Nhớ thời chum đất muối dưa...

.

Tôi hay nhớ về căn nhà của ngoại, như cách tôi nhớ về một kho tàng lưu giữ khoảng trời thơ ấu. Trong chiếc tủ gỗ ở gian nhà trên, cây đèn dầu từ thời ông cố để lại bao năm vẫn ở đó, mặc cho bụi thời gian phủ mờ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bên lối đi vào gian nhà giữa, chiếc chõng tre kẽo kẹt ru hời tuổi thơ, làm mát tâm hồn tôi bằng làn gió của yêu thương diệu vợi. Có những chiều mùa đông se lạnh, tôi ngồi nhớ cái nồi đất cũ kỹ bị sứt một quai cầm, được ngoại cời than để dưới gầm giường sưởi ấm. Cả chiếc thau đồng có tuổi đời còn hơn cả tuổi tôi, mà ngoại hay dùng để pha nước bồ kết gội đầu... Và trong kho tàng neo giữ ngày xưa ấy, làm sao tôi quên được cái chum đất màu tro, được đặt sau chái nhà của ngoại.

Cái chum đất chỉ trọn một vòng ôm của tôi thuở đó, được ngoại dùng để muối dưa môn. Cái chum không biết có tự bao giờ, vẫn âm thầm đứng khiêm tốn ở một góc nhà, chứng kiến bao đổi dời của dòng đời trôi chảy. Tôi nhớ những ngày mưa phủ kín trời, mâm cơm đạm bạc bao giờ cũng có món dưa môn muối chua của ngoại.

Một khe nước nhỏ luồn lách chảy ngang qua vườn, dọc hai bên là những bụi môn bạc hà mọc lúp xúp, ngoại cắt tàu này lại có tàu khác nảy lên. Cứ thế, vào mùa mưa gió không đi chợ được, ngoại lại muối dưa môn trong chum để thêm vào bữa cơm hằng ngày. Những tàu khoai môn được ngoại cắt nhỏ thành từng khúc, rồi chẻ đôi, rửa sạch với nước giếng. Sau đó ngoại trải đều lên cái rổ nan tre, phơi hai, ba nắng trên mái nhà để chúng héo đi, rồi lại đem xuống rửa cho sạch hết bụi. Tàu môn phải được phơi vừa đủ khô, ráo hết nước, để dưa muối xong không bị rữa, sẽ chẳng ăn được.

Hồi đó tôi hay ngồi trên tấm phản gỗ, chăm chú xem ngoại bóp những cọng dưa môn qua mấy lượt nước muối, đôi bàn tay lấm tấm vết đồi mồi bóp, thả khéo léo và thành thục. Ngoại bảo làm vậy để dưa môn được dai hơn, mà phải bóp cẩn thận để chúng không bị nhũn nát, khi ăn sẽ mất độ giòn. Manh áo nâu in những vệt mồ hôi trên tấm lưng cong lam lũ của ngoại. Tôi nhận ra để làm được những cọng dưa môn chua vừa đủ, giòn và dai đúng độ, đâu phải dễ dàng chi.

Ngoại thủ thỉ với tôi rằng, muốn dưa ngon phải muối trong chum đất, như thể dưới cái chum tối om ấy có phép màu. Ngoại sắp những cọng môn thành từng lớp, rồi đổ nước muối pha loãng để nguội vào chum. Nước muối ngập đến lớp trên cùng, ngoại thêm một ít nước vo gạo cho dưa môn mau chua. Rồi đặt lên trên một tấm nan tre mỏng, dùng hòn đá cuội sạch đè xuống để ủ kín dưa môn. Sau cùng ngoại đậy nắp chum lại, chờ vài ngày cọng dưa sẽ đổi thành màu vàng sẫm hơi xanh, chua và thơm thì ăn được. Từng cọng sừng sựt chạm vào đầu lưỡi vị chua đằm, mặn mà tươi mát.

Có những chiều mưa xa quê, tôi thèm làm sao cọng dưa môn giòn dai của ngoại. Lòng lại nhớ cái chum đất lành hiền, như đựng cả bầu trời yên bình của miền thơ ấu. Cái chum đất lấm bụi, được đặt sau chái bếp, phảng phất mùi chua chua của dưa môn hòa với mùi khói rơm se nồng. Cái chum đất như người quê dung dị, lặng thầm nắng mưa đi qua bao biến động cuộc đời.

Những ngày chật vật áo cơm, món dưa môn đạm bạc được ngoại khéo léo vun vén, chế biến thành nhiều món ăn. Cả nhà quây quần bên mâm cơm nghi ngút khói, nào dưa môn xào tỏi, dưa môn trộn đậu phụng rau thơm, dưa môn kho chung với cá đồng. Nồi cơm cũng từ đó mà được vét cạn. Món nào cũng in đậm trong nỗi nhớ, cùng dáng liêu xiêu của ngoại trước gian bếp vương vãi rơm khô và tro tàn.

Sau này lớn lên tôi mới biết, cái chum đất đâu đơn thuần là vật vô tri vô giác, mà tự lúc nào đã thành người bạn bình dị của ấu thơ, là nhân vật của những cuốn phim ghép lại thành ký ức dịu hiền. Ngoại giờ đã già, không còn sức ngồi bóp dưa môn, cái chum đất được giao lại cho mẹ tôi, cùng với cách làm món dưa môn muối chua của ngoại. Mỗi lần về quê, mẹ lại làm món ấy cho tôi ăn trong bữa cơm hằng ngày.

Vị dưa muối của mẹ tuy có khác với dưa ngoại làm, nhưng tôi biết dù là của ai, thì món ăn mộc mạc đó cũng gói ghém tình yêu thương đong đầy. Cái chum đất cần mẫn chắt chiu tấm lòng của ngoại, rồi đến thời của mẹ, đều đặn cho ra những cọng dưa môn thơm thảo. Bao năm rồi nó vẫn ở nơi ấy, không dịch chuyển đi đâu, chỉ có rong rêu in đậm dấu thời gian phai mờ...

Trần Văn Thiên
 

;
;
.
.
.
.
.