Về nhân vật Lê Sỹ trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858

Trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 chống Liên quân Pháp và Tây Ban Nha xâm lược nước ta qua cửa ngõ Đà Nẵng, có rất nhiều nghĩa sĩ hy sinh vì nghĩa lớn mà chưa được hậu thế biết rõ tên tuổi - mấy nghìn nghĩa sĩ được mai táng tại Nghĩa trủng Phước Ninh, Nghĩa trủng Khuê Trung và một số nghĩa trủng khác ở Đà Nẵng hầu hết chưa được xác định danh tính cụ thể.

Lịch sử cũng ghi nhớ tên tuổi những người tham gia chiến đấu và có công trên mặt trận Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ mùa thu năm Mậu Ngọ 1858 đến mùa xuân năm Canh Thân 1860, nhưng không ít người có công lớn trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ vẫn chưa được hậu thế nhắc đến mỗi khi nhớ về cuộc chiến tranh vệ quốc này, trong đó có một võ quan quê làng Võ Xá, huyện Phong Lộc (nay thuộc xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) tỉnh Quảng Bình tên là Lê Sỹ, con trai của cụ Lê Tính - cũng là một võ quan dưới thời vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị.

Lê Sỹ sinh năm Bính Tý 1816 - tên thật là Lê Nhân 黎 仁, được vua Tự Đức ban tên Lê Sỹ 黎 仕 bằng cách thêm một nét sổ dọc vào chữ Nhân 仁 (nghĩa là lòng thương người) thành chữ Sỹ 仕 (nghĩa là quan, trí sỹ là về hưu, thôi làm quan). Triều Nguyễn rất coi trọng việc đào tạo võ bị, lập ra Anh Danh giáo dưỡng - một cơ sở đào tạo võ quan, thường được gọi là Võ Bang, tọa lạc tại địa điểm nay là Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (số 168 đường Mai Thúc Loan, thành phố Huế), ưu tiên tuyển sinh đối với con cháu những võ quan có công theo vua tòng chinh và được thờ trong đền Hiền Lương khởi dựng đầu năm Mậu Thân 1848.

Được nhận vào học và tốt nghiệp Anh Danh giáo dưỡng vào năm hai mươi tuổi - năm Bính Thân 1836, Lê Sỹ bắt đầu binh nghiệp của mình ở Nam Kỳ và gắn bó với quân ngũ cho đến tận cuối đời, khi ông kiên dũng hy sinh ở chiến trường Thuận An năm Quý Mùi 1883 - đúng như phẩm chất ngời sáng mà triều đình nhà Nguyễn từng ghi nhận khi phong tước Kiên Dũng Nam rồi truy phong tước Kiên Dũng Tử cho ông.

Lê Sỹ là một võ quan chuyên nghiệp - chuyên nghiệp đến mức từng được cử làm giám khảo hai khoa thi võ tiến sĩ năm Mậu Thìn 1868 và năm Tân Mùi 1871 dưới thời vua Tự Đức. Cuộc đời binh nghiệp của ông trải dài từ trong nam ra ngoài bắc, nhưng đáng chú ý là có hai lần ông gắn bó với đất Quảng. Lần thứ nhất vào năm Quý Mão 1843 dưới thời vua Thiệu Trị. Thời điểm này cũng là lúc cửa Hàn thường xuyên bị thực dân phương Tây dòm ngó, nhà vua đang rất cần những ý kiến tham mưu của các triều thần có nhãn quan quân sự sắc sảo. Năm Canh Tý 1840, theo lệnh vua Minh Mạng, Tham tri Bộ Công Nguyễn Công Trứ đã vào tận nơi xem xét hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng, sau đó đề nghị một số giải pháp nhằm tăng cường phòng thủ ở các thành Điện Hải và An Hải. Người tiếp thu và quyết định thực hiện theo những ý kiến tham mưu của Nguyễn Công Trứ chính là vua Thiệu Trị vừa lên nối ngôi vua cha vào đầu năm Tân Sửu 1841. Và đến đầu năm Quý Mão 1843, Lê Sỹ được vua Thiệu Trị chọn cử vào Quảng Nam giữ chức Tả cơ Hiệp quản - một chức hàm võ quan thấp hơn chức Lãnh binh là chức hàm võ quan chỉ huy quân sự một tỉnh nhỏ.  

Lần thứ hai vào năm Kỷ Mùi 1859 dưới thời vua Tự Đức, lúc liên quân Pháp và Tây Ban Nha đang hùng hổ tiến công xâm lược Đà Nẵng. Sau hơn mười năm giữ chức Lãnh binh tỉnh Ninh Bình, lần này Lê Sỹ được vua Tự Đức quyết định chọn điều động để tăng cường cho mặt trận Đà Nẵng, trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh Mậu Ngọ và giao giữ chức Đốc binh quân thứ Quảng Nam - một chức vụ tương đương chức Lãnh binh.

Phương án chọn lựa Lê Sỹ nhằm tăng cường cho mặt trận Đà Nẵng hoàn toàn không ngẫu nhiên mà xuất phát từ nhãn quan đúng đắn của vị tổng tư lệnh tối cao của cuộc chiến tranh Mậu Ngọ là vua Tự Đức: ưu tiên chọn những võ quan thông thuộc địa hình và nhân tâm đất Quảng, thể hiện trước tiên qua việc nhà vua điều động Kinh lược sứ Nam Kỳ Nguyễn Tri Phương - người từng được vua Minh Mạng giao giữ chức Tuần phủ Nam Ngãi trông coi việc bố phòng cửa Hàn vào năm Canh Tý 1840 - làm tư lệnh mặt trận Đà Nẵng thay Chu Phước Minh. Và đấy cũng là lý do chính để năm Kỷ Mùi 1859 nhà vua chọn Lê Sỹ - người từng được vua Thiệu Trị giao giữ chức Tả cơ Hiệp quản Quảng Nam.

Tăng cường cho mặt trận Đà Nẵng thời điểm này, vua Tự Đức còn chọn Phạm Thế Hiển đang giữ chức Tổng đốc Định Biên trong Nam Kỳ để giao giữ chức Tham tán Đại thần quân thứ Quảng Nam và cử làm phó tướng cho Nguyễn Tri Phương - một cách “sắp xếp cán bộ” rất hợp lý bởi Phạm Thế Hiển và Nguyễn Tri Phương từng kề vai sát cánh bên nhau lo liệu mọi việc ở Nam Kỳ lục tỉnh từ năm Giáp Dần 1854, và một lần nữa “cặp bài trùng” này tiếp tục cùng nhau giữ vững mặt trận Đà Nẵng, góp phần làm nên chiến thắng đầu tiên và duy nhất của nước ta đối với các thế lực xâm lược phương Tây trong thời quân chủ (*). Xin nói thêm Lê Sỹ vào Nam Kỳ sớm - từ năm Bính Thân 1836, và cũng rời Nam Kỳ sớm - từ năm Quý Mão 1843, khi Nguyễn Tri Phương vừa nhậm chức Tổng đốc Long Tường trong Nam Kỳ chừng khoảng hai năm. Do vậy thời gian Lê Sỹ thực thi công vụ dưới quyền Tổng đốc Long Tường Nguyễn Tri Phương nếu có cũng không nhiều, chưa kể do chức hàm chênh lệch nên hai người khó có thể kề vai sát cánh bên nhau lo liệu mọi việc như trường hợp Nguyễn Tri Phương/Phạm Thế Hiển.   

Năm Quý Mùi 1883, Lê Sỹ được phong chức hàm võ quan Hữu quân Đô thống Đô thống chưởng phủ sự và được giao nhiệm vụ trấn thủ thành Trấn Hải bảo vệ cửa Thuận An và ông đã hy sinh trong một trận chiến đấu không cân sức với quân đội Pháp vào chiều ngày 20 tháng 8 năm 1883. Thi hài Lê Sỹ được đưa từ Huế về mai táng tại làng Võ Xá quê hương ông và được thờ tại đền Trung Nghĩa. Năm Canh Dần 1890, vua Thành Thái cho xây dựng lăng mộ Hữu quân Đô thống Đô thống chưởng phủ sự Lê Sỹ rất hoành tráng để ghi nhận công lao của ông đối với đất nước, và đến năm Ất Dậu 2005, mộ Lê Sỹ được Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin quyết định xếp hạng di tích quốc gia. Hiện nay, thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình có một con đường mang tên Lê Sỹ, điểm đầu giáp đường Thống Nhất, điểm cuối giáp đường Nguyễn Văn Cừ. Huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có một con đường mang tên Lê Sỹ, điểm đầu là thôn Hải Thành, điểm cuối là Quốc lộ 49B - con đường giao thông dọc theo Biển Đông của tỉnh Thừa Thiên Huế, rất phù hợp với bối cảnh hy sinh của Lê Sỹ ở cửa biển Thuận An.

Nên chăng với những đóng góp của Lê Sỹ đối với Đà Nẵng trên cương vị Tả cơ Hiệp quản Quảng Nam năm Quý Mão 1843 và nhất là trên cương vị Đốc binh quân thứ Quảng Nam năm Kỷ Mùi 1859 trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858, thành phố bên sông Hàn cũng cần có một con đường mang tên Lê Sỹ - như một cách kéo dài danh sách những danh nhân liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ năm 1858 được vinh danh qua các bảng tên đường: Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển, Đào Trí, Lê Đình Lý, Nguyễn Duy, Nguyễn Ân, Nguyễn Công Trứ, Phạm Văn Nghị...

Bùi Văn Tiếng

(*) Năm 1860, bản thân “cặp bài trùng” này tiếp tục được vua Tự Đức điều động vào Nam Kỳ: Nguyễn Tri Phương làm tư lệnh mặt trận Sài Gòn-Gia Định và Phạm Thế Hiển giữ chức Tham tán Đại thần quân thứ Gia Định, nhưng cũng không thể làm nên một chiến thắng thứ hai.  
 

;
;
.
.
.
.
.