Cuộc vận động cùng với những chính sách khắt khe của Tổng thống Vladimir Putin đã giúp người dân nước Nga giảm mạnh tình trạng uống rượu trong hơn 15 năm qua. Đó cũng là tấm gương sáng cho mọi người trên khắp thế giới noi theo.
Uống rượu là nguyên nhân dẫn tới tử vong hàng đầu ở Nga. |
Liên bang Nga và trước đây là Liên Xô được biết tới là một trong những quốc gia tiêu thụ lượng rượu lớn nhất thế giới, trung bình một người uống 11 - 12 lít mỗi năm. Rượu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tử vong ở Nga trong những năm của thập niên 1990. Cựu Tổng Bí thư Mikhail Gorbachev từng phát động chiến dịch hạn chế uống rượu trên toàn liên bang rất tích cực từ năm 1985. Biến cố chính trị năm 1991 xảy ra làm chiến dịch ngắt quãng và lượng rượu tiêu thụ mạnh trở lại cho tới những năm đầu thế kỷ 21.
Tổng thống lâu năm và đương nhiệm Vladimir Putin vốn yêu thích thể thao vận động người dân cả nước có lối sống lành mạnh và đưa ra một loạt chính sách được thông qua từ năm 2000. Chẳng hạn như cấm các cửa hàng bán rượu sau 11 giờ đêm; tăng giá bán lẻ tối thiểu đối với rượu mạnh và cấm tiệt quảng cáo; siết chặt tình trạng nhập lậu rượu và sản xuất tại nhà. Sự quyết liệt đó tạo chuyển biến vô cùng tích cực ở Nga. Theo kết quả điều tra nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ năm 2003 tới năm 2016, mức giảm tiêu thụ rượu trên đầu người ở Nga tới 43%. Thuốc lá cũng giảm được 30%. WHO cho biết trung bình một người Nga uống rượu ít hơn một người Pháp hay Đức.
Nghiên cứu của WHO cho thấy rõ mối tương quan giữa mức tiêu thụ rượu, thuốc lá với tỷ lệ tử vong, tuổi thọ. Nếu như đỉnh điểm tiêu thụ rượu ở Nga năm 2003 dẫn tới tuổi thọ trung bình nam giới chỉ là 57 tuổi thì bây giờ tăng hơn 10 tuổi. Nghiên cứu cho thấy giảm rượu và thuốc lá giúp cho tuổi thọ trung bình của phụ nữ Nga được xác định năm 2018 là 78 và nam là 68. Tỷ lệ tử vong do tất cả nguyên nhân giảm 39% với nam từ năm 2003 tới năm 2008 và giảm 36% với nữ. Những tín hiệu tích cực về tuổi thọ, sức khỏe thắp lên hy vọng về tăng tỷ lệ sinh sản bởi năm ngoái lần đầu tiên nước Nga có số liệu thống kê về giảm nhân khẩu học trong một thập niên với số thiếu hụt lên tới 86.000 người.
Cũng như Nga, EU cũng đã có những dấu hiệu tích cực về tình trạng giảm sử dụng rượu trong những năm qua: Mức giảm tới 25% từ năm 2005 tới năm 2016. Uống rượu khi chưa đủ tuổi hay lái xe sau khi uống rượu cũng đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, EU vẫn không có chính sách hẳn hoi về rượu trong vài năm gần đây. Đó là 20 tổ chức phi chính phủ về y tế cộng đồng vốn nhận tài trợ từ EU đã rút lui hồi tháng 6- 2015 vì Ủy ban châu Âu từ chối đệ trình chiến lược hạn chế rượu mới.
Ủy viên phụ trách y tế của EU là Stella Kyriakides đang chịu sự thúc giục khôi phục lại diễn đàn về rượu và sức khỏe châu Âu (EAHF) đã “ngủ đông” từ hơn 4 năm qua. EAHF ra đời năm 2007 cung cấp nền tảng cho các tổ chức phi chính phủ y tế công cộng và các nhóm ngành rượu để thảo luận về các vấn đề, đề xuất thực tiễn tốt nhất và chia sẻ kinh nghiệm để hình thành các cách tiếp cận chính sách về rượu hợp lý. Sự tan rã của diễn đàn xuất phát từ việc ngành công nghiệp rượu cho rằng diễn đàn có dính tới hành vi phòng ngừa tác hại chứ không phải đưa ra chính sách; các tổ chức phi chính phủ cho rằng ngành công nghiệp rượu cố gắng ngăn chặn những thông điệp mang tính tiêu cực tới sức khỏe.
EAHF cung cấp một Diễn đàn có hy vọng “sống” lại nhờ một hướng đi mới của một tổ chức phi chính phủ. Tổ chức này xoáy vào trọng tâm là ung thư xuất phát từ uống rượu. Họ kêu gọi Stella Kyriakides xác định lại mối liên hệ bị lãng quên này. Chính Kyriakides chọn một trong số nhiệm vụ trọng tâm của mình trong 5 năm tới là “đánh bại ung thư ở châu Âu”. Eurocare cho biết trong năm 2016, nguyên nhân chính dẫn tới chết của những người uống rượu bị ung thư chiếm tới 29%.
ANH THƯ tổng hợp