Trong bản Di chúc lịch sử để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước và một trong những vấn đề mà Người quan tâm là sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, trong nước và quốc tế. Bởi lẽ, Đảng Cộng sản Việt Nam là một Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo toàn dân vùng lên đấu tranh chống thực dân, đế quốc, phong kiến cùng bè lũ tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân và tiến hành các cuộc kháng chiến chống xâm lược đến ngày toàn thắng, đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng cho đến cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đau đáu trong lòng về sự đoàn kết trong Đảng, trong xã hội, đoàn kết quốc tế. Đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh, nhân đôi sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, để chiến thắng mọi kẻ thù, trong đó có giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Đoàn kết là một sự hợp lực làm nên sức mạnh không gì phá vỡ nổi, ví như từng chiếc đũa có thể bẻ gãy một cách dễ dàng mà không cần phải dùng đến một lực lớn, nhưng một bó đũa thì dù có thể sử dụng tất cả những cơ bắp của con người cũng không thể nào bẻ gãy được.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Lời dạy của Bác là lời khẳng định, vừa là lời hiệu triệu đối với Đảng ta cần phải đoàn kết chặt chẽ, nhất là trong lúc nước sôi, lửa bỏng, đất nước đang lâm nguy trước kẻ thù xâm lược là hai đế quốc to là Pháp và Mỹ thì càng phải đoàn kết chặt chẽ để chiến thắng kẻ thù, để kiến thiết đất nước bị chiến tranh tàn phá, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Và không chỉ trong Di chúc, Hồ Chí Minh nói về sự đoàn kết thống nhất, mà lúc sinh thời, trong các bài viết, bài nói của mình, Người thường nhắc đến cụm từ “đoàn kết nhất trí” bằng những hình ảnh sinh động, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ. Một trong những câu nói bất hủ mà Người để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đó là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Có thể thấy, đoàn kết là một tư tưởng lớn, thường trực trong con người Hồ Chí Minh. Ở Người, cụm từ đoàn kết được vận dụng nhuần nhuyễn trong mỗi lời nói, mỗi hành động đối với mọi việc, mọi người.
Trong Di chúc, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự đoàn kết trong Đảng bởi Đảng là hạt nhân lãnh đạo cách mạng Việt Nam, “… cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Thật vậy, nếu không có sự đoàn kết, thì không thể tập hợp được lực lượng, không động viên, khơi dậy được phong trào cách mạng của quần chúng, không huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân.
Ngược lại, sẽ gây chia rẽ, bè phái, làm phân tán lực lượng, suy yếu phong trào, thậm chí không ai chịu ai, cá mè một lứa dẫn đến mất lòng tin đối với Đảng, với nhân dân. Nguy hại hơn là tạo cơ hội cho kẻ xấu, kẻ cơ hội lợi dụng để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm mất an ninh trật tự xã hội.
Trước lúc đi xa, Bác Hồ căn dặn Đảng ta: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Cụm từ “đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta” trong Di chúc của Bác là rất quan trọng, không còn cách diễn đạt nào hay hơn, sâu sắc hơn.
Vì thế, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, chúng ta phải luôn giữ gìn, coi trọng, bảo vệ và phát huy truyền thống cực kỳ quý báu đó cho cả hôm nay và cho muôn đời sau, không được làm sứt mẻ hoặc đánh mất sự đoàn kết đó. Giữ gìn sự đoàn kết nhất trí ngoài hàm ý là không được đánh mất, để cho sự đoàn kết rơi vào hướng “ly tâm”, chia rẽ, phân cực, mà còn phải kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng, quan điểm sai trái, cực đoan, cục bộ địa phương, cá nhân chủ nghĩa, “cánh hẩu”… Có như vậy mới giữ vững được sự đoàn kết, mới tạo nên sức mạnh của dân tộc và của thời đại.
Thực tế đã chứng minh, tư tưởng đoàn kết của Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Theo Người, “đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”, nhờ đó, đã đưa cách mạng Việt Nam tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Chính sự đoàn kết nhất trí không chỉ tạo nên sức mạnh của dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước trong các cuộc đấu tranh chống xâm lược đầy hy sinh, gian khổ đã làm nên một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa năm xưa, cũng như một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một Đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Là một nhà cách mạng, một lãnh tụ của Đảng và của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm đến sự đoàn kết trong Đảng, trong quân đội và nhân dân ta, mà Người còn quan tâm đến sự đoàn kết quốc tế, “đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản có lý, có tình”. Sự đoàn kết quốc tế có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với cách mạng Việt Nam mà còn đối với hòa bình thế giới.
Điều mong muốn của Bác là: “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản có lý, có tình”. Đây thật sự là một tư tưởng lớn, một sự quan tâm đặc biệt và một mong muốn chân thành của Bác về sự hoạt động của Đảng ta nhằm khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên thế giới.
Cuối cùng, Bác viết: “Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”. Điều đó hiện nay đã trở thành hiện thực, nhưng sự đoàn kết quốc tế, đoàn kết giữa các đảng anh em hiện nay mang một nội dung mới, một sắc thái mới của xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trên tinh thần hợp tác, bình đẳng, các bên cùng có lợi.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã ra sức xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong suốt 50 năm qua, nhờ đó đã giành nhiều thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử trong cuộc chống Mỹ, cứu nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay hiện tượng mất đoàn kết, bằng mặt không bằng lòng xảy ra ở một số địa phương, tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước… đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây bức xúc trong xã hội. Suy cho cùng, mất đoàn kết bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, không “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, chỉ lo cho lợi ích cá nhân mà không nghĩ đến lợi ích chung, lợi ích của toàn cục.
Vì vậy, chúng ta phải giữ vững sự đoàn kết nhất trí, phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, nhất là trong lúc Đảng ta đang chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thì càng phải tăng cường sự đoàn kết từ trung ương đến các chi bộ như lời Di chúc của Bác dặn. Mặt khác, phải rà soát, phát hiện để loại ra khỏi các cấp ủy Đảng những người không đủ tiêu chuẩn, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nhằm làm trong sạch bộ máy lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo phải đoàn kết chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, kỷ luật trong Đảng, đảng viên cũ, mới, già, trẻ, gái, trai phải thật sự thương yêu lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến bộ, mục đích cuối cùng của Đảng là mang lại lợi ích cho giai cấp, cho dân tộc, ngoài ra Đảng ta không có lợi ích nào khác” (Hồ Chí Minh, Bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện ngày 18-1-1967, Báo Nhân dân ngày 14-9-1967).
Tròn nửa thế kỷ Bác Hồ đã đi xa, nhưng những lời trong Di chúc của Người về sự đoàn kết nhất trí vẫn còn nguyên giá trị, vẫn luôn là lời căn dặn, dạy bảo, nhắc nhở chúng ta giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí, tạo thành khối thống nhất như bức tường đồng, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.
PGS. TS Phạm Hảo