Nắng nóng kéo dài trên diện rộng được dự báo có thể kéo dài tới tận… mùa thu năm nay. Hiện tượng El Nino 2019 được dự báo khốc liệt không kém cách đây 4 năm.
Hạn hán khủng khiếp ở châu Phi. |
Cơ quan khí tượng Nhật Bản cho biết hồi đầu tuần này là hiện tượng El Nino có tới 70% khả năng kéo dài suốt mùa hè và 60% kéo dài thêm nữa cho tới tận mùa thu. El Nino là sự nóng lên của bề mặt ở phía đông và trung Thái Bình Dương, thường xảy ra vài năm một lần, có thể gây ra thiệt hại về mùa màng, lũ quét và hỏa hoạn. Hiện tượng này có thể khiến Đông Nam Á chịu cảnh cháy rừng diện rộng vì khí hậu quá khô và nóng; Nam Mỹ sẽ nhận những cơn mưa khủng khiếp.
Giáo sư khoa học khí quyển Ben Kirtman thuộc Trường Đại học Miami Rosenstiel (Mỹ) cũng dự báo El Nino 2019 có thể kéo dài qua tận đầu mùa thu. El Nino là một hiện tượng phá vỡ các kiểu thời tiết trên toàn cầu. Còn nhớ El Nino khủng khiếp gần nhất là năm 2015 đã có 16 cơn bão ở Thái Bình Dương. El Nino 2015, Đông Nam Á chịu cảnh cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử.
Ngân hàng Thế giới tính toán các vụ cháy rừng khiến Indonesia thiệt hại năm đó là 16 tỷ USD. Các nghiên cứu khoa học cho biết ô nhiễm không khí do El Nino đã gây ra khoảng 100.000 ca tử vong ở Indonesia, Malaysia và Singapore.
Lần này thì sao? Nhật Bản vừa mới trải qua đợt nắng nóng kéo dài lên tới 350C trên khắp cả nước hồi cuối tháng 5 khiến gần 500 người phải nhập viện vì sốc nắng. Đầu tháng 6 này, mưa xối xả ở miền tây khiến chính phủ Nhật phải di tản 800 người và làm gián đoạn dịch vụ tàu lửa toàn khu vực. Lượng mưa đo được trong nửa ngày ở làng Umaji tỉnh Kochi lên tới 200ml và 170ml ở thị trấn Taragi ở Kumamoto.
Theo trang dự báo thời tiết El Dorado, 5 trong số 15 điểm nóng nhất hành tinh trong những ngày gần đây ở Ấn Độ và Pakistan. Nhiều nơi ở Ấn Độ nhiệt kế chỉ tới 500C. Nắng nóng khủng khiếp đợt này rộng cả nước Ấn Độ nhưng nặng nhất là miền bắc và miền trung, bao gồm các bang Rajasthan và Madhya Pradesh.
Viện Nghiên cứu thủy sản Trung ương Ấn Độ cho biết sản lượng đánh bắt hải sản năm nay đã giảm 18% so với năm ngoái. Hai loại cá chất lượng là cá mòi dầu, cá thu suy giảm đáng kể. Cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Ngư nghiệp Shivananda Murthy cho biết El Nino tác động xấu tới sản lượng cá toàn cầu nói chung và Ấn Độ nói riêng. Tăng 10C ở nước biển sẽ khiến khả năng sinh sản của nhiều loại cá giảm mạnh.
Úc đang xem xét việc có tiếp tục xuất khẩu gia súc sang châu Á ở thời điểm này nữa hay không? Năm ngoái, những chuyến tàu đưa gia súc sang Trung Đông và Trung Quốc đã có tình trạng gia súc chết vì nắng nóng. Số liệu cho biết chuyến xuất khẩu cuối tháng 5 năm ngoái sang Trung Quốc làm 1,45% gia súc chết.
Trong khi đó ở Philippines, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ariel Cayanan cho biết El Nino gây thiệt hại gần 8 tỷ peso cho nông nghiệp nước này. Hiện tượng khí hậu khắc nghiệt này làm thiệt hại 277.888 ha đất canh tác, bao gồm trồng lúa, bắp và các giống cây trồng có giá trị cao. Nó cũng làm ảnh hưởng tới 247.618 nông dân và ngư dân.
Ngược lại, El Nino giúp cho xoài ở đảo Luzon (Philippines) có mùa bội thu với mức hơn 2.000 tấn. Xoài được mùa làm giá rớt từ 58 peso/kg xuống còn 25 peso/kg. Bộ trưởng Nông nghiệp Emmanuel Piñol kêu gọi mọi người “giải cứu” xoài trước khi nó bị hư hại vì không sử dụng kịp. Một công ty Nhật đặt mua 100 tấn là tin vui nhưng vẫn còn lại quá nhiều.
Ông Piñol hy vọng Hong Kong và Dubai sẽ tăng cường nhập khẩu xoài từ Philippines nhiều hơn nữa. Bộ Nông nghiệp mở các lớp dạy nấu ăn các món với xoài và tổ chức lễ hội xoài vào giữa tháng 6 để đánh thức nhu cầu về xoài với mọi người.
45 triệu người châu Phi thiếu ăn Hạn hán kéo dài ở miền đông, miền nam và Sừng châu Phi đẩy 45 triệu người ở 14 quốc gia thuộc 3 khu vực này ở lục địa đen rơi vào cảnh thiếu ăn. Đây là lần thứ hai trong 3 năm qua những khu vực này chịu cảnh khô hạn khủng khiếp. Lượng mưa đầu năm nay ở ba khu vực nói trên giảm 50%. Ở vùng Sừng và đông châu Phi mãi tới tháng 5 mới có mưa nhưng vẫn không đủ bù đắp thiệt hại cho kế hoạch sản xuất của người dân và an ninh lương thực nói chung. Mark Lowcock là điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của LHQ cho biết cần hệ thống cảnh báo sớm hơn nữa để giúp người dân tìm cách ứng phó, giảm tử vong và đau khổ. Trong khi đó, nhà khí hậu học của chương trình Lương thực thế giới là Jesse Mason cho rằng chính phủ các nước, cơ quan viện trợ nỗ lực đưa ra các biện pháp giảm thiểu rủi ro như hạt giống chịu hạn, hệ thống tưới tiêu… |
ANH THƯ (tổng hợp)