Người cứu sống tranh làng Sình

.

Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá/ Đò từ Vĩ Dạ, thẳng ngã ba Sình. Trong câu ca nhiều địa danh xứ Huế này, ngã ba Sình là giao thủy giữa sông Hương và sông Bồ trước khi xuôi về phá Tam Giang. Nơi đây, ngoài một hội vật nổi tiếng còn có nghề làm tranh dân gian gắn với công sức của một lão nghệ nhân...

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước giới thiệu bộ tranh mẫu (ảnh trái) và một du khách chụp ảnh bộ mộc bản 12 con giáp của ông. Ảnh: V.T.L
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước giới thiệu bộ tranh mẫu (ảnh trái) và một du khách chụp ảnh bộ mộc bản 12 con giáp của ông. Ảnh: V.T.L

Gặp lại nghệ nhân Kỳ Hữu Phước sau 7 năm, thấy ông có vẻ “ăn nên làm ra” với căn nhà cấp 4 cùng gian nhà tre trưng bày tranh (ông gọi là “trại”) đã được nâng cấp khang trang hơn. Ông nói, mỗi năm làm một mùa tranh, từ tháng 10 đến tháng Giêng âm lịch, không “buôn 9 bán 12”, chủ yếu lấy công làm lời nên thu nhập chỉ đủ qua ngày, nhờ đó giữ được nghề là cảm thấy giàu có rồi.

Nghề xuống biển lên rừng

Làng Sình (Làng văn hóa Lại Ân) ở cuối xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế). Trong dòng họ theo nghiệp làm tranh dân gian ở làng, ông Phước là đời thứ 9. Ngày trước cả làng làm tranh, sau năm 1975, nghề cổ truyền này một thời gian dài “chết lâm sàng” vì bị quy chụp tiếp tay cho tệ mê tín dị đoan.

Từ năm 1995, nghề dần được khôi phục bằng tâm huyết của ông và sự hỗ trợ của chính quyền.
Khác với tranh Đông Hồ in trên giấy dó dùng trang trí, tranh làng Sình in trên giấy công nghiệp chủ yếu để thờ cúng. Ông bảo, giấy dó đắt nên tranh có giá thành cao, bán không chạy, tranh làng Sình phải làm trên giấy thường với hồ điệp, nghĩa là bột điệp khuấy với hồ rồi quét lên giấy. Làng còn có tên Hồ Điệp là vì thế.

Điệp chủ yếu sống ở các đầm, phá vùng nước lợ. Ngày xưa mỗi năm một lần cả làng rủ nhau chèo ghe xuống phá Tam Giang cào điệp cả đêm ngày, vui như hội. Nay chạy xe máy một lèo xuống Cầu Hai, ra ven sông dùng cuốc 3 chỉa như cái mỏ sảy (một loại nông cụ để phơi rơm) múc xuống một nhát là có ngay một mẻ điệp.

Mang điệp về, nếu cần gấp thì đưa vô lò đốt để quết cho mau ra bột. Không gấp thì chôn dưới đất từ 6 tháng đến một năm cho rã thịt, đào lên không có mùi hôi là được. Sau đó đem quết thành bột điệp, rồi trộn với bột nếp nấu thành hồ điệp. Giấy được cắt (tiếng nghề gọi là pha) thành nhiều kích cỡ tùy theo chủ đề của từng loại tranh, phết hồ điệp lên mặt giấy đem phơi là sẵn sàng “vẽ” tranh. Dùng mực màu đen quét lên mộc bản rồi in lên giấy, cuối cùng tô màu là hoàn chỉnh tranh.

Muốn có các loại màu phải lên rừng hái lá. Để có màu vàng, người ta dùng lá dung (còn gọi là đung, uống trị đau bao tử) trộn với hoa hòe. Màu xanh lấy từ cây hoa dành dành mọc trên khe núi, tháng 4 nở hoa ra lá, lá có màu xanh rất đậm, cầm là xanh cả tay. Cây lá mối (sương sâm) lá màu xanh lục, có chất keo, đông lại như thạch, con nít chơi đồ hàng giã lá mối ra làm xu xoa. Rễ cây vang cho màu đỏ. Hoa mồng tơi cho màu tím...

Các loại cây, hoa này cho màu sắc tự nhiên, dịu dàng, tươi tắn rất hợp với giấy điệp, màu và giấy hòa quyện nhau cho ra một bức tranh mà ta chỉ có thể gọi là tranh dân gian. “Chừ thì ra chợ là màu chi cũng có -  ông Phước nói - nhưng mấy màu công nghiệp này kém sắc rất xa so với màu thiên nhiên”.

Hạnh phúc làm nghề

Tranh làng Sình có bộ Bát âm (tám loại đàn) nhưng dân gian chỉ vẽ 4 cô cầm 4 loại nhạc cụ là đàn nguyệt, đàn tranh, đàn tỳ bà và kèn. Đây là bộ tranh thường được cúng vào dịp con đầy tháng với ước mong sau này con được thảnh thơi nhàn nhã, tài sắc vẹn toàn như các cô này. Ông thắc mắc bát âm sao chỉ có 4. Ông suy nghĩ ngày đêm rồi vẽ thêm 4 cô cầm đàn bầu, đàn nhị, sáo, trống.

Sự “thêm thắt” này được nhiều người tán thành, như nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông - nguyên Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu văn hóa miền Trung, PGS.TS Phan Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật Huế... Vậy là, năm 2008, ông ra bộ tranh Bát âm. Hai năm sau ra thêm 9 tranh dân gian nữa gồm: 4 thế vật làng Sình, Bịt mắt bắt dê (nam/nữ), Bài chòi, Kéo co (nam/nữ).

Mộc bản ông tự khắc theo hình thái xưa truyền lại. Khắc xong tấm nào, ông in ngay một bản cất vào “kho lưu trữ”, về sau nếu mộc bản này mòn thì lấy bản cũ đó ra rập vô khắc lại. Người không biết, không tinh nghề cứ lấy cái mộc bản đã mòn ra khắc lại, dù có cố gắng thế nào cũng khác với bản cũ, “tam sao thất bổn” là thế. Cả làng chỉ có mỗi mình ông biết khắc mộc bản nên ông mở các lớp truyền nghề cho mọi người, nhất là giới trẻ.

Ông Phước giờ 73 tuổi đời, 67 tuổi nghề. 6 tuổi, cậu bé Phước đã biết tô màu tranh “thế mạng”, loại chỉ có 2 màu, cầm 2 cọ quẹt một lần như Trạng Quỳnh vẽ giun là xong.

Cả làng giờ có khoảng 50 hộ làm tranh như ông Phước, chủ yếu lúc nông nhàn. Mang nghề đi xa có con gái ông lấy chồng Huế nhưng vô Đà Nẵng sống ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang; cháu gọi ông bằng bác ruột là Kim Anh sinh sống trên đường Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng. Cứ “nhân” ra như thế, người làng Sình “rải” nghề suốt từ Quảng Trị tới Quảng Ngãi.

“Trại” tranh ông Phước ngày nào cũng có vài đoàn khách du lịch đến thăm. Hôm tôi đến, gặp một đoàn khách nói tiếng Pháp. Khi giới thiệu bức tranh vật làng Sình, hướng dẫn viên nói “Sumo vietnamien” (Sumo của Việt Nam). Cách nói sáng tạo liên hệ với môn võ cổ truyền của Nhật này đã khiến cả đoàn bật cười sảng khoái.

Vui nhất là ông Phước. Mỗi ngày, nụ cười của khách đã tiếp thêm sinh lực để ông có thể cống hiến dài hơi cho nghề tranh làng mình...

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.