Những người kết nối

.

Cộng tác viên trẻ em (CTVTE) là cầu nối mọi thông tin, hoạt động giữa cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em đối với hộ gia đình, người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ và đối tượng trẻ em. Khi cuộc sống có nhiều thay đổi, các chị là những người phải cập nhật kiến thức để hỗ trợ các bà mẹ, ông bố nuôi dạy những đứa con phù hợp với xã hội hiện nay.

Chị Nguyễn Thị Hồng thăm hỏi tình hình sức khỏe của bé Huỳnh Thị Nh.P., cô bé từng bị suy dinh dưỡng trong giai đoạn sơ sinh.  Ảnh: M.H
Chị Nguyễn Thị Hồng thăm hỏi tình hình sức khỏe của bé Huỳnh Thị Nh.P., cô bé từng bị suy dinh dưỡng trong giai đoạn sơ sinh. Ảnh: M.H

Chúng tôi ghé đến nhà anh Huỳnh Quý (sinh năm 1965) để thăm bé Huỳnh Thị N.P. (sinh năm 2008), con gái út của anh Quý và cũng chính là cô bé bị suy dinh dưỡng năm nào được chị Nguyễn Thị Hồng, cộng tác viên trẻ em (CTVTE) tổ 23, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn cùng chính quyền phường Khuê Mỹ, bà con lối xóm tổ 23 chung tay nuôi nấng.

Cũng như bao đứa trẻ khác, bé P. chào đời bình thường, đủ ngày đủ tháng với cân nặng 3,2kg. Nhưng bé không chịu bú mẹ. Nhà lại thuộc diện khó khăn, không có tiền mua sữa ngoài, chỉ có thể dùng sữa đậu nành. Hơn 1 tháng sau khi chào đời, bé P. còn vỏn vẹn 2,8 kg và ngày càng gom người lại. “Lúc đó tôi chỉ cầu nguyện rằng, đời tôi khổ mấy cũng được. Chỉ mong cho con tôi được sống!”, anh Quý chia sẻ.

Sau khi tiếp nhận tình trạng của bé P., chị Hồng liền đi vận động bà con trong tổ 23 được 800.000 đồng giúp gia đình anh Quý có tiền mua sữa cho con cùng vài ki-lô-gam. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, số tiền ngày ấy dẫu không giúp đỡ được gia đình dài hạn song đã kịp hỗ trợ giai đoạn khó khăn nhất, tiếp thêm động lực để gia đình anh Quý thêm vững niềm tin, cố gắng làm ăn để có “lực” mà “chiến đấu” cùng cô con gái bé nhỏ.

Suốt dạo ấy, chị Hồng cùng mọi người xung quanh cũng thường xuyên tới lui thăm hỏi, động viên gia đình. Rồi 4 năm trôi qua với biết bao nước mắt của ông bà, cha mẹ, bà con hàng xóm, bé P. dần tăng cân, ổn định sức khỏe.

Chị Nguyễn Thị Hòa, CTVTE thôn Quá Giáng 2, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang bén duyên với công tác này từ việc chị là một CTV dân số (CTVDS) ở thôn từ năm 2002. Khoảng 6 năm trước, nhờ am hiểu tình hình tại thôn, chị được chỉ định kiêm luôn CTVTE của thôn. Rồi từ ngày đó, đi đâu, hễ gặp gia đình nào có con trong độ tuổi trẻ em (0-16 tuổi) là chị lại tranh thủ trò chuyện về những cách chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ, hiện nay chị tuyên truyền nhiều về vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em.

Những câu chuyện như cha mẹ vì không kìm nén được sự nóng giận, đánh con thỉnh thoảng vẫn xảy ra, và đó là những lần những CTVTE như chị Hòa phải ra tay can thiệp. Bởi cách giáo dục trẻ em hiện nay đã có nhiều đổi mới, không còn cách dạy mang tính cảm tính như xưa. Qua đó, các chị cũng phải đọc nhiều sách vở để nắm được các phương pháp chăm sóc, nuôi dạy con một cách khoa học, đề cao tình yêu thương, tôn trọng, rồi đi tuyên truyền lại cho các bậc cha mẹ.

Nghe qua cụm từ “cộng tác viên” có vẻ đơn giản, nhưng nếu không có cái tâm, sự nhiệt huyết thì khó lòng mà hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bởi việc tuy không quá nặng nhưng mất khá nhiều thời gian và số tiền phụ cấp hằng tháng cũng chỉ vọn vẹn vài trăm ngàn đồng. Những CTVTE sẽ phải nắm bắt thông tin, tình hình trẻ em trên địa bàn phụ trách.

Họ là cầu nối mọi thông tin, hoạt động giữa cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em đối với hộ gia đình, người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ và đối tượng trẻ em; tuyên truyền luật pháp, chính sách, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ,  chăm sóc trẻ em tới hộ gia đình, cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; vận động gia đình, cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phát hiện và đánh giá nguy cơ xâm hại trẻ em; tiếp nhận và ghi chép thông tin về tình hình xâm hại trẻ em, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt,…thuộc địa bàn phụ trách để kịp thời báo cáo với cán bộ phụ trách trẻ em cấp xã/phường, kịp thời có phương pháp giải quyết, hỗ trợ kịp thời.

Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Trương Thị Như Hoa cho biết, bên cạnh các chủ trương, chính sách của thành phố đang được triển khai, cần ưu tiên xây dựng đội ngũ những người làm công tác trẻ em, CTVTE. Thời gian qua, Trung tâm cũng đã xây dựng được mạng lưới và đào tạo đội ngũ CTVTE ở tất cả 56 phường, xã. Ngoài ra, Trung tâm cũng đảm nhận tốt việc tập huấn kỹ năng sống cho trẻ em tại cộng đồng và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các cơ sở xã hội như Làng Hy vọng, Làng SOS,… tạo một mạng lưới tương đối kín về lực lượng chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

MAI HIỀN

 

;
;
.
.
.
.
.