Bà Bốn khom người thò tay mở chốt cổng, bước vô góc sân vắng lặng. Phía bên nhà thằng Phong con bà, đèn điện sáng choang đằng sau cánh cửa kính khép kín. Con Siêng rối rít sủa ầm lên trong nhà khi bà Bốn loay hoay tra chìa vào ổ khóa. Siêng chạy ùa ra cuống quýt vẫy đuôi mừng, quấn lấy chân bà Bốn. Với tay bật công tắc đèn, bà mắng yêu chú chó nhỏ, tổ cha mi, tránh ra cho ta cất đồ cái đã.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Bà Bốn bắc ghế gỗ đứng lên cạnh bàn thờ, lấy chổi lông gà phủi phủi bụi. Rửa xong mớ quýt cùng nải chuối xanh, bà Bốn tìm dĩa đựng và đặt lên chính giữa bàn. Bà đốt ba cây nhang rồi thì thầm khấn vái, ông ơi tui về nè, tui mua cho ông nải chuối ông ưng, ở nhà mấy bữa ni không có ai chắc ông buồn lắm.
Lẩm bẩm hồi lâu, bà lại ngồi tựa cửa mở hộp cơm mua lề đường ra, chầm chậm nhai. Con Siêng nằm gác mõm lên bàn chân bà, lâu lâu rướn mắt lên ngó chừng chủ có cho miếng xương cá mô không. Xen lẫn vào âm thanh tán lá xoài xào xạc là tiếng thở dài não ruột của bà Bốn. Cú lợn “éccc éccccc” từng hồi dài như lời đáp trả người đàn bà đã hơn sáu mươi tuổi. Chắc là xóm trên sắp có người chết. Bà Bốn nghĩ gở, chẳng biết khi mô tới lượt mình.
Sứa lụi cụi chui ra khỏi mền, dụi con mắt đang chèm nhèm rồi dang hai tay ra đòi bà Bốn bế. Phải gọi đến hai, ba lần thì Sứa mới chịu dậy. Mặt trời thì đã leo lên tới gần ngọn cau. Mỗi lần bà về, con bé lại xách gối qua ngủ chung. Mới sáu tuổi đầu mà con bé có sở thích rất lạ. Sứa hay nhõng nhẽo, bà nội, bà nội lấy ông Phật mở đi. Thế là hai bà cháu ôm nhau nghe tụng kinh “A di đà”. Con bé cuộn tròn trong lòng bà Bốn như con mèo nhỏ ngoan ngoãn, không còn nghịch ngợm bay nhảy như ban ngày. Bà Bốn cho là con bé có duyên với Phật pháp. Trong đám cháu nội, Sứa quấn quýt bà Bốn nhứt. Có lẽ do con bé hợp tuổi với bà.
Sứa mang trên vai cái cặp to gần bằng người, mũ lưỡi trai đội ngược, lon ton vừa chạy vừa hát: “Bà nội chở đi học là bà nội chở đi học”. Con bé mới lắc đầu nguầy nguậy từ chối việc được má nó đưa đến trường bằng xe máy. Sứa chỉ thích hai bà cháu dẫn nhau đi bộ tung tăng trên đường hoặc ngồi đằng sau gác-ba-ga xe đạp cho bà Bốn dắt đi.
Dẫn Sứa vào lớp giao cho cô giáo xong, bà Bốn về nhà, ra vườn lặt mớ rau bù ngót vô để dành trưa nấu miếng canh cùng dầu phụng. Dù hai nhà ở bên cạnh nhau, nhưng con dâu bà Bốn không khi mô bước chân qua hỏi han má chồng. Bà muốn ăn thì tự nấu, đau ốm tự thuốc thang. Thằng Phong lái xe mải miết trên những cung đường Bắc – Nam, lâu mới về nhà một ngày. Câu chuyện xích mích từ hai năm trước đến chừ vẫn còn ghim trong bụng vợ thằng Phong.
Bà Bốn cũng mặc kệ, đến hai thằng con trai còn không ngó ngàng đến bà nữa người dưng. Thằng Hải ở cách đó chừng mươi căn nhà nhưng cũng có hay lui tới đâu. Thời trẻ, bà Bốn làm quần quật để kiếm tiền, ít thời gian gần gũi nên chuyện má con nhạt dần. Thôi thì, dù răng chúng nó cũng lớn cả rồi. Các con còn có cuộc sống riêng, gia đình riêng phải lo. Các con cứ yên tâm mà sống phần đời mình. Sông Trường Giang dòng nước chảy xuôi chớ có bao giờ trôi ngược. Bà có con Siêng ở cùng là được rồi.
Ở cái xứ ni, người ta vẫn hay ca thán, lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm. Treo mãi theo những chuyến ra khơi, có khi neo lại luôn giữa muôn trùng sóng gió. Chỉ có mỗi bà Bốn, lấy phải thằng chồng “ẻo lả vô tích sự” như lời bà ngoại Tép ngày xưa vẫn nói. Ông ra biển được vài ngày thì nôn mửa đòi vô đất liền làm thợ đụng, ai kêu mô thì chạy. Không có ai mướn chi, ông già lại lôi rượu ra uống rồi đập phá đồ đạc. Ông già đánh hay mắng như răng bà Bốn chịu được hết. Đã trót lấy thì trót thương. Mà có phải ông nói lời dễ nghe cho cam.
- Mồ cha con Bốn, cái thứ chết trương chết sình. Mi rồi cũng thúi sình thúi quắc như má mi thôi.
Tép ra đời trễ, không hiểu lời ba nó, gặng hỏi mới biết là bà ngoại nó bị ung thư trướng bụng nên mất. Rứa mà con Tép không giận ông già. Tép bảo, ba mới là người còn sống. Bà ngoại là ai con mô đã gặp bao giờ!
Một ngày năm, bảy cữ nghe ông lôi mồ mả dòng họ lên chửi rủa, có ai chịu cho thấu. Người ta có thể vứt cả tự tôn chịu sự xúc phạm từ kẻ khác, nhưng có những thứ tuyệt nhiên không được động chạm đến. Thế là bà Bốn bỏ ông già.
Cái ngày bà Bốn và ông già ly dị, trong khi hai anh trai Phong - Hải xách bọc quần áo đi theo má, thì Tép nhất quyết ở cùng ba. Đứa con gái mười một tuổi không rơi lấy giọt nước mắt, mặt lạnh tanh:
- Má với hai anh có đi thì đi, chớ con không bỏ ba được.
- Mi ở với ổng rồi răng mà học hành. Ngày hai bốn tiếng ổng say xỉn chửi rủa hết hai chục.
- Thì tui học trong bốn tiếng còn lại. Ba cũng phải ngủ chớ.
- Rồi lấy chi bỏ vô mồm? Bộ tính hít không khí sống hay chi!
- Tui ra chợ bán cá giùm họ kiếm tiền.
Hải quay sang anh Hai, ông hơi mô mà lo, nó đói tự khắc mò qua ở với má con mình. Phong nghiêm mặt im lặng, nó biết em gái mình bướng cỡ mô nên không khuyên răn chi nữa. Ba má con bà Bốn dắt díu nhau qua Tam Xuân thuê căn nhà lụp xụp của cậu để ở. Nối từ phía xã nông Tam Xuân qua xã biển Tam Tiến có cây cầu máng, nước dưới chân cầu trong leo lẻo. Người dân đặt tên cầu là Vĩnh Biệt. Bà Bốn hằng ngày đi bộ ngang cầu máng, sang xưởng cá bò gần nhà ông già để làm mướn. Thời đó, xưởng cá còn tấp nập, là nguồn thu nhập chính của những người đàn bà góa chồng miền biển.
Chừng lớp tám, lớp chín, Tép cũng lò dò sang xưởng cá xin làm chung với má. Bà Bốn mừng lắm, dù mỗi người mỗi công đoạn, có xáp lại trò chuyện được bao nhiêu. Bà Bốn phải sơ chế cá tươi, xẻ cá bò ra làm đôi, bóc rửa sạch ruột, cắt vây và đuôi. Dù đeo bao tay nhưng đôi lúc vây xương cá vẫn đâm vào tay nhói thịt. Mùi tanh tưởi nồng nặc xông thẳng vào khuôn mặt đằng sau cái khẩu trang dày cộm. Cá làm xong được chuyển sang cho một đám người khác sắp lên vỉ mang ra phơi nắng. Người làm ca chiều - tối sẽ gỡ cá phơi khô ra, xếp lại thành từng lát cá bò khô thành phẩm. Tép phụ trách khâu bỏ cá vào bọc ni-lông, thêm tem nhãn và dán miệng bọc. Nghe người ta nói, cá bò xưởng ni chế biến ra sẽ được đưa đi khắp mọi miền đất nước. Miếng cá bò khô dẹp dẹp có lớp xám trắng bao bên ngoài lớp thịt màu vàng đục nhạt.
Người ta vớt xác ông già lên khi mặt trời đứng bóng. Tụi thanh niên lục sạo cả buổi sáng nơi dòng nước dưới chân cầu Vĩnh Biệt mới tìm thấy ông. Một đoạn sông Trường Giang mùa nước lũ lên đục ngầu, ngổn ngang rác rến.
Cả xóm xôn xao. Tui nói nghe, chỗ cái máng sắt dẫn nước nhỏ xí ni đã biết bao người chết rồi chớ phải. Con Tép chơi đâu để ba nó phải chạy đi kiếm rồi rớt sông. Kiểu ni là say quá trượt chân té nề. Không, có khi tỉnh cũng đi thôi á bà, ổng ốm yếu quá, gió to thổi phát là bay cái chắc. Cái số nó rứa rồi biết răng chừ.
Tép lặng băng, xơ xác mất hồn. Nó không khóc, không nói chi cả. Cho đến khi người ta đào huyệt thả quan tài ông già xuống, Tép mới gào lên. Răng lại thả ba con xuống nớ? Buông con ra, má buông con ra. Mọi người mở nắp cho ba con lên đi. Ba ơi, răng ba nằm dưới nớ? Con xin lỗi, con qua nhà má thăm con anh Phong. Ba ở nhà đợi con về chớ đi kiếm con làm chi. Ba đi kiếm út Tép làm chi… Người ta thấy Tép khóc thét rồi ngất xỉu.
Cả hai thằng con trai của bà Bốn không nhìn mặt ba chúng lúc ổng còn sống. Khi ông già chết, tụi nó cũng bỏ nốt. Chẳng đứa mô chịu thờ ông già, đòi đem di ảnh ra gửi chùa. Bà Bốn xót lòng quá, bà nuôi con lớn chớ không dạy được chúng nên thân. Đã đành lúc ông còn trên đời, bà nỡ lòng dứt áo ra đi, thì thôi khi ông đến nơi suối sông, bà đón ông về nhang khói. Tép không ý kiến chi với việc má nó thờ phụng ba. Nó vô thành phố làm việc. Bà Bốn mô có ngờ Tép bỏ xứ biền biệt năm, sáu năm không về. Bà vẫn hằng ngày đi ngang cây cầu máng để qua xã bên kia làm cá bò, cho đến khi người ta dẹp xưởng vì bà con ca thán không chịu nổi mùi hôi.
Bóng chiều ngả vàng nơi đầu ngọn cau. Bà Bốn đón Sứa đi học về. Sứa nắm chặt ngón tay út của bà Bốn, chạy phía trước kéo bà đi nhanh vào sân. Chợt con bé khựng lại, nhìn trân trân cái người đang đứng trước mặt mình. Bà Bốn ngờ ngợ, sững người. Tép đang đứng đó, lưng khoác ba lô, tay kéo vali. Chào vội bà Bốn, thưa má con mới về, Tép quay sang ôm Sứa vào lòng. Ban đầu Sứa né, đẩy Tép ra, nhưng hình như cảm giác ấm áp quen thuộc. “Ai mà lại gọi bà nội là má? Má là người đẻ ra Sứa, rứa bà nội là người đẻ ra cô ni hở?”. Tép hôn rối rít lên mặt Sứa, chu, Sứa của cô út lớn quá rồi hỉ. “Mô có, Sứa bé tí ti mà”. Bà Bốn và Tép cùng cười vì câu nói ngô nghê của con bé.
Tép nói với bà Bốn, chuyến ni con về ở hẳn với má. Thành phố chật chội ngột ngạt quá má à. Con ở trong nớ làm ăn cũng có chỗ đứng vị thế với người ta rồi. Nhưng bon chen đấu đá miết con mệt. Cứ về quê mình sông biển mà an lành hơn. Mùa lũ dọn lũ, mùa bão chống bão. Chớ quần quần dọn lòng chống người con thấy thiệt nản. Bà Bốn nhìn Tép thở dài. Đoán chừng đứa gái út chắc phải dằng xé nội tâm dữ lắm, chắc phải từ bỏ nhiều thứ xa hoa để quay về. Nó không bỏ ba nó đi, thì có lẽ mô lại để bà Bốn tuổi già cô đơn không ai chăm lo.
Dưới chân cây cầu máng, mùa này dòng nước trong xanh đến lạ kỳ.
Ny An