'Thị trường' việc làm cho sinh viên

.

Năm 2019, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư với nhiều dự án trong và ngoài nước được triển khai, mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên theo học nghề, nhất là những ngành nghề chất lượng cao.

Giờ thực hành Điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
Giờ thực hành Điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

Chương trình Tọa đàm mùa xuân 2019 diễn ra tại Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng hôm đầu tháng 3 vừa qua đã thu hút đầu tư gần 19 dự án có số vốn gần 4 tỷ USD, chủ yếu ở các lĩnh vực công nghệ cao và bất động sản khu đô thị, khu du lịch.

Đặc biệt, dự án sản xuất linh kiện hàng không của Tập đoàn UAC (Mỹ) với 4.000 trong tổng số 5 triệu chi tiết máy bay các loại để xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ, EU. UAC có kế hoạch tuyển dụng 1.200 nhân lực tay nghề cao về lĩnh vực cơ khí, điện, tự động hóa và 2.000 nhân sự phát triển chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

Cơ hội có việc làm cho sinh viên

Tiếp nhận thông tin trên, PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) nhận định rằng, đây là cơ hội việc làm không thể tốt hơn cho sinh viên (SV) khối ngành kỹ thuật - công nghệ.

“Trong bối cảnh đó, chúng tôi tiếp tục rà soát chương trình đang đào tạo hiện có với 16 chuyên ngành Kỹ thuật - công nghệ để cải thiện, cập nhật kiến thức, đặc biệt tăng cường mạnh hơn việc hợp tác với các doanh nghiệp trong công tác gửi SV đến thực tập, tiếp cận thực tế ngay từ lúc học năm 2, năm 3; mời chuyên gia, doanh nghiệp tham gia giảng dạy các chuyên đề thực tế, đồng thời xây dựng đề án bổ sung trang thiết bị thực hành, thí nghiệm để kịp thời đáp ứng nhu cầu đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng”, PGS.TS Phan Cao Thọ thông tin.

Trong thời hội nhập, trước yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao cũng như sự cạnh tranh rất lớn từ các trường đại học, cao đẳng về việc bảo đảm chất lượng SV tốt nghiệp, các trường dạy nghề ở Đà Nẵng phải tự “làm mới” mình để tồn tại và phát triển.

Ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, một trong những đổi mới hoạt động đào tạo, giảng dạy và học tập là áp dụng các phương pháp học tập tiên tiến như CDIO (theo khuôn khổ giáo dục trong các trường đại học khối các ngành kỹ thuật trên toàn thế giới; viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive-Design-Implement-Operate, nghĩa là: Hình thành ý tưởng, thiết kế, thực hiện và vận hành), học qua ứng dụng công nghệ… Phương pháp tiên tiến này sẽ giúp SV trong quá trình học không chỉ tích lũy về mặt kiến thức mà còn rèn luyện các kỹ năng cần thiết như tin học, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kỹ năng sử dụng công nghệ, kỹ năng kiến tạo các sản phẩm ứng dụng thực tiễn...

Trường Cao đẳng Nghề Việt Úc (VAVC) dù chỉ đào tạo một ngành duy nhất là Du lịch nhưng có đến 11 nghề cụ thể. Đề án định hướng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 mà Sở Du lịch báo cáo với lãnh đạo thành phố đã mở ra hướng đi rất khả quan cho công tác đào tạo của trường. Theo đó, năm 2020, nhu cầu ở dự kiến tại Đà Nẵng là 40.610 phòng; trong đó: khối 4-5 sao là 14.538 phòng (35,8%); khối 1-3 sao là 21.117 phòng (52%). Năm 2025, tổng số nhu cầu dự kiến là 74.435 phòng và năm 2030 là 109.051 phòng.

Những con số ấn tượng trên phần nào cho thấy nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực, là cơ hội cho SV ra trường có nhiều cơ hội việc làm. ThS. Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng VAVC cho biết, nhà trường tập trung đầu tư nhiều hơn cho hai nghề Quản trị khách sạn và Chế biến món ăn, bởi đây là hai nghề có cơ hội việc làm nhiều hơn. Từ năm 2014, VAVC đã xác định đây là hai nghề trọng điểm của trường và đã được Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt theo Quyết định 1477/QĐ-BLDTBXH.

Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng hiện có 27 ngành nghề đào tạo trong 3 lĩnh vực: Kỹ thuật công nghệ cao, Công nghệ thông tin, Dịch vụ - Du lịch. Theo số liệu do nhà trường cung cấp, tỷ lệ học sinh-SV ra trường năm 2018 có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp chiếm tỷ lệ 95,89%; có nghề đạt 100% như Công nghệ ô-tô, May, Thiết kế thời trang.

Một trong những nguyên nhân để có kết quả khả quan này, theo Hiệu trưởng Phan Văn Sơn, là mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp ngày càng mở rộng. Hiện có khoảng 150 doanh nghiệp liên kết với nhà trường trong việc đào tạo, thực tập, xây dựng chương trình, giáo trình, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên; trong đó có 50 doanh nghiệp đặt hàng gần 2.000 chỉ tiêu việc làm sau khi ra trường.

“Bắt tay” với doanh nghiệp

Năm 2019, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư với nhiều dự án trong và ngoài nước được triển khai, mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên theo học nghề, nhất là những ngành nghề chất lượng cao.
Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng tiếp tục tuyển sinh và đào tạo các nghề trọng điểm, gắn với nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp để đáp ứng phân khúc lao động qua đào tạo nghề cho doanh nghiệp.

Ông Sơn cho biết: “Riêng năm 2020, trường tập trung cho kiểm định trường chất lượng cao theo lộ trình, có 7 nghề trọng điểm đào tạo theo chương trình chuyển giao từ các nước phát triển, tiến đến đào tạo theo đơn hàng của doanh nghiệp ngay từ khi tuyển sinh”.

Lớp Kỹ thuật thang máy do chuyên gia Nhật trực tiếp giảng dạy tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng). (Ảnh do đơn vị cung cấp)
Lớp Kỹ thuật thang máy do chuyên gia Nhật trực tiếp giảng dạy tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng). (Ảnh do đơn vị cung cấp)

Với VAVC, mấy năm nay đã xuất hiện hình thức tuyển dụng “mua lúa non” ở các doanh nghiệp lớn (khách sạn, khu nghỉ mát chuẩn 4 sao, 5 sao).

Tuy nhiên, ông Sinh lưu ý rằng hình thức tuyển dụng này chỉ được áp dụng khi giám đốc bộ phận nhân sự của doanh nghiệp đề xuất dựa trên nhu cầu của đơn vị mình và năng lực của SV thực tập. Thời gian qua, rất nhiều SV của VAVC đã được doanh nghiệp tuyển dụng ngay trong quá trình học cũng như trong thời gian thực tập. Một số đơn vị (Crown Plaza, Park Hyatt Resort, Bà Nà Hills…) tuyển dụng SV với chế độ tiền lương như những nhân viên làm việc thực thụ ở doanh nghiệp-mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/tháng (chưa tính phí phục vụ).

Tạo điều kiện về cơ sở vật chất trong đào tạo cũng là mối quan tâm của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng). Cùng với đó, trường hỗ trợ kinh phí cho SV thực hiện các hoạt động tạo sản phẩm sáng tạo với sự tham gia của doanh nghiệp, từ đó có thể giới thiệu các SV ưu tú đến các doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo nhằm tăng khả năng tự tạo việc làm cho bản thân SV và cho cả nhóm.

Trường đã “bắt tay” với một số doanh nghiệp (Bà Nà Hills, Shico Techno, Mabuchi Motor,…) nhằm tuyển dụng SV đang học thông qua việc tuyển chọn thực tập tại các doanh nghiệp này. SV được tuyển chọn đi thực tập được doanh nghiệp trả lương và sẽ được tuyển dụng vào làm ngay sau khi tốt nghiệp theo chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp.

Để góp phần tạo nên một “thị trường” việc làm thông thoáng và hiệu quả cho SV, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật nói riêng, các trường dạy nghề ở Đà Nẵng nói chung đã chọn cách “bắt tay” với doanh nghiệp. Việc thường xuyên giữ mối liên hệ tốt với doanh nghiệp thông qua các hoạt động tuyển dụng, hướng nghiệp đã tăng khả năng tiếp cận doanh nghiệp cho SV và ngược lại.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) là trường công nên kinh phí của trường không thể trang bị máy móc hiện đại và đồng bộ như doanh nghiệp. Vì thế, việc hợp tác với doanh nghiệp để đưa SV đến thực tập và tiếp cận thiết bị máy móc hiện đại là cách làm hay của trường.

Thế nhưng, không phải DN nào cũng hết lòng “bắt tay” hỗ trợ. Để “tương thích” với điều kiện kinh phí không nhiều, trường tiến hành xây dựng đề án Phòng thí nghiệm trọng điểm tập trung cho các ngành Công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng để đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là phòng thí nghiệm cho tất cả các ngành đào tạo tại trường, không chỉ đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn góp phần tạo nên một thế hệ SV ưu tú cho “thị trường” việc làm đầy tính cạnh tranh hiện nay”.

PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng (Đại học Đà Nẵng)

Văn Thành Lê
 

;
;
.
.
Cách tìm tìm việc chất lượng tại VietnamWorks
.
.
.