Sống chậm lại, lắng nghe nhiều hơn(*)

.

Cuộc sống xô bồ, đâu đó trong cuộc sống này mỗi khoảnh khắc người ta lướt qua nhau rất nhanh. Sự vội vã đôi khi chính là nguyên nhân làm nới rộng khoảng cách: khoảng cách giữa thực tế với tiếp nhận thông tin, khoảng cách lòng người! Hãy sống chậm lại, lắng nghe nhiều hơn là thông điệp của bác sĩ Ngô Đức Hùng gửi gắm qua tuyển tập Để yên cho bác sĩ “Hiền”.

Sách truyện viết về nghề y vốn không nhiều. Sách do chính những người làm trong ngành y viết lại càng ít. Hơn 50 mẩu chuyện ngắn, được xếp vào 4 chương: “Nghiệp”, “Nghề” , “Đời” và “Tôi”  trong tuyển tập Để yên cho bác sĩ “Hiền” của bác sĩ Ngô Đức Hùng đã khắc họa đầy đủ những cung bậc cảm xúc của những người công tác trong ngành y từ những ngày miệt mài trên ghế giảng đường với giấc mơ blouse trắng cho đến những tháng năm gắn bó với bệnh viện, bệnh nhân... Với giọng văn mang nhiều cung bậc cảm xúc, Ngô Đức Hùng đã cho người đọc phần nào hiểu được những khó khăn về chuyện đời, chuyện nghề y, những nỗ lực chân thiện của những lương y và góc khuất khó tránh trong nghề - cũng như bất cứ nghề nào trong đời sống.

Cuốn sách mở bằng lời tự sự về hình ảnh “Trường y”. Ở đó, những cô cậu sinh viên y ngày ngày mài đũng quần trên ghế nhà trường, tối tối lại “lê lết” ở bệnh viện với những ca trực đêm trũng sâu hốc mắt. Họ học hành chăm chỉ, khiến nhiều người liên tưởng đến những con robot được lập trình sẵn. Sáu năm, chưa kể thời gian học thêm sau đại học, cứ ngày này qua tháng nọ với lịch học dài và dày. Cuộc sống của những cô cậu sinh viên đó chỉ quẩn quanh giảng đường, bệnh viện, rồi trực đêm, trực lễ, trực Tết... đến mức Ngô Đức Hùng ví trường y là lò luyện “tâm thần”. Những con người nơi đây dành cả tuổi thanh xuân, hy sinh những phút giây bên cạnh những người thân yêu để vững bước với “Nghiệp” và “Nghề” mà mình đã chọn.

Nhưng trường y dù có đầy ắp sự khó khăn, áp lực như thế, thì đó cũng mới chỉ là những bước đi đầu tiên để trở thành một người bác sĩ. Sau khi ra trường, ngoài áp lực công việc, ngoài gánh nặng áo cơm như bao người khác, các y, bác sĩ còn phải gánh thêm trên vai áp lực từ phía xã hội với muôn vàn thông tin chưa đủ đầy trong vòng xoáy công nghệ, mạng xã hội...

Xen kẽ với những chuyện nghề, chuyện nghiệp, tác giả cũng chia sẻ về gia đình. Đó là hình ảnh người mẹ tần tảo sớm hôm lo toan việc nhà, người cha tất tả lo đồng tiền bát gạo, cốt chỉ để đứa con được yên lòng học hành tử tế. Tình yêu thương của hai con người ấy to lớn hơn trên hết mọi thứ, trở thành hậu phương vững chắc cho người con đang vùng vẫy giữa biển trời y khoa đầy gian khó và áp lực.

Và tình yêu ấy còn lớn hơn nữa khi người mẹ ở những phút gần đất xa trời vẫn một lòng vì con, hướng về con và lo cho con: “Rồi mẹ tôi ra đi trong một chiều mùa xuân không có tôi ở nhà, mẹ sợ gọi tôi về và sợ nhìn thấy tôi khóc”. Người cha, khi những đứa con của mình không còn mẹ, ông đã yêu thương chúng bằng tình yêu của cả cha lẫn mẹ. Dù con đã lớn khôn, trở thành một bác sĩ của tuyến Trung ương, nhưng những lúc ốm đau, đứa con ấy vẫn không thể ở bên cạnh săn sóc ông, bởi anh gánh trên vai trách nhiệm với nghề, đang mải mê làm công việc cứu người khác.

Nghề y cũng nhiều chuyện bi, hài. Để yên cho bác sĩ “Hiền” đã phần nào phản ánh sự trái ngược giữa việc trong khi những y, bác sĩ đang gồng mình đấu tranh giành giật từng giây để cứu người bệnh thì ở đâu đó ngoài kia, có nhiều người vẫn dường như phớt lờ nguy cơ bệnh tật bởi bia rượu hay cách tự chữa bệnh bằng kháng sinh “tự kê” không chỉ dẫn.

Ngành y, được xem như là người khổng lồ luôn chiến đấu với thần chết, giúp người bệnh thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Thế nhưng, “làm tốt một nghìn con bệnh không ai biết đấy là đâu, được coi là chuyện đương nhiên”, “chỉ một lần sơ sẩy là thân bại danh liệt”… Một trong những yếu tố khiến cho ngành y hay bản thân hành động của một người làm trong ngành ấy bị lên án là bởi những thông tin thiếu chính xác làm lệch lạc vấn đề. Mạng xã hội đầy sức mạnh nhưng đôi khi chính nó lại khiến người ta đối mặt với tấn bi kịch nghề nghiệp chỉ vì thông tin chưa thấu đáo… Ẩn dưới lớp ngôn từ hóm hỉnh, pha lẫn sự mỉa mai, chua chát là nỗi niềm đau đáu xót xa trước nhân sinh của tác giả, của một người bác sĩ trân quý sự sống, biết sống đẹp và ăm ắp tình đời, tình người.

Cuốn sách Để yên cho bác sĩ “Hiền” không phải là vấn đề chuyên ngành. Đó là chia sẻ của một bác sĩ đối với nghề, nghiệp, là sự kết nối giữa trái tim người bác sĩ đến với bệnh nhân. Thông điệp bác sĩ Ngô Đức Hùng gửi gắm, mỗi độc giả chúng ta - những người nhìn từ ngoài vào qua cánh cửa phòng khám, hãy hiểu và biết cách chia sẻ với nhau hơn, tiếp thêm chút động lực để những tấm áo blouse trắng luôn kiên cường, mạnh mẽ cứu sống người bệnh. Hãy sống chậm lại, lắng nghe nhiều hơn, nghe một cách thận trọng và trân trọng nhất để có sự thấu hiểu và cảm thông với nghề y.

Nguyễn Hiền

(*) Để yên cho bác sĩ “Hiền” – Bác sĩ Ngô Đức Hùng. Nhà Xuất bản Thế giới và Nhã Nam phát hành, xuất bản năm 2018.

;
;
.
.
.
.
.