưng mỗi khi có công việc cần số lượng lớn đoàn viên tham gia như hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ… thì Đoàn phường phải nhờ sự trợ giúp từ khối trường học mới đủ “quân”. Thậm chí rất nhiều chương trình Đoàn phường bỏ bao tâm sức để tổ chức nhưng người đến tham dự lại không có, khiến những cán bộ Đoàn rất trăn trở.

So với các chi đoàn ở địa bàn dân cư thì công tác tập hợp ĐVTN ở khối trường học có vẻ thuận lợi hơn. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là ĐVTN nào ở khối trường học cũng hưởng ứng nhiệt tình và tích cực với các hoạt động, phong trào của Đoàn Thanh niên. Không chỉ các bạn không mặn mà mà cả phụ huynh cũng là rào cản. Thầy Lê Mạnh Tấn, Bí thư Đoàn trường THPT Hoàng Hoa Thám chia sẻ rằng, áp lực học tập là lý do khiến nhiều phụ huynh không tạo điều kiện cho con cái tham gia hoạt động Đoàn. 

Thay đổi cách thức sinh hoạt

Em Nguyễn N.T, học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Văn Cừ thổ lộ rằng em khá “dị ứng” với các buổi sinh hoạt hè tại địa phương cứ lặp đi lại qua các năm, với các hoạt động múa hát tập thể về con vật, về hoa cỏ, những trò chơi cũng không khá hơn. Thực tế cho thấy, những trò chơi truyền thống, những hoạt động mang tính chất rập khuôn, đến tháng này phải tổ chức thế này, tháng sau phải tổ chức thế kia…; cứ thế lặp đi lặp lại cho năm sau khiến nhiều bạn trẻ nhàm chán.

Anh Nguyễn Đình Bình cũng thừa nhận, tư duy của Đoàn chưa bắt kịp với tư tưởng của thanh niên hiện nay. Những hoạt động Đoàn truyền thống hầu như đã không còn phù hợp với những mong muốn, nhu cầu của giới trẻ bây giờ. Trong khi đó, những trò chơi, những trào lưu mới, đặc biệt là sự phát triển của mạng xã hội mỗi ngày tác động rất lớn đến thẩm mỹ, tư duy, lối sống của người trẻ thì tổ chức Đoàn chưa có mô hình nào thực sự hiệu quả để thu hút thanh niên.

Yêu cầu đổi mới hoạt động đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết và từng bước được tổ chức Đoàn các địa phương chú trọng với nhiều cách thức khác nhau. Như Đoàn phường Hòa Quý, từ năm 2017 đã thay đổi cách thức kết nạp đoàn viên. Thay vì tổ chức rập khuôn như mở 1 buổi học cảm tình Đoàn rồi đưa toàn bộ thiếu niên đến tuổi kết nạp Đoàn thì hiện nay, quá trình thử thách để vào Đoàn kéo dài 3 tháng.

Chỉ những học sinh ngoan, học giỏi, năng nổ hoạt động mới được kết nạp vào Đoàn. Buổi kết nạp được tổ chức tại Nhà lưu niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. “Trong khoảnh khắc tháo khăn quàng đỏ để đeo chiếc huy hiệu Đoàn lên ngực áo, em thực sự rất xúc động. Em đã có 3 tháng cùng các anh chị ở khu dân cư tham gia các hoạt động cộng đồng rất ý nghĩa”, Trần Thị Thu Hà, học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Hòa Quý) nói.

Anh Bùi Duy Khánh khẳng định, chỉ khi nào hoạt động Đoàn gắn với quyền lợi trực tiếp của thanh niên thì thanh niên mới tự nguyện tham gia hoạt động Đoàn. Các hình thức tuyên truyền, vận động, khảo sát chỉ chiếm 50% hiệu quả, 50% còn lại phụ thuộc vào chính những hoạt động thiết thực mà Đoàn đem lại cho thanh niên.

Các buổi sinh hoạt của Đoàn phường Thanh Khê Tây hiện nay đã lấy “Đào tạo nghề-giới thiệu việc làm” cho thanh niên địa phương làm kim chỉ nam cho các buổi sinh hoạt chi đoàn. Những buổi học kỹ năng phỏng vấn xin việc, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phối hợp… được tổ chức. Những buổi gặp gỡ giữa doanh nghiệp và thanh niên địa phương diễn ra nhiều hơn… bắt đầu khiến thanh niên tiến về với Đoàn.

Nêu cao vai trò thủ lĩnh Đoàn

Thầy Lê Mạnh Tấn cho rằng, Bí thư Đoàn không nhất thiết phải nhảy giỏi hát hay, mà điều quan trọng nhất đó là sự định hình về công tác tổ chức, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng về những điều mà thanh niên mong muốn từ tổ chức chính trị của tuổi trẻ; từ đó có nhiều hoạt động cũng như có hình thức sinh hoạt phù hợp, phong phú nhằm thu hút thanh niên.

“Người thủ lĩnh cần hiểu từng đoàn viên của mình để giao công việc phù hợp, tạo môi trường để đoàn viên thể hiện hết năng lực, thế mạnh của bản thân. Đồng thời, mỗi hoạt động tổ chức ra cần quan tâm đến chất lượng, tính hiệu quả của hoạt động. Số đông tham gia không nói lên được điều gì cả. Tôi luôn hỏi học sinh hai câu hỏi này: “Em có muốn tham gia hoạt động này không?” và “Em muốn hoạt động này diễn ra như thế nào?”. Chỉ khi nào tự nguyện và chủ động thì các em mới hứng thú tham gia”, thầy Tấn nói.

Theo thầy Võ Bá Thành, Bí thư Đoàn trường THPT Ngô Quyền, các hoạt động Đoàn hiện nay cần sự đổi mới, táo bạo mới thu hút được thanh niên. Thay vì đi theo lối mòn tổ chức các buổi tuyên truyền mang tính chất tọa đàm, những năm gần đây, thầy đã mạnh dạn tổ chức các cuộc thi, xây dựng các tiểu phẩm, lồng ghép vào đó các câu hỏi, tình huống để học sinh giải quyết vấn đề. Đặc biệt, việc thành lập các câu lạc bộ theo sở thích của các em như CLB ghi-ta, múa, bóng rổ, bóng đá… cũng khiến các em hào hứng hơn là tham gia những hoạt động cũ, lặp lại.

Ngoài ra, việc phát huy những ưu điểm trong việc sử dụng mạng xã hội để xây dựng các fanpage, các diễn đàn trao đổi… tại nhiều Đoàn cơ sở đã tạo thuận lợi, góp phần tăng hiệu quả công tác định hướng, tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, thanh thiếu nhi. Đồng thời, nhiều nơi cũng đã mạnh dạn thay đổi cách tuyên truyền bằng băng-rôn, áp-phích trước đây bằng việc xây dựng những sản phẩm truyền thông trên mạng xã hội, như: hình ảnh, đoạn phim ngắn đăng tải các hoạt động Đoàn tại địa phương, đơn vị mình.

Trong khi đó, theo anh Lê Phi Tuân, Chánh Văn phòng Thành Đoàn, để nâng cao các kỹ năng cho cán bộ Đoàn nói chung, đặc biệt kỹ năng lãnh đạo cho bí thư, phó bí thư Đoàn cơ sở, cần tăng cường hoạt động đi cơ sở của đội ngũ cán bộ Đoàn và cán bộ Đoàn làm công tác quản lý đặc biệt được chú trọng. “Bởi lẽ, cán bộ Đoàn chỉ thực sự trưởng thành, đúc rút cho mình kỹ năng để lãnh đạo quản lý chỉ khi và chỉ khi xây dựng cho mình vốn kinh nghiệm khi đã trải qua nhiều trong thực tiễn”, anh Tuân nói.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.