Thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường gia tăng khiến nhiều bậc phụ huynh tăng cường kiểm soát con cái bằng cách lấy lại điện thoại, không cho đi chơi, không cho tham gia mạng xã hội, quản lý chặt chẽ lịch học cũng như danh sách bạn bè của con. Nhiều bạn ở trường dễ bị bạn bè ăn hiếp, bắt nạt, về nhà bị ba mẹ kiểm soát khiến không ít học sinh rơi vào tâm trạng chán nản, mất niềm tin, học hành sa sút…
Khi mối quan hệ giữa thầy và trò trở nên thân thiết, thì bạo lực học đường sẽ có cơ hội được đẩy lùi. Trong ảnh: Thầy trò chuyện cùng trò trong giờ ra chơi ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Sơn Trà. |
1. Đứng chờ con trước cổng Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà), chị Nguyễn Thị Bích Nga, có con học lớp 7 tại đây than phiền: “Nhà cách trường chừng 1 cây số nhưng tôi không dám cho con tự đi học bằng xe đạp. Trước giờ chưa khi nào nghe con kể bị bạn bè ở trường đánh nhưng chuyện bị “trấn lột” bút, thước, truyện, dụng cụ học tập thì diễn ra thường xuyên.
Có đợt cứ đi học về là con năn nỉ tôi ghé tiệm tạp hóa mua cho cây bút với lý do bút đang sử dụng đã hết mực hoặc hư. Mua hôm trước thì hôm sau bút lại… hết mực. Biết con nói dối nên tôi gặng hỏi mãi, cuối cùng nó mới kể là do nhóm anh chị lớp trên lấy, dọa nếu không đưa sẽ bị đánh”.
Giữa làn sóng bạo lực học đường gia tăng trong cả nước, anh L.T.T, có con học tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Hải Châu bày tỏ lo lắng khi kể rằng, con gái anh học lớp 1, một hôm cháu đi học về nói: “Con chán cái trường này quá ba ơi, trường gì mà bạn bè toàn ăn hiếp với đánh nhau”.
Con gái anh kể, hôm ấy ở trường, cháu nhìn thấy một học sinh (HS) lớp 4 đánh bạn lớp 2, không biết làm sao phải chạy vô phòng báo cô hiệu trưởng. Trước đó, cháu cũng từng đứng ra can ngăn khi bạn trai cùng lớp bị một nhóm lớp khác bắt nạt.
“Kể chuyện này, tôi muốn nói rằng trẻ con vốn có bản năng bênh vực kẻ yếu thế và biết bất bình với sai trái. Tuy nhiên, những điều này sẽ giảm khi lớn lên, khi thiếu dần niềm tin vào sự công bằng. Khi đọc câu chuyện cô bé lớp 9 bị nhóm bạn bạo hành ngay tại lớp, tôi sững sờ khi chung quanh nạn nhân không hề có một người bạn nào nhúc nhích phản ứng, dù là nhảy vào can ngăn hay chạy báo cho người lớn.Câu trả lời cho chúng ta, chính là cách hành xử đáng sợ của cô giáo chủ nhiệm, ở cái cách cô bắt học sinh xóa clip và giấu nhẹm sự việc. Điều đó đã khiến học trò thiếu niềm tin vào sự công bằng của cô giáo”, anh T. bày tỏ.
2. Bạo lực học đường không chỉ diễn ra giữa HS với nhau, mà còn được xem xét trong mối quan hệ giữa thầy và trò. Trong môi trường đó, thái độ của giáo viên đối với HS đôi khi ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, tâm lý các em. Nhiều giáo viên không hề quát nạt, đánh mắng nhưng thái độ không quan tâm, thờ ơ, không chịu nghe HS giải thích… cũng là nguyên nhân khiến các em dễ tổn thương.
Ba mẹ đã ly hôn nhưng vẫn thường xuyên mâu thuẫn dẫn đến cãi vả, xô xát khiến em T.B.T (sinh năm 2002) hiện ở với mẹ tại phường Tân Chính, quận Hải Châu luôn lầm lì, ít nói. Có đợt, vì buồn chuyện gia đình, T. tự ý nghỉ học đến ngày thứ 15 thì nhà trường mới liên lạc báo gia đình.
Ông V., ba T.B.T bức xúc: “Chuyện con bé nghỉ học đến ngày thứ 15 chúng tôi mới được nhà trường thông báo thì quả thật rất khó chấp nhận. Thật sự tôi rất buồn vì hoàn cảnh gia đình ảnh hưởng tới suy nghĩ, lối sống của con mình, nhưng cứ nghĩ việc con đến trường trong tâm trạng cô đơn, không được bạn bè, thầy cô quan tâm hỏi han, động viên thì tội nghiệp quá”.
Chia sẻ với chúng tôi, T.B.T nói rằng, em đã trải qua những năm tháng cô đơn và buồn tủi. Ở nhà, thấy ba mẹ nói lời xúc phạm rồi lao vào đánh nhau; đến lớp, bạn bè chỉ quan tâm chuyện điểm số, ai thích ai, ai có quần áo đẹp; thầy cô giáo hầu như chưa khi nào hỏi han chuyện gia đình khiến T. càng có cảm giác lạc lõng bởi không tìm được nơi để chia sẻ. “Đã nhiều lần em muốn nghỉ học vì đi học cũng cảm thấy không vui”, T. nói.
Luật sư Nguyễn Phi Hùng, đại diện Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em (thuộc Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố) cho hay, rất nhiều tội phạm vị thành niên là con những gia đình thiếu sự quan tâm, chăm sóc con cái. Đồng thời, trong ký ức tuổi thơ, các em ít nhận được sự chia sẻ, yêu thương của bạn bè, thầy cô.
Ông nói: “Qua tìm hiểu tôi nhận thấy những HS đánh bạn thường có hoàn cảnh gia đình phức tạp. Có em ở nhà bị bố mẹ chửi mắng, đánh đập nên khi lên trường cũng sử dụng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn. Có em bị ban giám hiệu gọi lên đã “chối bay chối biến”, chỉ khi nào được thầy cô, bạn bè trưng ra bằng chứng mới cúi đầu nhận lỗi và xin lỗi bạn. Nhưng nhận bữa nay rồi bữa mai lại… đánh tiếp. Tuy nhiên hiện nay, khi xảy ra chuyện gì, thầy cô giáo vẫn đặt nặng việc phê phán, phân tích tình huống dẫn tới lỗi mà ít chú trọng tới yếu tố giáo dục bằng sự xoa dịu, bằng tình thương và dạy HS trở thành người tử tế. Sẽ không ai dùng bạo lực khi có đủ yêu thương”.
3. Những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 25 văn bản liên quan trực tiếp tới công tác phòng, chống bạo lực học đường nhưng tình trạng bạo lực học đường vẫn gia tăng, mức độ phức tạp ngày một nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, một số nhà trường đã tự trang bị cho giáo viên và HS những kiến thức cơ bản nhất về xử lý tình huống, trong đó chú trọng phương pháp yêu thương và chia sẻ.
Việc gần gũi, chia sẻ thường xuyên giữa giáo viên và học sinh giúp các em tự tin trong cuộc sống. |
Cô Nguyễn Thị Thanh Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Linh (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) cho biết, trong các buổi chào cờ đầu tuần, nhà trường thường xuyên tuyên truyền cho HS về sự quan tâm, chia sẻ lẫn nhau giữa trò và trò, giữa trò và thầy cô giáo. Mỗi câu chuyện là một tình huống có tính đúc kết, kế thừa, khuyến khích học trò nói ra suy nghĩ và hướng giải quyết của mình. Đây cũng là phương pháp định hướng cho các em biết cách giải quyết những tình huống không mong muốn xảy ra trong môi trường học đường.
Trong khi đó, cô giáo Huỳnh Thị Việt Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 9/1, Trường THCS Nguyễn Văn Linh cho hay, trong lớp mình chủ nhiệm có một HS mồ côi cả ba lẫn mẹ, hiện đang sống một mình trong ngôi nhà được xây nên từ những tấm lòng thiện nguyện.
“Do sống một mình, thiếu sự chăm sóc của ba mẹ, hoàn cảnh khó khăn nên trí óc em HS này hơi chậm chạp so với bạn bè cùng trang lứa. Ngoài việc động viên các em trong lớp quan tâm, giúp đỡ em trong cuộc sống, chúng tôi thường xuyên phân công HS giỏi kèm cặp, cùng chơi, cùng học để em không thấy mình bơ vơ, lạc lõng giữa bạn bè, thầy cô”, cô Việt Nga chia sẻ.
Để có một môi trường giáo dục thân thiện, để thầy và trò cùng nhau tạo ra những kỷ niệm đẹp trong đời, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Lê Thị Bích Thuận mong muốn các trường nâng cao tinh thần gắn kết, đội ngũ thầy cô giáo luôn chịu khó lắng nghe, chia sẻ với học trò. Theo bà Bích Thuận, chỉ khi nào học trò thực sự mở lòng, người thầy thực sự hiểu được những khó khăn mà học trò đang đối mặt, nắm được những mâu thuẫn phát sinh trong lớp học để xoa dịu, điều chỉnh, thì khi ấy, vấn nạn bạo lực học đường mới có cơ hội được đẩy lùi.
Bài và ảnh: Tiểu Yến