Chỉ là một “mắt xích” rất nhỏ trong các hoạt động của Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2019, nhưng các tình nguyện viên (TNV) làm nhiệm vụ phiên dịch viên (PDV) đã âm thầm góp một phần vào sự thành công của mỗi đội. Họ cũng chính là những “cầu nối” ngôn ngữ để các bên hiểu nhau hơn, chia sẻ, nắm bắt và hoàn thành công việc một cách tốt hơn.
Ngoài nhiệm vụ phiên dịch, Nguyên (trái) còn hỗ trợ các thành viên trong đội trong công việc lắp đặt pháo khi cần. |
Nguyễn Tấn Quân, sinh viên khoa Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết, dù đã từng tham gia làm TNV tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 nhưng khi đăng ký làm TNV của DIFF, Quân cũng có nhiều phân vân, lo lắng do chưa có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực này.
Nhưng vì muốn được thử sức trong một môi trường mới để kiểm tra xem các kỹ năng nghe, nói tiếng Anh của mình đến đâu, Quân đã “liều” đăng ký. Trải qua các vòng tuyển chọn khá gắt gao Quân may mắn được là một trong các TNV tham gia phiên dịch tại DIFF 2019.
Chỉ hơn 1 tuần đồng hành với DIFF nhưng Quân đã học được rất nhiều điều hữu ích dành cho mình như tính kỷ luật cao trong quá trình làm việc. Yếu tố giờ giấc rất nghiêm ngặt, cường độ làm việc cao dưới thời tiết nắng nóng. Nhiệm vụ của các TNV là theo sát thành viên các đội, hỗ trợ các công nhân trong việc thi công lắp đặt pháo.
Quân ý thức được rằng nhiệm vụ của một phiên dịch viên chính là cầu nối giữa các đội tham dự DIFF với công nhân nên luôn cố gắng xông xáo, nhiệt tình để hai bên hiểu nhau, và tiến triển công việc một cách thuận lợi nhất.
Còn Hồ Ngọc Vĩnh Nguyên, sinh viên năm 2 khoa Báo chí, Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) lại nhận thấy, để làm tốt nhiệm vụ phiên dịch của một TNV trước hết phải học được cách làm việc nhóm. Mỗi TNV phụ trách một nhiệm vụ khác nhau, dù lớn hay nhỏ thì đều học được rất nhiều điều như kỹ năng đi đón đoàn tại sân bay cần chuẩn bị những gì, việc gì cần làm trước, việc gì làm sau. Trong quá trình các đội tác nghiệp, thi công pháo, các đội trưởng đòi hỏi yêu cầu độ chính xác cao nên TNV phải nắm bắt và kịp thời ghi nhớ để truyền đạt lại cho công nhân thực hiện.
Nguyên cho rằng vai trò thông dịch tại DIFF cần độ chính xác cao, nên trước khi tham gia, Nguyên đã dành thời gian tìm hiểu về những từ ngữ chuyên ngành. Tuy vậy, trong ngày đầu gặp gỡ và trao đổi Nguyên cũng như một số bạn vẫn bị “khớp” do tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính của một số đội thi đại diện các nước Phần Lan (đội của Nguyên phụ trách), Ý (đội của Quân phụ trách), Brazil, Nga, Bỉ…
Dù có một số khó khăn bước đầu nhưng sau một tuần gắn bó với các đội thi DIFF là một kinh nghiệm hay dành cho những người trẻ như Nguyên. Một trong những điều Nguyên học được từ chính các thành viên của đội pháo hoa đến từ Phần Lan là sự tỉ mỉ và chuyên nghiệp trong công việc. Dù thời tiết ở Đà Nẵng nắng nóng khó chịu, khác hẳn với khí hậu mát mẻ ở Phần Lan nhưng tinh thần đoàn kết luôn được đội trưởng Johan Hollander đề cao. Không có sự đổ lỗi mà chỉ có nỗ lực để khắc phục những lỗi đã mắc phải.
Nguyên chia sẻ: “Khi làm nhiệm vụ của một PDV, tôi luôn ý thức được mình chính là cầu nối để các thành viên của đội thi và công nhân thi công lắp đặt pháo hiểu nhau hơn nên em luôn cẩn trọng trong ngôn từ, trong lời dịch của mình để không xảy ra tình trạng hiểu lầm hay hai bên không hiểu nhau”.
Các tình nguyện viên là cầu nối không thể thiếu để các đội thi hoàn thành nhiệm vụ của mình. Trong ảnh: Anh Nguyễn Văn Bình đang trao đổi với Giám đốc Công ty Global 2000, bà Nadia Wong Abdullah, đơn vị tư vấn kỹ thuật của DIFF 2019. |
Lần thứ 3 tham gia làm TNV tại DIFF, nhận nhiệm vụ phiên dịch cho đội kỹ thuật của Global 2000, Lê Huỳnh Đức, sinh viên năm 3 Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết, dù quen với nhiệm vụ của mình, nhưng qua mỗi một mùa DIFF, Đức lại thấy mình trưởng thành hơn, có thêm những kinh nghiệm thực tế quý giá mà không phải ai cũng có cơ hội được biết đến.
Đó là khả năng sử dụng ngôn ngữ, khả năng giao tiếp, giải quyết các tình huống bất ngờ; có thêm được nhiều kiến thức hơn do được gặp gỡ giao lưu với các thành viên đến từ các quốc gia khác nhau… “Quan trọng hơn là tôi đã vượt qua được giới hạn của bản thân mình. Ví dụ đó là nguyên tắc thời gian, dù hôm trước đi về rất mệt, rất muốn được nghỉ ngơi thêm một chút nhưng nhiệm vụ của TNV là phải đến đúng giờ, theo sát thành viên của các đội, vì ở ngoài bãi bắn chỉ cần sơ xuất một chút sẽ gặp trục trặc, khiến công việc chung của các đội bị ảnh hưởng”, Đức chia sẻ.
Ngoài làm phiên dịch thì nhiệm vụ của một TNV còn là những công việc không tên khác như giới thiệu địa điểm ăn uống cho các đội thi, giúp đỡ các thành viên của đội mua sắm những dụng cụ lặt vặt trong sinh hoạt thường ngày… Cũng trong dịp này TNV cũng tranh thủ giới thiệu với đội thi về các điểm đến, danh thắng của Đà Nẵng. Các bạn TNV như Đức, Nguyên đã cùng các đội thi đi tham quan một số điểm du lịch của thành phố, giới thiệu với khách về thành phố Đà Nẵng xinh đẹp.
Các TNV đều cho rằng, được làm PDV tại DIFF là cơ hội rất tốt để trau dồi kỹ năng, kiến thức, là trường học thực tế rất bổ ích để rèn luyện bản thân mình. Suốt 10 năm gắn bó với công việc phiên dịch tại DIFF, anh Nguyễn Văn Bình, chuyên viên Trung tâm Phục vụ đối ngoại, Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng cho hay, các TNV được tuyển chọn cho mỗi mùa DIFF đều là sinh viên của các trường đại học trên địa bàn thành phố. Những hoạt động như thế này chính là cơ hội để các em được luyện tập khả năng ngôn ngữ cũng như khả năng xử lý tình huống, sẽ rất hữu ích cho các em sau này.
THU HÀ