"Chống sốc" cho học sinh đầu cấp

.

Theo các nhà tâm lý giáo dục, giai đoạn chuyển bậc học, trẻ thường gặp nhiều khó khăn để thích ứng với môi trường mới mà không phải phụ huynh nào cũng có kỹ năng giúp con vượt qua thử thách này. Chưa kể, chuẩn bị như thế nào để con hòa nhập tốt với môi trường học tập mới khác hoàn toàn với môi trường ở bậc học dưới thì không phải phụ huynh nào cũng biết.

Đón học sinh lớp 6 ở Trường THCS Hoàng Sa, quận Sơn Trà. Là lớp đầu cấp nên việc chuẩn bị tâm lý cho các em được nhà trường và phụ huynh quan tâm nhiều hơn khi bước vào một cấp học mới.  Ảnh: Phan Vĩnh Yên
Đón học sinh lớp 6 ở Trường THCS Hoàng Sa, quận Sơn Trà. Là lớp đầu cấp nên việc chuẩn bị tâm lý cho các em được nhà trường và phụ huynh quan tâm nhiều hơn khi bước vào một cấp học mới. Ảnh: Phan Vĩnh Yên

Lạ nhưng không bỡ ngỡ

Cả mùa hè 2018, tuần vài ba lần, chị Hoàng Thu Hằng lại đưa con đến chơi tại Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu). “Mình đưa con đến trường vào các buổi chiều, lúc đầu cháu xem các anh khóa trước chơi bóng rổ, rồi dần dà bắt chuyện với các anh chị, tìm hiểu vị trí của các khu nhà vệ sinh, đọc các bảng nội quy, đi xem các dãy phòng học, phòng bộ môn của nhà trường để biết được ngoài phòng học chính, khi vào lớp 6, sẽ có nhiều phòng học bộ môn cho các môn khác nhau…

Ngoài ra, mẹ cũng chuẩn bị tâm lý cho con rằng lên lớp 6, thời gian của mỗi tiết học sẽ kéo dài 45 phút chứ không ngắn như ở tiểu học; mỗi môn học sẽ do một giáo viên đảm nhiệm”, chị Hằng kể.

Được mẹ chuẩn bị kỹ về tâm lý, ngay hôm đầu tập trung nhận lớp 6 năm học 2018-2019, Trần Hoàng Nam đã xung phong nhận làm lớp phó phụ trách lao động trong khi nhiều bạn trong lớp còn chưa hết rụt rè, bỡ ngỡ do lạ trường, lạ bạn.

Những ngày đầu đi học, do nội quy của nhà trường không cho học sinh (HS) đem điện thoại đến lớp, Nam được mẹ hướng dẫn trong trường hợp cần thiết phải liên lạc với mẹ thì xuống văn phòng nhà trường xin gọi điện thoại nhờ; làm quen với tuyến xe bus để có thể tự di chuyển về nhà nếu mẹ bận việc không đưa đón được…

Giai đoạn lớp 6 được xem là lớp “vỡ lòng” của bậc THCS, thế nhưng, trên thực tế, phần lớn phụ huynh thường chuẩn bị rất tốt tâm lý cho con khi con bước vào lớp Một là chủ yếu.  Cô Lê Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS, Hệ thống giáo dục Sky Line chia sẻ:

“Ở học kỳ 1 năm lớp 6, chỉ cần HS thích nghi được với việc chuyển tiết, làm quen với việc mỗi môn học sẽ do một giáo viên đảm nhận, quen được với việc nghe giọng nói của các địa phương khác nhau; quen được với phương pháp học… đã là quá tốt”.

Vào học trường THCS, các em được tiếp xúc với nhiều môn học khác nhau, có nội dung trừu tượng, sâu sắc và phong phú hơn ở bậc học dưới, do đó đòi hỏi các em phải có sự thay đổi về cách học, và không phải HS nào cũng bắt nhịp kịp với sự thay đổi này.

Quan hệ giữa giáo viên và HS cũng khác trước, không còn được gần gũi như ở bậc tiểu học; chưa kể là mỗi giáo viên có một phương pháp dạy khác nhau. Điều này cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho các em.

Chính vì vậy, các phụ huynh có con học lớp 6 phải quan tâm đến các em nhiều hơn để kịp thời giúp các em vượt qua giai đoạn đầu hết sức khó khăn ở THCS từ tâm lý đến cách học, đừng giải quyết đơn giản là lớp 6 học yếu thì cho học thêm. Ở Trường tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà), Ban giám hiệu và giáo viên lớp 5 chia sẻ với phụ huynh của những HS lớp 5 tất cả những điều này trong buổi họp phụ huynh cuối năm và lễ tri ân và trưởng thành của các em.

Chuẩn bị tâm thế cho cả phụ huynh và học sinh

Cô Phạm Thị Thùy Loan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) cho rằng lớp 6 là giai đoạn rất quan trọng đối với mỗi HS. “Đó là giai đoạn “cửa ngõ” để các con trưởng thành. Những kiến thức THCS quyết định đến việc định hướng nghề trong tương lai của các con. Đây cũng là giai đoạn trẻ phát triển tâm sinh lý mạnh mẽ nhất để hình thành tính cách trong tương lai, vì vậy phụ huynh cần đặc biệt quan tâm không chỉ đến riêng con mà cả môi trường học tập, các mối quan hệ của con”.

Cô Thùy Loan cho biết, những năm học trước đây, nhiều HS lớp 6 tìm đến phòng tham vấn tâm lý học đường, ngoài việc nhờ hỗ trợ những mâu thuẫn của cha mẹ trong mối quan hệ gia đình, mâu thuẫn trong phương pháp giáo dục con khiến các con lo lắng, bất an, thậm chí là cảm thấy xa dần với cha mẹ…, thì các em còn gặp phải những mâu thuẫn trong mối quan hệ bạn bè dẫn đến sự phân tâm trong học tập; cảm giác về sự không công bằng hoặc không đúng trong xử lý một vài tình huống của thầy cô trên lớp học. Tất cả những lo lắng đó đều đến từ việc phát triển tâm sinh lý của học sinh khiến các em thay đổi nhận thức về các vấn đề diễn ra xung quanh mình.

Theo như cô Thùy Loan nhận xét thì đối với học sinh lớp 6, thường các em vẫn còn nghe theo sự nhận định, hướng dẫn của thầy cô và cha mẹ trong các tình huống. Vì vậy, cảm xúc của các em cũng qua rất nhanh trong các trường hợp cần đến tư vấn tâm lý.

Tuy nhiên, vấn đề khiến các em dễ sao nhãng học hành nhất lại là mâu thuẫn trong các mối quan hệ với bạn bè ở lớp mới. Các em có tâm lý muốn khẳng định bản thân với các bạn, kết thân với bạn mới, thích tạo bè nhóm,… và các em rất quan trọng việc được thừa nhận, được là người quan trọng.

Trong khi đó sự nhìn nhận về tình bạn, về bản thân và về người khác của các em chưa thật chính xác, còn nhiều sai lệch. Trái với những điều đó thì các em có thể gặp những vấn đề dễ sang chấn tâm lý, dễ nổi nóng, dễ khóc, dễ có hành vi xấu, mang sự buồn bực về nhà, bất mãn với cả cha mẹ…

Năm học 2018-2019, Phòng Tư vấn tâm lý của Trường THCS Nguyễn Huệ đã hỗ trợ tư vấn cho một HS nam rơi vào tình trạng như trên từ giữa học kỳ 1, đến giữa học kỳ 2 thì em HS này mới thay đổi nhận thức và thay đổi góc nhìn tích cực về các vấn đề, từ đó học tập vui vẻ và tiến bộ hơn.

Chính vì vậy, trước ngày tựu trường chung của HS toàn trường, Trường THCS Nguyễn Huệ tổ chức riêng một buổi dành cho HS lớp 6, trong đó nhà trường sẽ giới thiệu cho những HS đầu cấp về ngôi trường mà các em sẽ gắn bó trong 4 năm học bậc THCS, giới thiệu các thầy cô giáo sẽ đảm nhiệm dạy các phân môn ở lớp 6, phòng học, phòng bộ môn, giới thiệu những người, những nơi mà các em HS có thể tìm đến bất cứ khi nào các em cảm thấy không khỏe hay không vui hay cảm thấy không ổn như phòng tư vấn tâm lý, phòng y tế, Phòng Ban giám hiệu…

“Cùng với việc giới thiệu những điều thú vị về ngôi trường mà các em sẽ gắn bó, những hoạt động ngoại khóa các em sẽ được tham gia…, việc chuẩn bị tâm lý cho HS lớp 6 sẽ giúp các em tự tin bước vào một cấp học mới với những khởi đầu tốt đẹp”, cô Thùy Loan chia sẻ.

Trường THCS Tây Sơn thì tổ chức một buổi gặp mặt phụ huynh HS khối lớp 6 toàn trường sau khi niêm yết danh sách HS khối 6. Thầy Nguyễn Đức Tú Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài việc phổ biến nội quy của nhà trường, đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập cần chuẩn bị, nhà trường cũng chia sẻ với phụ huynh về những thay đổi trong phương pháp học tập ở bậc THCS so với tiểu học, các đợt kiểm tra trong năm học, mức độ kiểm tra, hình thức kiểm tra, đánh giá môn học… để có thể chuẩn bị tốt tâm thế cho con trước khi bước vào năm học chính thức.

An Khang

;
;
.
.
.
.
.