Ở Rome, nước Ý, bất cứ ai đang tìm mua một bức tranh hoặc bản vẽ đều tìm đến phòng trưng bày tranh nổi tiếng Pannini Gallery. Hẳn nhiên người mua tác phẩm đều mong muốn có được bức tranh của các họa sĩ như Brueghel hay Van Dyck, bản gốc. Và nếu sau khi họ mang tác phẩm nghệ thuật đó về nhà hoặc bán nó cho một phòng trưng bày hoặc một bảo tàng nào khác, thì hóa ra đó là đồ giả, đồ nhái, do khi mua họ đã không nhận ra sự giả mạo.
Họa sĩ Eric Hebborn. |
Trước đây, tổ chức International Arts & Artists - Nghệ thuật và Nghệ sĩ Quốc tế đã tổ chức một cuộc triển lãm trưng bày các tranh giả mạo và tranh nhái của 5 họa sĩ nổi tiếng trên lĩnh vực này, gồm có: Han van Meegeren, Elmyr de Hory, Eric Hebborn, John Myatt và Mark Landis.
Trong số đó, Eric Hebborn, người qua đời năm 1996, được coi là giả tranh nghệ thuật vĩ đại nhất thời hiện đại. Theo ước tính của giới chuyên môn, lúc sinh thời, Eric Hebborn đã tạo ra hơn 1.000 bức tranh giả mạo. Trong bộ phim tài liệu năm 1991 của BBC «Portrait of a Master Forger» (Chân dung bậc thầy về tranh giả), Eric Hebborn nói: “Tôi không phải là một kẻ gian, tôi chỉ làm những gì nhiều người khác luôn làm trong lịch sử nghệ thuật thế giới”.
Bìa sách “Nghệ thuật giả tranh” của Eric Hebborn. |
Hebborn sống ở Ý hơn 30 năm, trong một căn hộ trên gác xép ở Trastevere. Eric Hebborn được đào tạo để trở thành một họa sĩ và nhà phục chế nghệ thuật, chuyên môn của anh ta là sao chép hoặc mô phỏng tác phẩm của những người vĩ đại như Piranesi, Picasso, Gainsborough và Van Dyck.
Các tác phẩm giả và nhái của Eric Hebborn thành công đến nỗi hàng trăm tác phẩm được đưa vào các phòng trưng bày công cộng, các bộ sưu tập nghệ thuật tư nhân và chúng được xếp vào hạng Old Masters (Nghệ sĩ bậc thầy), thường đánh lừa các chuyên gia thế giới. Ông tuyên bố rằng tác phẩm của ông đã được đưa vào Bảo tàng Anh ở London; Bảo tàng Metropolitan, New York và Phòng trưng bày Quốc gia, ở Washington, Mỹ.
Mark Landis (họa sĩ vẽ tranh giả, người Mỹ, sinh năm 1955), tác phẩm Không đề, màu nước trên giấy, theo phong cách của Paul Signac (Pháp, 1863-1935). Tài sản của Bảo tàng Nghệ thuật Thành phố Oklahoma. |
Ngay cả sau khi bị vạch mặt vào năm 1979, Hebborn vẫn tiếp tục “làm ăn” được với việc xuất bản 2 cuốn sách: tự truyện, kinh nghiệm vẽ tranh giả: Drawn to Trouble: Confession of a Master Forger (Lời thú tội của người vẽ tranh giả) và The Art Forrger’s handbook (Sổ tay của người làm giả tác phẩm nghệ thuật).
Sách của Eric Hebborn chia sẻ kinh nghiệm và những bí mật của nghề khi anh tiết lộ những kỹ thuật sử dụng để giả mạo tranh hoặc nhái bản vẽ; trao đổi về kỹ thuật, các loại mực, giấy, bút, và màu sắc của các nghệ sĩ vĩ đại trong quá khứ và cung cấp lời khuyên cho các chuyên gia và nhà sưu tập về sự thận trọng và cách nhận biết tác phẩm nghệ thuật giả.
“Đôi khi tác phẩm của anh ấy đẹp hơn bản gốc - Roberto Conforti, người đứng đầu văn phòng cảnh sát Ý chịu trách nhiệm về di sản nghệ thuật của quốc gia, nói - Anh ấy không bao giờ gây cho chúng tôi bất kỳ rắc rối nào. Anh ấy thường nói: Người khác vẽ thiên nhiên, tôi vẽ nghệ thuật”.
Elmyr de Hory, Odalisque, 1974, sơn dầu trên vải, theo phong cách của Henri Matisse (Pháp, 1869-1954). Bộ sưu tập của Mark Forgy. |
Cảnh sát Ý đã mở một cuộc điều tra về cái chết bí ẩn của Eric Hebborn. Khi đó, Hebborn, 61 tuổi, được tìm thấy nằm trên mặt đất với hộp sọ bị nứt sau một buổi tối uống rượu với bạn bè gần nhà ở quận Trastevere ở trung tâm Rome. Cảnh sát cho biết họ vẫn chưa chắc liệu Hebborn tự ngã hay anh bị tấn công. Họ đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi trước khi quyết định có mở một cuộc điều tra: Chết hay bị giết.
Cái chết của Hebborn là một bí ẩn. Nhưng bây giờ, các nhà làm phim thực hiện một bộ phim ngắn gồm 8 phần về cuộc đời anh ta, nói rằng họ có bằng chứng: Hebborn có làm việc cho mafia trong nhiều năm, và cái chết đến từ công việc đó.
HOÀNG ĐẶNG (theo CNN)