Những vùng đất khát ở Ấn Độ

.

Beed là một thành phố vùng Marathwada thuộc khu vực trung tâm của bang Maharashtra, Ấn Độ. Hiện nay các dịch vụ thiết yếu của thành phố đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước. Trẻ em ở các làng mạc, ngoại ô thành phố này phải bỏ học, đu người xuống các giếng đang khô cạn dần để lấy nước. Dân làng đã đưa ra một giải pháp tuyệt vọng: Họ buộc trẻ em bằng dây thừng và hạ chúng xuống giếng. Nhiệm vụ của trẻ là đổ đầy nước vào bình rồi chuyền lên trên.

Trẻ em ở ngoại ô thành phố Beed phải nghỉ học để đi lấy nước bằng cách đu người xuống giếng.
Trẻ em ở ngoại ô thành phố Beed phải nghỉ học để đi lấy nước bằng cách đu người xuống giếng.

Đối với Priyanka Murkute, 12 tuổi, ở làng Murkutwadi (Ambajogai Taluka thuộc quận Beed, bang Maharashtra), lấy nước được ưu tiên hơn… đi học. Mỗi ngày, cô bé được buộc chặt người bằng dây thừng rồi đu mình xuống một cái giếng sâu hơn 18 mét. Theo cách này, mỗi lần xuống giếng, cô bé đổ đầy 10 bình nước rồi gửi chúng lên.

Đối với người xem, quá trình này là đáng sợ. Đối với trẻ em, đây là một “bài tập” đặc biệt nguy hiểm vì giếng lát đá và quá sâu. Nhưng đối với Priyanka, đây là chuyện thường ngày. Nỗi sợ hãi khi thực hành “bài tập” khá căng thẳng này đã biến em thành một chuyên gia. “Việc này diễn ra trong ba năm qua. Đây là nguồn nước duy nhất của chúng tôi và đôi khi tôi buộc phải nghỉ học”, cô bé nói.

Mực nước ngầm đã giảm mạnh xuống hơn 90 mét ở một số nơi trên khắp Marathwada do sử dụng bừa bãi hoặc dùng vào nông nghiệp. Và chính những đứa trẻ phải chịu gánh nặng.

Lấy nước từ giếng khô, có bậc thang
Lấy nước từ giếng khô, có bậc thang

Khi Manjula Sridhar vào phòng mổ của một phòng hộ sinh ở Chennai, bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ, cô bắt đầu cãi nhau với bác sĩ về tình trạng thiếu nước đe dọa trì hoãn việc sinh nở. Bác sĩ nói rằng họ sẽ phải đợi xe bồn chở nước đến vì tất cả nước trong Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em đã hết.

Chennai, Ấn Độ, gần như hết nước. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các hồ chứa gần như khô kiệt. Chennai trở thành thành phố lớn đầu tiên của Ấn Độ đối mặt với tình trạng thiếu nước khẩn cấp. Mỗi buổi sáng, hàng triệu cư dân xếp hàng chờ lấy nước từ các xe bồn nước của nhà nước trên toàn thành phố. Mọi người phải rửa đồ dùng trong nước bẩn, tiết kiệm một vài chai nước sạch để nấu thức ăn. Các dịch vụ thiết yếu của thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất: bệnh viện, doanh nghiệp và trường học đã phải vật lộn với “cơn khát” để duy trì hoạt động.

Mọi người lấy nước từ một cái giếng ở ngoại ô Chennai.
Mọi người lấy nước từ một cái giếng ở ngoại ô Chennai.

Phòng mổ của Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Chính phủ Kasturba Gandhi hầu như không có nước để làm sạch các thiết bị y tế. Prema S., một y tá 30 tuổi ở khoa phụ sản cho biết: “Tôi chưa bao giờ gặp phải tình huống như thế này. Các bệnh viện nhỏ như của chúng tôi không được coi trọng”.

Một loạt các nhà hàng nhỏ ở đường Pantheon của Chennai đã ngừng hoạt động trong nhiều tuần. Ông Kathir J, chủ một nhà hàng cho biết ông đã đóng cửa trong hai tuần và đang mất 5.000 rupee (72USD) mỗi ngày.

Xếp hàng chờ nước trong đợt hạn hán tấn công thành phố Latur.
Xếp hàng chờ nước trong đợt hạn hán tấn công thành phố Latur.

Bốn hồ chứa, nơi cung cấp nước của Chennai, gần như cạn kiệt. Và mực nước ngầm đã giảm mạnh trong những năm qua. “Bởi vì mực nước trong các hồ chứa đã giảm và do lượng mưa ít hơn... nên thiếu nước uống đã phát sinh ở Chennai”, Edappadi K. Palaniswami, bộ trưởng của bang Tamil Nadu cho biết.
Sự thiếu hụt nước ở thành phố lớn thứ 6 này của Ấn Độ là biểu tượng của một cuộc khủng hoảng đang được cảm nhận trên khắp một quốc gia đang chiến đấu với một trong những đợt nắng nóng dài nhất - đã giết chết ít nhất 137 người.

Ấn Độ đã nhích gần hơn với một cuộc khủng hoảng nước trong nhiều tháng. Với việc quản lý nước kém và khai thác nước ngầm không được giám sát, các chuyên gia cho rằng 600 triệu trong số 1,3 tỷ người của Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước cấp tính. Theo một báo cáo được phát hành bởi Niti Aayog - một nhóm chuyên gia cố vấn do chính phủ điều hành - 21 thành phố lớn bao gồm New Delhi sẽ hết nước vào năm 2020.

HOÀNG ĐẶNG (theo CNN)

;
;
.
.
.
.
.