Ký ức đẹp về bữa cơm gia đình(*)

.

Ngày tôi còn bé, mỗi lần đến giờ cơm lại nghe tiếng gọi thân thương của mẹ: “Con ơi, về ăn cơm!”. Vừa nghe mẹ gọi là mấy chị em tôi có đang ham chơi đến mấy cũng bỏ dở nửa chừng để ùa chạy về. Rồi đứa trải chiếu, đứa sắp đồ ăn lên mâm, đứa đi lấy chén đũa…

Bữa cơm luôn diễn ra trong không khí đầm ấm, ríu rít chuyện trò… Vì vậy, khi cầm trên tay cuốn sách Bếp ấm của mẹ của tác giả Đỗ Phương Thảo - nữ quay phim truyện đầu tiên và duy nhất của Việt Nam, trong tôi dâng lên niềm xúc động vô hạn. Ký ức về những bữa cơm chiều cùng với bố mẹ, các anh chị em ngày trước cứ ùa về. Nó rõ ràng đến mức tôi có cảm giác hơi ấm từ căn bếp của mẹ đang ấm nóng trên da thịt mình.

Hẳn là với người Việt, nếu có một nơi nào đó mang đến hơi ấm cho cả căn nhà, thì đó không phải là phòng khách hay phòng ngủ, mà đó là gian bếp. Bà Đỗ Phương Thảo không có may mắn hưởng trọn tuổi thơ trong vòng tay ấm của bố mẹ. Tất cả các công thức nấu ăn, cách thưởng thức, hay nói xa hơn là văn hóa ẩm thực mà bà tiếp nhận được đều từ người bác gái của mình.

“Tôi là một đứa trẻ mồ côi. Tôi có được ngày hôm nay nhờ hai bác tôi dạy dỗ. Hai bác là gia đình cả tôi. Tất cả những gì tôi có là sự phát triển dựa trên nền tảng văn hóa gia đình ấm áp ấy. Không có văn hóa tôi đã không thể vượt qua được những sóng gió trong cuộc đời”, bà Thảo nói.

Từ nhỏ, “Bé” - tên gọi ở nhà của bà Thảo, đã được tiếp xúc với căn bếp, với những bún thang, gỏi cuốn, ốc hấp, lươn om, mứt quất, chè sen long nhãn… những món ăn đậm chất kinh kỳ. “Bác tôi nấu bún thang rất ngon. Vì biết món này khi ăn không thể nói chuyện được. Trước khi dọn món này bà làm món cuốn ngỏ với 7 đĩa, để mọi người túc tắc vừa cuốn ăn chơi, vừa nói chuyện. Chủ nhà sẽ cuốn chiếc đầu tiên, vừa cuốn vừa hướng dẫn cách làm. Sau đó khách sẽ tự làm. Đó là cách mời rất tế nhị, lịch sự”, bà Thảo kể.

Nhiều người khi nghe tin bà Thảo viết sách, sẽ nghĩ ngay tới một pho tư liệu về các món ăn truyền thống Bắc bộ. Bởi  từ nhỏ bà đã được “nhúng” trong không gian đậm đặc của Phố Hiến và Kẻ Chợ, hai tiểu vùng văn hóa nổi bật, màu mỡ, rực rỡ nhất của vùng văn hóa châu thổ Bắc bộ.  Bà Thảo nói triết lý nấu ăn của bà đơn giản là nấu một cách say mê và nấu vì người thân của mình. Bà cũng cảm thấy mình giống bác gái, chỉ cần nhìn người thân ăn uống ngon miệng là bà hạnh phúc.

Chẳng vậy mà khi đã ở tuổi 80, bà vẫn hằng ngày chuẩn bị bữa cơm cho con trai của mình-họa sĩ Lê Thiết Cương. Giờ cơm chiều mỗi ngày bao giờ cũng có rượu ngon và vài món đồ không bao giờ quá nặng. Nó thường đơn giản và tinh. Nếu là xôi phải là xôi trắng, hạt nếp quê thơm mùi sương, được đồ cho dẻo tới độ. Nếu là chả phải là thức chả quế đúng điệu, mua ở một trong những nhà làm chả lâu đời nhất đất Hà Nội này. Rồi lâu lâu lại thấy đĩa bánh, lúc bánh chả, lúc bánh dừa, thơm, mộc.

Trong Bếp ấm của mẹ, tác giả chăm chú miêu tả cách nấu nướng và thưởng thức hàng chục món ăn dân dã, quê kiểng do chính tay tác giả gìn giữ, phát huy trong căn bếp hiện đại của gia đình mình. Những chia sẻ về kỹ thuật nấu ăn, các công thức gia truyền được kể lại chi tiết hẳn sẽ giúp tất cả các bạn đọc áp dụng được ngay trong căn bếp của mình. Có điều, nếu chỉ dừng lại ở đó thì cuốn sách sẽ bớt đi nhiều phần ý nghĩa.

Ẩm thực không chỉ là người nấu-kẻ khen mà trong không gian thưởng thức ẩm thực ấy, cách đối nhân xử thế, nền nếp gia đình được hiển hiện. “Bác trai tôi bao giờ cũng ăn xong trước, đi làm rất đúng giờ, chúng tôi còn đang ăn cũng phải đứng lên khoanh tay chào bác”. Và điều khiến độc giả cay cay sống mũi chính là những hồi ức yêu thương của tác giả về người thân, về những bữa cơm gia đình ấm áp, khiến bà vừa cảm thấy hạnh phúc, vừa nhớ thương, day dứt.

Những năm giặc Pháp càn quét, trong lúc cả gia đình chạy loạn khắp nơi, người bác gái vẫn một lòng cưu mang các chị em bà Thảo. Trong thời khắc chia tay mỗi người một phương, bác làm sẵn bốn cân ruốc thịt rang khô và hai cân muối vừng để mấy chị em đi đường. Bác cho vào túi trang kim bọc kỹ lại bỏ trong một cái túi vải rồi dặn “Các con sẻ dần ra mỗi lần một ít đừng bỏ ra cả không ăn hết sẽ bị ướt mốc”. Buổi chia tay thấm đẫm nước mắt khiến tác giả không bao giờ quên.

Bếp ấm của mẹ là niềm hoài nhớ về những giá trị văn hóa tốt đẹp một thời. Cái “ăn” ở đây không phải là thức ăn mà là tình yêu, sự cảm thông của các thành viên trong gia đình. Hơi ấm từ bữa cơm với mẹ cha, anh chị em sẽ đi theo chúng ta suốt cả cuộc đời và là nền tảng để tạo ra cái đẹp, sự cao quý trong đời sống con người. Nếu không có bữa cơm gia đình thì căn nhà sẽ chỉ là nơi trú ngụ của những tâm hồn cô đơn, lạnh giá. Có quá khứ mới có tương lai. Tâm hồn được vun vén, tưới tắm những điều tốt đẹp bao giờ cũng nảy ra những hoa thơm cho đời.

Lan Khuê
(*) Đọc Bếp ấm của mẹ, Đỗ Phương Thảo (NXB Trẻ)
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.