Khi con đi học xa nhà

Giữa trưa, tôi nhận được cuộc gọi điện thoại của chị phụ huynh: “Cô ơi, mai bé Ngân đi rồi!”. Tiếng chị đứt quãng, nghèn nghẹn. “Con bé đi học. Nó đi học gần thôi mà chị! Con đi để lớn, chị phải vui lên chứ!”. Tôi chỉ kịp nghĩ ra mấy câu an ủi, mong sao làm vơi dẫu chỉ một chút nỗi niềm người mẹ, nhưng đã không kịp giấu để chị đừng nghe thấy thanh âm rưng rưng trong giọng nói của chính mình.

Tháng Tám, bao nhiêu tân sinh viên chia tay thầy cô, gia đình để lên đường. Đó là chuyến đi chúng đã hăm hở chờ đợi từ rất lâu, từ khi biết mình sẽ học môn nào, thi vào ngành nào, khối nào, trường đại học nào. Tháng Tám, nụ cười rực rỡ trên môi tụi nhỏ khi cầm giấy báo điểm và biết tin đỗ đại học. Nhiều tân sinh viên lựa chọn những trường đại học ở xa nhà. Đó là ngôi trường nằm ở những thành phố lớn, và cũng có thể ở miền đất xa xôi nơi xứ người. Chẳng biết chúng có lo không, có hồi hộp không, có buồn chút nào vì phải xa mẹ cha không?... Chỉ có mẹ cha là thương, là lo đến thắt lòng.

Không thương sao được, khi trong lòng mẹ cha ngổn ngang trăm mối. Vui mừng, tự hào, hãnh diện. Và cả thở phào nhẹ nhõm - cái thở phào lặng lẽ chỉ những ai đã từng thao thức cùng trong những đêm con thức trắng với mớ bài tập, sách vở, mới cảm nhận được. Nhưng lạ thay, niềm thương và nỗi lo cứ lớn dần. Có khi, chỉ nghĩ đến ngày con xách ba lô ra khỏi cổng nhà, nước mắt đã chực rưng rưng.

Ngoài kia, vùng đất xa lạ sẽ dạy con phải biết nhìn trước ngó sau, dạy con cách ứng xử với những người không quen biết, dạy con cách nhìn người nhìn mình mà quyết tiến hay lui. Lần đầu tiên, con đối diện với những quyết định độc lập để lớn khôn, trưởng thành. Đó chẳng phải là cơ hội trải nghiệm quý giá để con có thể vững tin là mình sống được, sống tốt ở bất cứ nơi đâu?! Cho dẫu, có những khoảnh khắc, con sẽ cảm thấy bơ vơ, lạc lõng và cô đơn đến tận cùng.

Ngoài kia, sẽ chẳng còn ba mẹ bên mâm cơm ấm áp đợi con trở về. Con phải tập đi chợ, chọn lấy những thực phẩm tươi ngon và vừa túi tiền để nấu những món ăn yêu thích. Lần đầu tiên, con tự biết chăm sóc cho bữa ăn của chính mình. Cho dẫu, mâm cơm không thơm ngon như ở nhà, và có khi nước mắt chực rơi vì nhớ mẹ cha và các em.

Ngoài kia, con sẽ phải tập thói quen chi tiêu hợp lý, để đến những ngày cuối tháng số tiền trong tài khoản ba mẹ gửi cho vẫn còn ít nhiều. Lần đầu tiên, con hiểu được giá trị đích thực của đồng tiền.  Đó chẳng là cơ hội tuyệt vời để con tạo lập thói quen hoạch định kế hoạch tài chính cá nhân?! Cho dẫu, có những lúc con phải dè xẻn từng đồng, phải ăn ổ bánh mì rẻ tiền thay cho bát bún ngon mỗi sớm mai đến lớp.

Ý nghĩa nhất, có lẽ là, khi đi một mình, con sẽ nhận ra điều thiêng liêng mà nếu con cứ ở nhà trong vòng tay bảo bọc yên ấm của mẹ cha, con sẽ không có cơ hội thấu cảm. Đó chính là cảm giác bình an, hạnh phúc khi có gia đình ở cạnh. Con sẽ biết nhớ lời dặn của mẹ, con sẽ ân hận vì những lúc cãi lời ba, con sẽ thương hơn đứa em đêm nào cũng cùng mình thủ thỉ… Chắc chắn, con sẽ “thành người” từ  những nỗi nhớ thương như thế.

Đi học xa, cuộc sống tự lập sẽ dạy con nhiều lẽ ở đời mà mẹ cha không thể nào giúp con thấu suốt. Vậy nên, những bậc cha mẹ hãy cố xếp lại nỗi rưng rức trong lòng, mỉm cười động viên và đưa con ra khỏi cánh cổng nhà. Chúng ta có niềm tin vững chắc rằng: mọi sự trải nghiệm với con đều có giá trị lớn lao. Hãy tin rằng, đi học xa nhà, những đứa trẻ nhỏ dại của chúng ta sẽ lớn lên, khôn ra, biết nhiều, hiểu sâu, nghĩ thấu - đi để con trưởng thành!

Điều cuối cùng cha mẹ có thể làm cho những đứa con mười tám tuổi, là dõi mắt theo và thầm thì với chúng: “Đi đi con! Đi để lớn hơn khi trở về!”.

 Trần Thị Hồng Vân

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.