Trên một tảng đá to sát bờ sông Thu Bồn thuộc thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có khắc hai dòng chữ lạ được các nhà khảo cổ khám phá và cho rằng những ký tự ấy là của người Chăm xuất hiện cách đây chừng 1.600 năm. Các nhà khảo cổ cũng khẳng định từ những văn tự trên đá ấy, các đền đài Chăm mới lần lượt xuất hiện và tục thờ cúng vị thần tối cao Shiva mới bắt đầu.
Bản đồ vị trí văn tự cổ Chămpa chụp ở Chiêm Sơn trong sách do EFEO xuất bản. |
Dấu tích của ngàn xưa
Tôi cùng với ông Lê Sĩ Nghĩa ở tổ 1, thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đưa tay vạch các lùm cây, lau lách rậm rạp để ra sát mé sông Thu Bồn tìm kiếm một di vật cổ xưa. Đến gần bờ sông, chỉ thấy toàn cây dại hoang vu um tùm, một vỉa đá màu xám được các con sóng xô liếm sạch sẽ còn phần bên trên thì bị đất chôn lấp, không nhận biết điều gì. Ông Nghĩa lặng lẽ ngồi xuống rồi nói với tôi: “Đúng vị trí này rồi. Chỗ ni có một tảng đá lớn trải từ trên đồi kia xuống tận bờ sông. Ngay chỗ tôi ngồi đây ở bên dưới tảng đá, có hai hàng chữ “con giun” nghe đồn là do người Chăm khắc trổ. Mũi của tảng đá ni lộ ra ở mép nước kia kìa”.
Nhà của ông Nghĩa cách tảng đá này chừng 50 mét. Ngày trước ông thường ra bến sông này tắm nên biết rất rõ và bây giờ vẫn tưởng tượng được hình ảnh nguyên vẹn của miếng đá trải rất to, có khắc chữ, bởi hiện tại tảng đá đang bị đất vùi lấp, tuy không sâu, song phải gạt ủi hết lớp đất bên trên ra mới có thể thấy được chữ. Ông Nghĩa còn cho biết trước đây cũng có vài ba nhóm người, trong đó có cả những người nước ngoài chạy xe du lịch tới nhờ ông dẫn chỉ vị trí tảng đá có chữ ngoằn ngoèo này. Có lần họ thuê ông đào bới lớp đất trên, múc nước xối rửa sạch sẽ mới lộ rõ hai dòng chữ để họ quay phim, chụp ảnh. Sau đợt này ông không thấy ai quay lại nữa và đất từ bên trên lại tiếp tục sạt lở xuống lấp kín mặt đá.
Bí ẩn được giải mã
Anh Đặng Văn Minh, Phó phòng Văn hóa và Thông tin (VH-TT) huyện Duy Xuyên cho biết, năm 2008, khi anh còn công tác tại Khu di tích thánh địa Mỹ Sơn thì tiến sĩ thần học Ấn Độ Sahahay cùng với cán bộ Đại sứ quán Ấn Độ đến khảo sát, nghiên cứu tảng đá có chữ này, qua đó họ khẳng định những ký tự được chạm khắc trên tảng đá là vào niên đại cuối thế kỷ thứ IV. Văn tự được chạm theo kiểu chữ Sancrit cổ (tiếng Phạn cổ). Thứ chữ này khác với chữ Chăm ngày nay. Cũng theo anh Minh, năm 2015, các nhà khảo cổ của Trung tâm nghiên cứu Viện Viễn Đông Bác cổ (viết tắt là EFEO) tại Việt Nam đã đến đây xem xét, đối chiếu với những tư liệu mà họ đã có trước đây về những ký tự trên tảng đá bởi theo họ thì những năm đầu của thế kỷ XX, các học giả của Viện Viễn Đông Bác cổ cũng đã đến đây khảo cổ rồi chứ không phải chỉ có ngày nay. Hai dòng văn tự trên đá cách nhau chừng 11cm, mỗi dòng dài 80cm với một số mẫu tự khác nhau.
Đây là chứng tích được khắc theo lệnh của vị vua Chăm Bhadrarman I vào thế kỷ thứ IV, khởi đầu cho việc đặt nền móng xây dựng các đền thờ Chămpa tại khu vực phía nam sông Thu Bồn và thánh địa Mỹ Sơn. Sách Etudes epsignaphi ques Sur la pays Cham do EFEO xuất bản năm 1975 sưu tầm các bài viết của Louis Finot và một số tác giả đầu thế kỷ XX, tại trang 186, bài viết của Finot về văn tự trên đá ở Chiêm Sơn có đoạn: “Dòng chữ này được khắc trên một tảng đá gọi là Hon-cuc (ngày nay còn gọi là Hòn Cụp- Cụp Chiêm Sơn-NV) ở bờ sông Thu-Bong, trên đất của làng Chim-Son, huyện Duy-Xuyên, tỉnh Quảng-Nam, khoảng 28 cây số nam tây nam Tourane. Các chữ cỡ lớn và khắc sâu như trên tảng đá Cho-dinh (Phú Yên-NV). Ở Cho-dinh cỡ 6cm, ở Hon-cuc 11cm…”. Nội dung của hai dòng chữ này được các nhà khảo cổ dịch với đại ý là “Phụng cúng ngài Shiva, tất cả phải thần phục” hoặc “Chúc tụng đấng cao cả, xin cúi đầu”.
Theo đánh giá của một số người dân địa phương cũng như ông Lê Sĩ Nghĩa, hiện tại tảng đá có khắc chữ này đã xuất hiện một số vết nứt, các dòng chữ bị bào mòn theo thời gian, nhưng do các đường rãnh được khắc khá sâu nên mặt chữ vẫn còn nhìn rất rõ. Qua quan sát của chúng tôi, vị trí văn tự cổ trên tảng đá trải rất gần với mép sông. Vào các mùa mưa lụt hằng năm nước dâng cao chắc chắn sẽ ngập toàn bộ phần mũi đá có chữ này và yếu tố thiên nhiên cứ lặp đi lặp lại qua hàng ngàn năm thì không tránh khỏi sự mai một, biến dạng phần nào chứ không dễ gì xóa mất hẳn nếu không có sự tác động bàn tay của con người. Theo ông Nghĩa, việc cào lớp đất che phủ không mấy khó khăn vì lớp đất này cũng rất mỏng, lại pha cát. Ngành VH-TT huyện Duy Xuyên cũng đã lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xếp hạng di tích nhưng đến nay vẫn chưa có động thái gì.
Các văn tự cổ trên tảng đá ở Chiêm Sơn là chứng tích quý hiếm của người Chăm xưa, rất cần các nhà khảo cổ trong và ngoài nước tiếp tục khai thác sâu thêm về nền văn hóa, lịch sử Chămpa. Tấm đá có văn tự cổ này tọa lạc cách đường ĐT 610 (nay là quốc lộ 14H) chừng 40 mét, tuyến du lịch về đền tháp Mỹ Sơn và thượng nguồn sông Thu. Đây là di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa, vì vậy các đơn vị chức năng cần triển khai các biện pháp khoanh vùng bảo vệ, gìn giữ tảng đá để du khách trong chuỗi tham quan Trà Kiệu-Mỹ Sơn có điều kiện chiêm nghiệm, nghiên cứu, giải mã thêm những điều bí ẩn còn chôn vùi trong tảng đá ấy.
THÁI KIỀU VY