Nhật Bản kết thúc "kỷ nguyên than" ở châu Á?

.

Các nhà phân tích ngành năng lượng dự báo rằng giới đầu tư Nhật Bản ủng hộ phát triển năng lượng tái tạo khắp châu Á sẽ kết thúc luôn “kỷ nguyên than” ở châu lục đông dân nhất thế giới này.

Tua-bin điện gió ngoài khơi của Nhật Bản.
Tua-bin điện gió ngoài khơi của Nhật Bản.

Nhật Bản là khách hàng nhập khẩu lớn nhất của Úc về than. Tổ chức Nhà máy than toàn cầu cho biết ¾ dự án nhà máy than ở Nhật Bản đề xuất từ năm 2015 hiện tại không vận hành. Dự án mới nhất ở Akita có công suất 1,3 GW nằm ven biển phía tây bắc đã tạm hoãn sau khi hai dự án nhà máy khác cũng bị hủy bỏ hồi đầu năm. Tập đoàn Sojitz hồi đầu tuần tuyên bố thoái vốn khỏi nhà máy than. Itochu cũng thoái vốn khỏi than hồi tháng trước. Mitsui rút khỏi than từ tháng 11 năm 2018.

Cùng lúc đó, các nhà đầu tư lớn của Nhật Bản đang tìm cách hỗ trợ dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn trên khắp châu Á. Nguồn tin tài chính năng lượng tái tạo châu Á cho biết các ngân hàng Nhật Bản, hai doanh nghiệp nổi tiếng có sự hỗ trợ của nhà nước là Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản trong những tháng qua bày tỏ ý định đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Chẳng hạn như 13 dự án điện gió ngoài khơi với tổng giá trị đầu tư lên tới 2.000 tỷ yên sẽ có tổng công suất là 537 triệu kW. Ngoài ra, dự kiến 3.000 tỷ yên nữa cho các dự án năng lượng tái tạo gồm mặt trời, gió và các loại khác.

Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào tháng 6 tới tại Osaka dự kiến sẽ là nơi Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe thể hiện vai trò đứng đầu trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu. Nhiều thành viên chính phủ Abe cũng muốn đẩy mạnh hoạt động trước sự biến đổi khí hậu. Ngoại trưởng Tarō Kōno đề nghị mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm từ 22 tới 24% vào năm 2030, tăng từ mức 16% hồi năm 2017.

Các nhà phân tích thị trường năng lượng châu Á nhận định xu hướng đầu tư của Nhật Bản đánh dấu sự thay đổi lớn ở châu lục đông dân nhất thế giới này. Trước hết, nhu cầu điện than của một nước phát triển như Nhật Bản giảm sẽ tác động tới các nước cùng châu lục, nhất là khu vực Đông Nam Á. Năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á chỉ chiếm 6,6% toàn châu Á và chỉ 2,8% thế giới. Thị phần năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á đạt đỉnh vào năm 2012 nhưng từ đó tới nay đã giảm đi 24%.

Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế hồi cuối năm 2018 cho biết Đông Nam Á cần ít nhất 27 tỷ USD mỗi năm để phát triển năng lượng tái tạo. Nguồn tiền đó tìm ở đâu? Tim Burkley giám đốc nghiên cứu tài chính năng lượng của Viện phân tích tài chính và kinh tế năng lượng Úc, nhận định rằng sự thay đổi cách nhìn về năng lượng sạch của Nhật Bản sẽ tác động mạnh tới châu Á, trong đó có Đông Nam Á.

Hai nhà đầu tư lớn Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản đang có những bước chuyển động sẵn sàng đầu tư năng lượng tái tạo ở nước ngoài. Đó cũng là con đường để các quốc gia chung tay kết thúc kỷ nguyên than và góp sức ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu ngày một gay gắt hơn. Chẳng hạn như các chuyên gia dự báo rằng có thể năm 2019 sẽ là năm nắng nóng nhất trong lịch sử sau khi đã dự báo chính xác hai năm trước lần lượt là năm nắng nóng kỷ lục.

ANH THƯ (theo Guardian)

;
;
.
.
.
.
.