Tình trạng biến đổi khí hậu năm nay không chỉ gây nắng nóng cho các nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ mà còn diễn ra tại châu Âu. Đặc biệt, Pháp là nơi ký thỏa thuận lịch sử chống tình trạng nóng lên toàn cầu hồi năm 2015, cũng đối mặt với tình trạng này, khiến các nhà chức trách phải ban bố tình trạng khẩn cấp và đưa ra các giải pháp chống biến đổi khí hậu.
Một máy bay Boeing 777 cất cánh tại sân bay Roissy-Charles-de-Gaulle ở Roissy-en-France, Pháp. Ảnh: AFP |
Mới đây, thủ đô Paris đã ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu trong bối cảnh châu Âu đang trải qua một đợt nắng nóng gay gắt trên 45 độ C. Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng thành phố Paris, Phó Thị trưởng phụ trách vấn đề môi trường Celia Blauel tuyên bố: “Paris, giống như các thành phố khác, đã ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu”. Bà nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ vững các mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đạt được năm 2015, đồng thời cho biết chính quyền thành phố sẽ thành lập một “học viện khí hậu” nhằm giáo dục tốt hơn cho giới trẻ và người dân về vấn đề này.
Quyết định của Paris được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang trải qua một đợt nắng nóng gay gắt đầu hè với nhiệt độ lên mức kỷ lục trên 45 độ C ở Pháp cũng như nhiều nước khác như Bulgaria, Bồ Đào Nha, Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Cộng hòa Bắc Macedonia. Đợt nắng nóng dữ dội này một lần nữa cho thấy tác động của tình trạng trái đất ấm dần lên và các hình thái thời tiết khắc nghiệt này có khả năng sẽ trở nên ngày một thường xuyên hơn.
Cơ quan Y tế Pháp cũng cho biết, tình trạng ô nhiễm không khí bị cho là nguyên nhân dẫn đến 48.000 ca chết non mỗi năm tại nước này. Tháng 12-2016, Paris đã trải qua mùa đông ô nhiễm tồi tệ nhất trong một thập kỷ, khiến chính quyền phải áp dụng biện pháp cho xe lưu hành dựa theo biển số chẵn, lẻ. Trước đó, Pháp từng áp dụng biện pháp tương tự vào các năm 1997, 2014 và 2015.
Hôm 28-5, lần đầu tiên Tòa án Paris tiếp nhận xét xử một vụ kiện liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng sức khỏe người dân, trong đó người dân cáo buộc chính quyền đã không có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn ô nhiễm môi trường, khiến sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyên đơn là một người mẹ và cô con gái. Họ đã kiện lên tòa án hành chính Montreuil tại phía đông thủ đô Paris, yêu cầu chính quyền bồi thường 160.000 euro (tương đương 179.000 USD).
Theo nguyên đơn, sức khỏe của họ bị giảm sút khi sinh sống tại khu ngoại ô Saint-Ouen, phía Bắc thủ đô Paris, ngay bên ngoài đại lộ đông đúc. Đại lộ này đi vào hoạt động năm 1973 và đón 1,1 triệu lượt xe/ngày, song cũng là cơn ác mộng đối với 100.000 cư dân sinh sống xung quanh. Trong giai đoạn đỉnh điểm của ô nhiễm, những vấn đề liên quan đến hô hấp của họ ngày càng trầm trọng.
Người mẹ, 52 tuổi, đã có thời gian phải nghỉ việc, trong khi cô con gái 16 tuổi bị hen nặng. Luật sư của nguyên đơn cho rằng, nhà chức trách Pháp đã không triển khai các quy định, không nỗ lực sử dụng mọi biện pháp có thể để bảo vệ người dân. Tổng cộng, khoảng 50 người dân tại Pháp đã có các động thái pháp lý tương tự với nhà chức trách.
Để giảm tình trạng ô nhiễm không khí, Bộ trưởng Môi trường Pháp Elisabeth Borne ngày 9-7 tuyên bố, nước này đã quyết định áp dụng loại “thuế môi trường” đối với toàn bộ chuyến bay cất cánh từ Pháp. Cụ thể, mức thuế là 1,5 euro đối với mỗi vé máy bay hạng bình dân trên các chuyến bay nội địa và các chuyến bay trong khu vực châu Âu và lên tới 18 euro đối với mỗi vé máy bay hạng thương gia trên các chuyến bay ra ngoài khối. Dự kiến, loại thuế mới này sẽ được thực thi từ năm 2020 và đóng góp cho ngân sách quốc gia Pháp khoảng 180 triệu euro/năm. Phát biểu tại họp báo, bà Borne cho hay, tiền thu thuế này sẽ được tài trợ cho các dự án giao thông ít gây ô nhiễm tại Pháp.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là “thủ phạm giấu mặt” gây ra khoảng 6,5 triệu ca tử vong sớm trên thế giới, trong đó, 91% ở các nước nghèo và đông dân ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Trong báo cáo thường niên về chỉ số hòa bình do Viện Nghiên cứu kinh tế và hòa bình (IEP) công bố ngày 11-6, lần đầu tiên đề cập tình trạng nóng lên toàn cầu.
Trên thế giới hiện có gần 1 tỷ người sống trong khu vực có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của tình trạng nóng lên toàn cầu và khoảng 40% trong số đó tập trung tại các nước vốn đang chìm trong xung đột. Biến đổi khí hậu gây ra xung đột do sự cạnh tranh các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt và cũng có thể đe dọa kế sinh nhai của người dân cũng như dẫn tới hiện tượng di cư hàng loạt. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres năm 2018 cũng đã cảnh báo, biến đổi khí hậu khiến nền kinh tế toàn cầu gánh chịu thiệt hại lên đến 21.000 tỷ USD vào năm 2050.
ĐOÀN GIA HUY (tổng hợp)