Về một thế hệ thanh niên thời đất nước thống nhất

.

Thế hệ thanh niên thời đất nước vừa thống nhất năm 1975 chúng tôi phần lớn sinh trong thập niên 50 của thế kỷ trước, và giờ đây hầu hết đã nghỉ hưu, thậm chí nhiều người sắp vào tuổi “thất thập cổ lai hy”. Có lẽ cảm xúc bao trùm nhất của thế hệ chúng tôi vào thời điểm lịch sử năm 1975 là niềm vui Nam Bắc sum họp một nhà.

Lực lượng thanh niên tham gia khôi phục đường sắt Thống Nhất nối liền Bắc-Nam những năm 1976-1980. (Ảnh tư liệu)
Lực lượng thanh niên tham gia khôi phục đường sắt Thống Nhất nối liền Bắc-Nam những năm 1976-1980. (Ảnh tư liệu)

Còn nhớ vào 3 giờ chiều ngày 30-4, trên Đài Phát thanh Sài Gòn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trình bày ca khúc Nối vòng tay lớn nổi tiếng từ đầu thập niên 70 của ông mà không cần nhạc đệm, kèm lời nhắn qua sóng phát thanh: “Hôm nay, tôi xin hát lại bài hát Nối vòng tay lớn, trên đài không có đàn guitar. Thực sự vòng tay lớn đã được nối kết” (*).

Thời điểm năm 1975, trên thế giới có ba nước đang bị chia đôi theo hai chế độ chính trị khác nhau: Đông Đức/Tây Đức, Nam Triều Tiên/Bắc Triều Tiên và Nam Việt Nam/Bắc Việt Nam. Cho đến nay Triều Tiên vẫn chưa có được niềm vui vòng tay lớn được nối kết/ hai bên giới tuyến sum họp một nhà như Việt Nam và Đức. Giới tuyến tạm thời ở vĩ tuyến 38 chia đôi hai miền Nam/Bắc Triều Tiên vẫn chưa được xóa bỏ như giới tuyến tạm thời ở vĩ tuyến 17 từng chia đôi hai miền Nam/Bắc Việt Nam hơn hai mươi năm, như bức tường Berlin từng chia đôi hai phía Tây/Đông thành phố Berlin gần 30 năm...

Cho nên không phải ngẫu nhiên mà những ca từ của Trịnh Công Sơn thể hiện khát khao thống nhất đất nước đã thực sự ngân vang trong hàng triệu trái tim của thế hệ chúng tôi ngày hôm ấy: Rừng núi dang tay nối lại biển xa/ Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà/ Mặt đất bao la anh em ta về/ Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng/ Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam (…). Học đại học ở miền Nam trước năm 1975, mỗi lần làm bài tập hay lên bục thuyết trình, tôi và không ít bạn bè đều cố đưa vào bài viết/bài nói nỗi khát khao thống nhất đất nước qua cụm từ mang đầy chính kiến: “ba mươi mốt triệu đồng bào cùng đi chung trên một dòng lịch sử”.

Thời ấy không biết các bạn thanh niên cùng thế hệ chúng tôi ở ngoài Bắc có thường nhắc đến hai câu thơ hay nhất trong bài Nói chuyện với sông Hiền Lương do Tế Hanh sáng tác năm 1959: Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời mây núi có chia đâu? Không nằm trong hoàn cảnh ngày Bắc đêm Nam của một người miền Nam tập kết như Tế Hanh, có lẽ sẽ khó viết được những câu-thơ-thống-nhất tuyệt vời như vậy.

Thế hệ thanh niên thời đất nước vừa thống nhất năm 1975 chúng tôi hòa vào niềm vui Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn (thơ Hồ Chí Minh) nhưng cũng sớm cảm nhận rõ nỗi đau Tổ quốc mình chưa toàn vẹn lãnh thổ, bởi vẫn còn đó cả một quần đảo trên Biển Đông đang bị ngoại bang chiếm đóng - đầu năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

Và không phải ngẫu nhiên khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bản tin đặc biệt vào lúc 6 giờ chiều ngày 4-3-1979 truyền đi lời hịch thiêng liêng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc, thế hệ chúng tôi với nhận thức “mất nước là mất tất cả”, một lần nữa lại cầm súng ra trận, một lần nữa lại lớp cha trước lớp con sau/ đã thành đồng chí chung câu quân hành (thơ Tố Hữu). Sau thời điểm lịch sử năm 1975, thế hệ chúng tôi những tưởng lời ca trong bài Tự nguyện ngày nào của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh - Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương - sẽ mãi mãi được cải biên thành Nếu là người tôi sẽ sống cho quê hương, nhưng chỉ mới 3-4 năm sau, nhiều người trong thế hệ chúng tôi đã phải mãi mãi nằm xuống nơi chiến trường biên giới và cả ở Trường Sa nữa…

Thế hệ thanh niên thời đất nước vừa thống nhất năm 1975 chúng tôi sống qua cả hai giai đoạn trước và sau Đổi mới, song có lẽ đáng nhớ nhất vẫn giai đoạn trước Đổi mới. Giai đoạn khó quên này kéo dài hơn 10 năm, có thể khái quát bằng 4 chữ “thiếu thốn trăm bề”, có nhiều chuyện giờ kể lại cho con cháu nghe cứ như là cổ tích. Có điều như người xưa đã nói trong sách Minh Tâm Bửu Giám rằng “gia bần hiển hiếu tử/ thế loạn thức trung thần - nhà nghèo mới rõ con thảo/ đời loạn mới biết tôi trung”.

Chính trong bối cảnh đất nước “thiếu thốn trăm bề” ấy, thế hệ chúng tôi không chỉ sẵn sàng “chết cho quê hương” mà còn sẵn sàng “sống cho quê hương”, sẵn sàng dấn thân và cống hiến cho công cuộc hồi sinh đất nước sau chiến tranh. Một trong những thành quả tiêu biểu mang tinh thần “sống cho quê hương”, nỗ lực vượt lên khó khăn trong lao động cũng như trong cuộc sống đời thường “thắt lưng buộc bụng” của thế hệ chúng tôi chính là công trình đường sắt Bắc Nam, còn gọi đường sắt Thống Nhất dài 1.730 cây số nối Hà Nội với TP. Hồ Chí Minh, khánh thành và thông xe đợt đầu vào ngày 31-12-1976, sau 30 năm gián đoạn bởi chiến tranh - từ cuối năm 1946.

Thế hệ thanh niên thời đất nước vừa thống nhất năm 1975 chúng tôi tự hào vừa đồng hành với máy đánh chữ vừa sớm đi cùng với máy tính. Đến cuối thập niên 1980, thế hệ chúng tôi vẫn phải soạn thảo văn bản thậm chí viết luận văn/ luận án chủ yếu bằng máy đánh chữ cọc cạch cùng với giấy than và giấy pelure.

Sang đầu thập niên 1990, chúng tôi mới bắt đầu được làm quen với máy tính để bàn - chứ chưa có máy tính xách tay - cùng phần mềm VietRes của Phạm Hồng Nguyên từng rất thịnh hành ở các tỉnh phía Nam. Hồi ấy phòng làm việc của thủ trưởng cơ quan chỉ mới dùng quạt máy trong khi phòng đặt máy tính thì được lắp máy điều hòa nhiệt độ, ra vào phòng phải để giày dép bên ngoài vì sợ máy tính bị virus xâm nhập - do hiểu virus giống như vi khuẩn dễ lây nhiễm trong bệnh viện. Và máy tính không chỉ được thế hệ chúng tôi dùng để soạn thảo văn bản mà còn dùng để gửi thư điện tử/ email. Xin nói thêm rằng cho đến nay mặc dầu đã có thâm niên mấy chục năm gửi thư điện tử nhưng thế hệ chúng tôi vẫn chưa ai đối được vế đối mang đậm dấu ấn thời @: Năm Mèo nhấn chuột gửi meo cho mèo!

Thế hệ thanh niên thời đất nước vừa thống nhất năm 1975 chúng tôi giờ đã bước sang tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận”. Mấy chữ này là của cụ Khổng Tử bên Trung Quốc và được chính người Trung Quốc ngày nay giải thích rằng: “sáu mươi tuổi thì nhĩ thuận/ không còn chướng tai gai mắt, bởi sáu mươi năm đủ để con người lý giải đúng căn nguyên của mọi việc diễn ra xung quanh mình và thấu hiểu nhân tình thế thái nên dễ thông cảm và có thái độ khoan dung hơn - nhìn sự việc không còn thấy chướng tai gai mắt nữa - ngược lại với hồi tuổi trẻ, khi kiến thức còn nông cạn, kỹ năng ứng xử còn yếu nên trước nhiều sự việc thường cảm thấy khó chịu/ đố kỵ/ bực mình” (**). 

Cách nghĩ của Khổng Tử về tuổi sáu mươi và về người sáu mươi tuổi như vậy có thể đúng với số đông - số đông người trải đời suốt sáu mươi năm đang đủ độ lịch lãm và số đông thanh niên chỉ mới vào đời hai/ba mươi năm hãy còn trẻ người non dạ. Thật ra, bằng sự trải nghiệm của chính mình, thế hệ chúng tôi luôn ý thức rằng sống sâu hơn sống lâu. Không phải cứ sống lâu thì đương nhiên lên lão làng và vì thế chỉ cần sống sâu với cuộc đời này thì hai/ba mươi tuổi cũng đã có khả năng “nhĩ thuận” chứ không chờ đến tuổi sáu mươi. Và chẳng phải Khổng Tử cũng từng thốt lên “hậu sinh khả úy” hay sao?

BÙI VĂN TIẾNG

(*) Xem Đỗ Quyên, Nghe Trịnh Công Sơn hát chay Nối vòng tay lớn trên đài Phát thanh, Báo Tiền Phong điện tử ngày 12-4-2017.

(**) Xem Trung tâm Ngoại ngữ Bắc Kinh, Các nấc thang của sự thành đạt qua lời dạy của Đức Khổng Tử, 6-6-2016

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.