Những tiết học ngoài bục giảng

.

Không phấn trắng, bảng đen, không bị bó buộc trong bốn bức tường, tiết học Văn tại Trường THPT Ngũ Hành Sơn diễn ra ngay dưới tán cây xanh giữa sân trường, trong không khí sôi nổi và hăng say. Đó là phương pháp dạy học mới được nhà trường áp dụng 2 năm học trở lại đây, và đã đạt được những thành quả bước đầu đáng ghi nhận.

Một tiết học ngoài trời sôi nổi của Trường THPT Ngũ Hành Sơn.
Một tiết học ngoài trời sôi nổi của Trường THPT Ngũ Hành Sơn.

Là một học sinh thiên về môn Toán, những tiết học Văn trong lớp đối với Mai Nguyễn Triều Châu, học sinh lớp 10 A1 chưa thực sự hấp dẫn. Dù cố gắng để hiểu bài, đôi khi cảm giác uể oải vẫn diễn ra. Sau những tiết học ấy, về nhà Châu lại phải tìm tòi trong sách vở, tự học lại thêm vài lần nữa để nắm kiến thức. Cứ tưởng thiện cảm dành cho môn Văn sẽ khó cải thiện, nhưng không phải vậy.

Chỉ qua 2 tiết học ngoài trời, với chủ đề “Văn bản quảng cáo”, Châu đã có nhìn nhận khác về môn học này: “Em học lớp chọn Toán, trước đây em không hề thích môn Văn, nhưng khi được tham gia học tiết học Văn ngoài trời này em cảm thấy vui hơn, hấp dẫn hơn, tiếp thu bài dễ hơn. Hai tiết học ngoài trời trôi qua quá nhanh, cảm giác tiếc nuối, muốn học dài hơn nữa. Em mong chương trình của hai năm học THPT tiếp theo, em và các bạn sẽ được học nhiều hơn những tiết học như thế này”.

Còn với Lê Ngọc Thảo, học sinh lớp 12A1, năm học này là lần thứ 2 em được tham gia tiết học ngoài trời. Trước đó vào năm học lớp 11, Thảo cùng các bạn rất sôi nổi trong tiết học về chủ đề “Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn”; bước sang lớp 12, bài học “Phát biểu theo chủ đề, phát biểu tự do” được cô giáo triển khai.

“Được học tiết học ngoài trời em thấy rất vui. Em cùng các bạn được trao đổi ý kiến với nhau và với cô giáo nhiều hơn. Kiến thức bài học sau những ví dụ thực hành thực tế được tổng hợp và ghi nhớ ngay ở đó mà không cần phải về nhà học thuộc nữa”, Thảo nói.

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT Ngũ Hành Sơn, chia sẻ: “Ngữ văn là môn học quan trọng, chiếm thời lượng lớn trong chương trình của học sinh. Tuy nhiên hiện nay học sinh không thích học môn học này ngày càng trở nên phổ biến. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó phương pháp dạy học với phương tiện chính là phấn trắng, bảng đen… là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự nhàm chán của môn học. Những tiết học không phấn trắng, bảng đen, không bị bó buộc trong bốn bức tường đã được nhà trường áp dụng đối với những bài học phù hợp trong chương trình Ngữ văn. Ví dụ như bài Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn (lớp 11); Văn bản quảng cáo, Văn thuyết minh (lớp 10); Phát biểu theo chủ đề, phát biểu tự do (lớp 12)… Việc áp dụng dạy học ngoài trời ở trường thời gian qua đã tạo được sự hấp dẫn cho học sinh, các tiết học trở nên sinh động hơn và học sinh hiểu bài nhanh hơn, sâu hơn”.

Cùng với các tiết học văn ngoài trời, tổ còn phối hợp với các tổ Sử, Địa cho các em học sinh tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn, di tích cách mạng K20, Nhà trưng bày Hoàng Sa. Sau các buổi tham quan ấy, học sinh có thêm tư liệu viết văn thuyết minh, văn nghị luận xã hội về truyền thống quê hương, hướng về biển đảo...

Tuy việc tổ chức tiết học ngoài trời và hoạt động tham quan ngoài trường còn gặp một số khó khăn như điều kiện thời tiết, khâu tổ chức cần chặt chẽ, phải mất nhiều thời gian để phối hợp nhịp nhàng giữa các tổ bộ môn, nhà trường, phụ huynh và chính quyền địa phương…, nhưng hiệu quả mang lại đáng ghi nhận. Từ những thực tế, thực tiễn, học sinh tiếp thu, cảm nhận và nhìn nhận đúng hơn về môn Văn để từ đó tìm lại sự yêu thích môn học.

“Dạy học ngoài không gian lớp học là hình thức dạy học có nhiều ưu điểm, không những góp phần phát huy được tính tích cực, khả năng tư duy, sáng tạo các kỹ năng của người học mà còn góp phần giáo dục học sinh lòng yêu quê hương, đất nước, yêu thiên nhiên và biết bảo vệ môi trường sống”, cô Thủy nói.

Để tổ chức tốt tiết học này, cô Thủy cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ chương trình môn học, chuẩn bị kỹ năng kiến thức để lập ra kế hoạch dạy học ngoài trời phù hợp với tình hình của nhà trường và bộ môn. Giáo viên phải bám sát mục tiêu tiết học, xác định được mục tiêu của hoạt động trải nghiệm ngoài lớp học là gì để tránh tình trạng dạy học ngoài trời chỉ đơn giản là hoạt động tham quan ngoại khóa; phải có phương pháp quản lý lớp tốt, chuẩn bị tiết học chu đáo. Việc phối hợp giữa các tổ bộ môn là cần thiết để giảm số lần di chuyển, tuy nhiên không nên dàn trải…

Cô Huỳnh Minh Nguyệt, Phó hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn cho biết: “Hai năm học trở lại đây, hình thức dạy học ngoài trời đã được Tổ Ngữ văn và một số bộ môn khác như tiếng Anh, Địa lý, Lịch sử… áp dụng đã đem lại những hiệu quả bước đầu; góp phần cải tiến phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa quá trình dạy và học, tăng cường khả năng tư duy của học sinh, tạo sự hứng thú trong giờ học; giúp học sinh rèn luyện kỹ năng cần thiết, vận dụng kiến thức vào đời sống. Hiệu quả dạy học từ đó cũng được nâng cao!”.

Thiên Lam

;
;
.
.
.
.
.