Đi dự Liên hoan Văn hóa - Thể thao, phục dựng lễ hội truyền thống người Cơ tu năm 2019 và khai trương mô hình du lịch cộng đồng tại 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) về, bạn nói vui lắm, chỉ gợn một chút không vui.
Tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng khắp núi đồi. Điệu múa Tung tung - Da dá của các chàng trai cô gái 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí và thôn Phú Túc (xã Hòa Phú), vẫn say đắm lòng người như xưa. Đặc biệt là khu lưu trú cộng đồng (homestay) mới khai trương tại thôn Giàn Bí có mặt tiền nhìn ra dòng sông Cu Đê hứa hẹn một triển vọng mới cho việc khai thác du lịch sinh thái cộng đồng tại vùng cực Bắc Hòa Vang.
Ôi, toàn những tin tức làm nức lòng người cả, sao gợn chút không vui? Ờ, chỉ là trong khi tham quan các gian hàng, bạn thấy một khách mời muốn mua chiếc móc khóa có hình trái tim may bằng vải thổ cẩm Cơ tu. Người bán hàng hô giá 150.000 đồng. Thấy khách chê đắt không mua, người bán liền hạ xuống còn 100.000 đồng. Khách vẫn lắc đầu từ chối…
Ra khỏi quầy, khách cho biết, những mặt hàng này ở Festival Làng nghề Huế hay ở Hội An và chợ Hàn, chợ Cồn Đà Nẵng giá từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng là... “hết nấc”. Vấn đề không còn là chỗ giá cả đắt rẻ mà cái lối tư duy nói thách như vậy quả không thể vui được.
Đó chỉ là một ví dụ nhỏ. Trong đời sống, đó đây, có lẽ không ít khách du lịch bị “hớ” khi mua hàng đắt so với giá trị sản phẩm gấp đôi ba lần. Bởi, nói thách, “hét” giá dường như đã trở thành một thói quen, tồn tại lâu ngày không riêng gì ở một địa phương nào mà là một nét đặc thù trong đời sống. Người bán nâng giá lên cao như để tôn thêm giá trị mặt hàng và người mua trả giá xuống dần; người ta còn xem đây là một kỹ năng định giá trị. Việc này dẫn đến hệ lụy là cả hai đều đề phòng lẫn nhau, điều đó làm cho việc mua bán trở nên ngột ngạt, khó chịu và không tin tưởng lẫn nhau.
Chính vì vậy, nhiều người có mua sắm thì họ sẽ đến các địa chỉ quen, uy tín, ít nói thách đã được người quen giới thiệu từ trước. Đặc biệt, đối với du khách nước ngoài, ngoài những cuốn cẩm nang du lịch, bản đồ… thì để tránh bị “chặt chém” oan uổng, họ luôn “lận lưng” những kinh nghiệm vui chơi, mua sắm, thậm chí đến giá cả chỗ ăn, chỗ ở cũng chi tiết đến từng xu do những khách đi trước “tổng kết kinh nghiệm” trên mạng xã hội.
Một số người giờ bán hàng theo kiểu “xem mặt đặt tên”. Có lần kéo ghế ngồi chồm hổm, ăn ly chè đậu ván để tìm lại cảm giác trẻ thơ. Lúc tính tiền, bà bán hàng hỏi nhỏ: Nghe giọng nói, hình như cô là người ở gần đây phải không? Rồi tính giá rất chi hữu nghị. Để ý, thấy bà tính khách các nơi đến, nhất là khách nước ngoài, với mức giá... cao hơn của mình! Tự nhiên thấy lòng buồn buồn dù được ưu tiên tính giá “nội bộ”. Ngay cả một người bán gánh chè vỉa hè tưởng chừng rất chân chất cũng tiêm nhiễm cái kiểu “chặt chém” khách đường xa. Chỉ là ly chè đậu ván, cái móc khóa nho nhỏ hình trái tim bằng vải thổ cẩm nhưng sao nghe chạnh lòng.
Đà Nẵng - nơi được mệnh danh là “thủ phủ du lịch” miền Trung, chúng ta tự hào về một thành phố đáng sống, cảnh quan đẹp, người dân hiền hòa, hiếu khách. Nhưng, liệu rằng du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài có nghĩ như vậy không khi tình trạng nói thách, chặt chém vẫn diễn ra đâu đó trong các điểm vui chơi, mua sắm, tham quan… trong thành phố. Sở Công thương đã yêu cầu tiểu thương các chợ phải niêm yết giá và bán theo giá công khai nhiều năm qua, nhưng có lẽ không phải lúc nào giá niêm yết đó cũng đúng, cũng chuẩn. Thiết nghĩ, khó mấy cũng phải thay đổi. Bởi việc nói thách, thậm chí “chặt chém”, tuy chỉ như hạt sạn trong giày, nhưng cũng khiến du khách đau buốt trên con đường tham quan rày đây mai đó...
Như Hạnh