Hiện nay, làn sóng di cư từ một số quốc gia Trung Mỹ đến Mỹ ngày càng tăng khiến quá trình xét duyệt tiếp nhận bị quá tải. Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục gọi đây là “cuộc xâm lược” và luôn chủ trương thúc đẩy cuộc chiến chống nhập cư bất hợp pháp.
Trẻ em cùng bố mẹ đổ về bang Oaxaca, Mexico trong hành trình tới Mỹ. Ảnh: AFP |
Theo Trung tâm nghiên cứu PEW, hiện có khoảng 10,5 triệu người nhập cư bất hợp pháp sinh sống tại Mỹ. Chỉ tính riêng tháng 5 vừa qua, số người nhập cư bị bắt giữ là 144.000 người, trong đó có 57.000 trẻ em, con số cao kỷ lục trong vòng 13 năm trở lại đây. Quốc hội Mỹ cho phép Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) tạm giữ 40.000 người nhập cư trong khi rất nhiều người khác được đưa tới những cơ sở tạm giữ vốn đã quá tải trên toàn quốc.
Gần đây, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) của Mỹ đã bị chỉ trích mạnh do cách xử lý những gia đình tị nạn tới Mỹ qua khu vực biên giới phía Nam. Tuần trước, các luật sư đã lên tiếng cảnh báo sau khi phát hiện hơn 300 trẻ bị giữ trong điều kiện sinh hoạt mất vệ sinh tại trạm biên phòng Clint, thuộc bang Texas như không có tã lót, không đủ đồ ăn, quần áo sạch... Trước tình trạng số người di cư vượt biên trái phép qua Mexico đến Mỹ không ngừng gia tăng, ông John Sanders - Quyền lãnh đạo CBP của Mỹ - đã tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 5-7 tới.
Tình trạng di cư ồ ạt được cho là do các quốc gia Trung Mỹ đang phải đối mặt với sự đói nghèo và bạo lực. Trước áp lực này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ thị cho các cơ quan an ninh biên giới bắt đầu chiến dịch tập trung quy mô lớn đối với khoảng 2.000 gia đình người nhập cư trái phép, nhận quyết định trục xuất. Chia sẻ trên Twitter, Tổng thống Trump cho biết, ICE sẽ bắt đầu tiến trình bắt giữ và trục xuất hàng triệu người di cư trái phép tìm cách vào Mỹ nhưng không nêu chi tiết kế hoạch cụ thể.
Chiến dịch bao vây và tập trung có thể sẽ bắt đầu với các cuộc vây ráp tại 10 thành phố, trong đó có Houston, Chicago, New York và Miami. Tuy nhiên, Quyền Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Kevin McAleenan còn do dự về một số phần của chiến dịch này. Ông yêu cầu ICE tập trung chủ yếu vào 150 gia đình có luật sư đại diện nhưng đã rút khỏi quy trình pháp lý và không còn được công nhận. Hồi năm 2017, chính quyền Washington từng áp dụng cơ chế “không khoan nhượng” tại biên giới Mỹ-Mexico, khiến hàng trăm gia đình bị ly tán.
Mới đây, Mexico đã công bố thỏa thuận bí mật của Tổng thống Trump về di cư. Theo tài liệu này, hai bên “sẽ bắt đầu thiết lập ngay lập tức những điều khoản cuối cùng của một thỏa thuận ràng buộc song phương nhằm giải quyết quyết liệt hơn việc chia sẻ gánh nặng và phân chia trách nhiệm đối với việc xử lý những yêu cầu thân phận tị nạn của người di cư”.
Theo “thỏa thuận ràng buộc song phương” đó, hai nước sẽ “chấp nhận việc quay lại và xử lý yêu cầu thân phận tị nạn của những công dân thuộc bên thứ ba đã đi qua lãnh thổ của một trong hai nước để đến nước láng giềng”.
Song song đó, các thành viên hàng đầu của Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ đã đạt một thỏa thuận đối với yêu cầu cấp thêm ngân sách nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp ở khu vực biên giới phía Nam giữa Mỹ và Mexico theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump sau nhiều tuần bế tắc.
Thỏa thuận đạt được giữa Chủ tịch Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Richard Shelby và Thượng nghị sĩ Patrick Leahy- một thành viên cấp cao của đảng Dân chủ trong Ủy ban, sẽ cấp thêm hơn 4,5 tỷ USD cho gói tài trợ cho khu vực biên giới phía Nam. Theo đó, gói ngân sách này dự kiến sẽ bao gồm tiền viện trợ nhân đạo cho khu vực biên giới, bao gồm các khoản chi nhằm hỗ trợ Văn phòng Tái định cư tị nạn của Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh (HHS).
Với 230 phiếu thuận và 195 phiếu chống, hôm 25-6, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói tài chính trị giá 4,5 tỷ USD nhằm giải quyết thực trạng số người di cư gia tăng mạnh dọc khu vực biên giới giữa nước này với Mexico. Biện pháp này bao gồm cả các tiêu chuẩn mới đối với việc bắt giữ người di cư sau khi có những thông tin cho rằng trẻ em phải đối mặt với điều kiện sinh hoạt tồi tệ tại những cơ sở quá tải.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa chắc chắn về tương lai của dự luật trên. Trong khi Thượng viện Mỹ đang xem xét dự thảo, thì Tổng thống Donald Trump cam kết bác bỏ văn kiện của Hạ viện. Giới chức Nhà Trắng lo ngại rằng, dự luật trên sẽ làm giảm những nỗ lực thực thi của lực lượng chức năng tại khu vực biên giới.
ĐOÀN GIA HUY (tổng hợp)