Ngày phố trở heo may

.

Căn bếp của mẹ là ký ức tuổi thơ của con. Mỗi món ăn mang theo hương vị mà suốt hành trình mải miết trong đời, hiếm đứa con nào tìm thấy lại hương vị ấy dưới đôi bàn tay của người khác, ngoài mẹ. Hôm nay con chợt thấy lại nồi khoai ngào của ngày xưa, gợi lên bao nhiêu niềm thương khó thuở đói nghèo nhưng đầm ấm khó quên bởi được nêm nếm bằng tình yêu thương của mẹ.

Món khoai ngào giữa phố. Ảnh: P.V.Y
Món khoai ngào giữa phố. Ảnh: P.V.Y

Góc đường quẹo vào khu chợ xép giữa trung tâm thành phố, cứ tầm 4 giờ chiều, người phụ nữ tóc ngã màu mây lại lọc cọc dựng chân chống xe đạp, bày ra nồi khoai ngào thơm lựng. Tệp lá chuối xanh nhanh chóng vơi dần. Tiếng hỏi chào đon đả, tiếng cười ấm khuấy động cả khoảng không gian vốn yên ắng buổi xế chiều. Thúy - một giáo viên tiểu học, hơn mười lăm năm bám phố tạt xe vào mé đường: “Mạ ơi bán cho con gói ký ức tuổi thơ”. Bà bán khoai cười tươi, nhanh tay xới khoai cho vào lòng lá chuối rồi gấp nếp làm tư thật gọn gàng. Thúy rồ xe đi, không quên ngoái đầu nói với lại: “Chiều mai con lại tới”.

Thúy tầm tuổi tôi - cùng thế hệ 8x. Ngoài ba mươi, chưa có nhiều ký ức đằm sâu để kể nhưng hành trang ngày tốt nghiệp THPT rồi rời quê lên phố, mỗi chúng tôi luôn gói ghém kỹ càng niềm yêu thương xưa cũ phía trong chiếc cổng làng, nơi có ngôi nhà ba gian, có góc bếp ấm dậy mùi yêu thương và hai mái đầu bạc luôn dõi theo bước chân những đứa con. Không dưng, mỗi chúng tôi luôn lấy cột mốc ngày tốt nghiệp THPT với tấm bằng đỏ chói như cú nhấn ga lấy đà cho chuyến bay vào tương lai. Ký ức và ngôi nhà bao năm gắn bó lùi lại phía khoang kỷ niệm, còn chúng tôi mải miết sải cánh bay ở khoảng trời phía trước mang tên tương lai, lâu lâu vẫn ngoái nhìn lại để lấy đà.

Ở phía đó, mùi vị món ăn của mẹ bao giờ cũng có đầy hấp lực như để tiếp sức cho chúng tôi những lúc chồn chân mỏi gối. Những món ăn chỉ cần nghĩ đến đã đủ thấy lòng dạ nao nao như nó vừa được đặt ngay trước mặt. Tạo hóa khéo lấy đi của người dân quê nghèo xứ khó miền Trung nhiều thứ nhưng bù lại luôn ưu ái cho họ những mùa khoai sắn và sự sáng tạo của người mẹ tảo tần để đa dạng bữa ăn cho con cái từ chính những nông sản làm ra.

Ngày đó, nhất là vào độ giáp hạt, buổi giêng hai thì ngày hai bữa rặt ăn khoai. Mà không phải nhà bao giờ cũng có sẵn khoai. Có khi ba mẹ từ vùng đồng bằng, cuốc bộ lên miệt trung du, tìm người quen để vay khoai hoặc đổi lúa non lấy khoai. Gánh khoai oằn trên đôi vai qua hàng chục cây số xuôi trở về thấm mồ hôi ba mẹ trở thành món ăn chính hằng ngày trong mỗi gia đình.

Thời buổi ngặt nghèo nên củ khoai cũng tùy bữa sẽ được sáng tạo theo nhiều cách khác nhau. Độ giữa vụ thì ăn khoai luộc. Khi đã qua vụ mùa thì ngoài khoai cắt lát phơi khô nấu kèm với nếp, các loại đậu… gọi là khoai ngào. Ngày đó để chúng tôi đủ no bụng đến trường hoặc ra đồng chăn bò, từ tối hôm trước mẹ đã ngâm đậu đỏ, đậu đen trong nước ấm để sáng hôm sau kịp nấu nồi khoai ngào cho bữa sáng. Mẹ sẽ ninh nhừ khoai trộn đậu, nếp dưới than củi cho tới khi rặc nước, cho thêm ít đường cát hoặc đường đen vào, dùng đôi đũa cả đảo đều, hay chiếc vá nhôm to bự nhất dằm xắn cho những lát khoai tơi dẻo quện vào nhau và thêm vài lát gừng tươi hay đôi ba khúc lá dứa dậy mùi thơm.

Bữa nào ăn sáng xong dư ra một ít, mẹ lại lật đật ra đầu hè trảy ngọn lá chuối xanh, rửa sạch và hơ lên bếp than cho lá chín dẻo rồi gói khoai ngào thành từng vắt tròn cho chúng tôi mang theo chống đói giữa buổi. Nhiều bữa nhà không còn đường, không nếp, mẹ thay thế bằng chén muối lạc, hay mè ăn kèm để cho khoai thêm vị đậm. Nghiễm nhiên vì thế mà mỗi chúng tôi đều quen với mùi vị món ăn của mẹ.

Chúng tôi lớn khôn, rời xa mái nhà tuổi thơ để đến thị thành - Nơi cho chúng tôi cuộc sống mới, chở che chúng tôi suốt những tháng năm tuổi trẻ bất bạt, bươn chải với đời. Phần khác, đất nông nghiệp ngày một thu gọn cộng theo bao biến đổi của thời tiết, của lòng người, những ruộng khoai xanh mướt mất dần. Món khoai ngào vì thế cũng trở thành món ăn xa xỉ ngay giữa làng quê. Đôi khi tôi hồ nghi bà bán khoai ngào bên hè phố cũng chẳng vì một lẽ mưu sinh! Không dưng một dáng dấp quê mùa, nụ cười chân thật đến mức cũ kỹ lại níu chân bao người áo váy lượt là ngược xuôi trên đường phố. Ngẫm lại, thị thành cũng bao dung, hoặc giả phố như người đến sau ngậm ngùi nhìn chúng tôi đon đả mở lòng khi bắt gặp ký ức cũ mèm bên hè phố.

Tôi dõi theo tiếng rồ ga xe của Thúy, một làn khói mỏng theo xe chen ngang giữa muôn vàn xe cộ lúc phố tan tầm. Bà bán khoai ngào buổi xế vẫn giữ nguyên tư thế ngồi chồm hổm bên mé đường, bất chợt nở nụ cười khi bắt gặp ánh mắt của tôi lừng khừng dừng lại nơi nồi khoai vơi: “Ăn khoai không con?”. Trong giọng nói của bà nghe như tiếng mẹ giữa chiều quê êm ả, mùi khói lẫn vào đám đọt chuối sau hè ngai ngái, cay mắt.

Ấu thơ, ấy là lúc những đứa con ham chơi biết để tìm về. Có lẽ cả tôi, Thúy và nhiều bạn bè đồng trang lứa khác không quên những bữa cơm hấp độn sắn, khoai. Nếu ai hỏi, khoai có ngon không, hẳn nhiều người ở thế hệ chúng tôi sẽ chọn câu trả lời: Khoai không ngon nhưng nhớ lắm món khoai ngào mẹ nấu, nhất là những hôm phố trở heo may!

Phan Vĩnh Yên
 

;
;
.
.
.
.
.