Thơ ca như là một quyền lực của cái đẹp

.

Người Chăm theo chế độ gia đình mẫu hệ, ở đó người phụ nữ toàn quyền cai quản gia đình, dành phần trách nhiệm tổ chức xã hội cho cánh đàn ông. Ông bà Chăm cũng đã thể hiện sự phân công rạch ròi đó trong câu tục ngữ nổi tiếng: “Likei di bang mưthuh, kamei di bang mưnưk: Đàn ông cho chiến đấu, đàn bà cho sinh nở.” Và sự “sinh nở” phải được hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này. Nghĩa là người nữ cần cung ứng mọi điều kiện vật chất lẫn tinh thần cho sự “chiến đấu” của đàn ông.

Bìa tập thơ Nàng, hoa của Cát.
Bìa tập thơ Nàng, hoa của Cát.

Đó là chuyện của thời chưa xa, người nữ Chăm hôm nay đã khác. Khác rất nhiều. Thế nên, mặc dù vẫn sắm trọn vai “sinh nở”, bạn cũng phải biết phóng tầm nhìn ra thế giới ngoài kia, sẵn sàng cùng tham dự vào “cuộc chiến”. Cộng đồng Chăm hiện đại đã xuất hiện vài khuôn mặt như thế. Bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, nghệ sĩ, nhà kinh doanh… Và chắc chắn cũng không thể thiếu người viết văn làm thơ. Kiều Maily bật lên giữa bộ phận nhập cuộc ấy.    

Thử đọc qua “Lý lịch trích ngang” (Giữa hai khoảng trống, 2003) của nữ thi sĩ này:

Khi mẹ đội ciêt Agha harơk lang bạt khắp phố cùng quê kiếm sinh nhai
tôi sắm vai bà nội trợ nuôi hai em khôn lớn     
Tôi lang thang bãi biển Bình Sơn, Ninh Chữ
tôi thực địa điều tra đời sống phum sóc
miền Tây
tôi cà-phê tầng 35 cao ốc Sài Gòn
tôi hát sân bóng đá nhà quê     
tôi múa hội trại thành phố
tôi váy Chăm cổ điển đoan trang
tôi balô lên vai hậu hiện đại
tôi phim truyền hình vai quần chúng
tôi viết báo tôi làm thơ
Và còn gì nữa
ngày mai
ai biết được.

Làm thơ và viết báo, tổ chức du lịch văn hóa dân tộc và in công trình Độc đáo Ẩm thực Cham (2015), viết cuốn sách địa dư chí đầu tiên về quê hương: Palei Phước Nhơn của tôi (2017) hay lên tiếng về các vấn đề cộng đồng, nữ thi sĩ này gần như gánh trọn trên đôi vai gầy của mình cả hai nhiệm vụ: gia đình và xã hội. Ở đây, tôi muốn đề cập về Kiều Maily như là một nhà thơ, nhà thơ với lối nghĩ và ngôn từ độc đáo không kém lối hành xử của nhà thơ với các vấn đề xã hội và cộng đồng. Người xứ làng thuốc thuộc chân trời nhập thế đó:

Người quảy Ciêt Agha harơk lên vai ra
đi từ rất sớm (*)
sớm hơn lũ gà gáy báo triều lên
sớm hơn tiếng còi tàu nơi ký ức
Người quảy gói thuốc đi không tiếng động
như sợ đánh thức bầy con đang say giấc
người mở cánh cổng khép hờ
đi
Họ gọi nhau giọng khẽ
như không muốn cho nhau nghe
như muốn cho riêng mình nghe
Họ ra đầu ngã ba đón xe đò đi về phía
rất xa
rất ra và rất lâu
họ trở về
đám trẻ con ra ngõ ngóng bóng cha, chị
bầy dê ngước mắt nhìn người quen
người quảy gói thuốc về
lặng lẽ
Mươi ngày nửa tháng nữa họ lại đi, có lẽ
quến nhau đi
những chuyến đi định mệnh
mang giấc mơ bé nhỏ đi xa
mong ngày trở về mùa tươi màu nắng.

Đề tài lạ và tứ thơ lạ, thi ảnh lạ với cách nghĩ lạ được thể hiện qua ngôn từ thơ khá lạ. “Họ gọi nhau giọng khẽ/ như không muốn cho nhau nghe/ như muốn cho riêng mình nghe” Tại sao? Bởi đó là “những chuyến đi định mệnh/ mang giấc mơ bé nhỏ đi xa”. Giấc mơ hứa hẹn thành hay không, chỉ có họ biết được. Thế giới bấp bênh, đời họ bấp bênh, và cả giấc mơ họ cũng bấp bênh nốt. Kiều Maily đã viết về chính “người làng thuốc” mình - như thể một đại diện cho thế giới Chăm.

Mười năm qua, cùng góp tiếng nói chung với những nhà thơ trẻ, Kiều Maily - nữ thi sĩ Chăm sau tập thơ đầu tay Giữa hai khoảng trống (Nhà xuất bản Thanh niên, 2013), vừa ra mắt tập thứ hai: Nàng, hoa của Cát (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành 2019). Thơ Kiều Maily là loại thơ nội tâm - một nội tâm mới với nhiều mộng tưởng đan quyện cùng hiện thực. Mơ hồ và chông chênh nhưng cũng cụ thể và rất gần. “Từ bàn phím này”, thi sĩ nói lên tâm trạng riêng và chung. Riêng, nó tinh tế và sâu lắng. Chung, nó mang tính đại diện.

Đó là tiếng hát của thế hệ thơ đang đi tới.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ở lời giới thiệu thi phẩm Nàng, hoa của Cát đã có nhận định rất bén về tiếng thơ mới lạ này: “Đã có những dân tộc bị biến mất trong lịch sử nhân loại bởi chiến tranh hay yếu tố ngoại cảnh nào bất kỳ. Nhưng tinh thần của dân tộc ấy sẽ không bao giờ mất nếu chỉ còn một người mang tinh thần của dân tộc đó trong ngôn ngữ của mình. Bởi với tình yêu bất diệt của một người đó thôi cũng có thể chứa đựng tinh thần của dân tộc mình… Tôi đã đọc lịch sử dân tộc Chăm, đọc những cuốn sách về văn hóa Chăm. Nhưng phải thú nhận rằng: chỉ khi đọc thơ Inrasara và bây giờ là Kiều Maily, tôi mới cảm nhận được chiều sâu tinh thần của nền văn hóa ấy như chạm tay vào chính da thịt của nền văn hóa ấy. Thơ ca quả là một quyền lực”.

Đó là quyền lực của ngôn ngữ và của cái ĐẸP viết hoa.

Kiều Maily sinh năm 1985 tại Pabblap - làng Chăm tỉnh Ninh Thuận. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Xuất hiện lần đầu tiên trên báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh tháng 8-2012 và đặc san Tagalau vào tháng 10-2012. Thơ Kiều Maily được nhiều tờ báo chuyên và tạp chí văn học nghệ thuật giới thiệu suốt những năm qua.

Inrasara
(*) Ciêt Agha harơk: Giỏ đan bằng tre lát để đựng thuốc rễ cây dân tộc Chăm.

;
;
.
.
.
.
.