Đường về bớt trĩu nặng

.

Gần 8 giờ sáng ngày chủ nhật, khu vực tiếp nhận, giải quyết hồ sơ xin thăm nuôi tại Trại tạm giam Hòa Sơn, Công an thành phố Đà Nẵng bắt đầu đông đúc. Mọi người tay xách nách mang đủ thứ đồ ăn, nước uống, bánh, trái cây các loại. Người đứng, kẻ ngồi tỏ vẻ nóng ruột nhìn vào phía trong cánh cửa trại giam, nơi một lát nữa đây sẽ thấp thoáng hình dáng quen thuộc của con cháu, hoặc chồng/vợ của mình…

Người thân có thể ký gửi tiền mua thêm thức ăn hằng ngày cho can, phạm nhân tại Trại tạm giam Hòa Sơn. Ảnh: T.Y
Người thân có thể ký gửi tiền mua thêm thức ăn hằng ngày cho can, phạm nhân tại Trại tạm giam Hòa Sơn. Ảnh: T.Y

1. Ngồi lặng lẽ nơi ghế đá, bà T.T.L (tổ 9, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) thỉnh thoảng lại thở dài, đôi bàn tay luôn nắm chặt như không muốn lộ ra vẻ lúng túng với những người cùng cảnh ngộ xung quanh. Cứ mươi phút, bà lại đứng lên đi về phía giám thị trại giam, hỏi “Gần đến giờ chưa cán bộ ơi?” rồi thất thểu đi ngược về chỗ ngồi.

Trong túi quà mang cho cậu con trai T.T.Ph (1983), đang thụ án 12 tháng vì hành vi “gá bạc”, bà L. bỏ một vài gói cà-phê, nải chuối, ít gói bánh và mấy lốc sữa. Trong buổi thăm con hôm nay, bà cũng không quên mang theo một ít mỳ Quảng tự tay mình đã nấu và lặt rửa từng cọng rau sống. Dù con hư, nhưng với tấm lòng của một người mẹ, bà L. đâu thể ngoảnh mặt làm ngơ để con trượt dài trên con đường phạm pháp.

Bà L. thở dài, cho biết vài năm trước khi nghe con trai bàn chuyện mở quán cà-phê, bà mừng ra mặt, nghĩ con mình đã biết tu chí làm ăn, lo lắng kinh tế trong gia đình. Nằm khuất sau lũy tre xanh, quán G. có không gian mát mẻ, mặt hướng ra đồng, nhiều khi trở thành nơi để khách nghỉ ngơi, thư giãn qua trưa. Thế rồi có một thời gian, bà để ý thấy có một nhóm “khách ruột” thường xuyên tìm đến quán chơi trò xóc đĩa, hỏi con trai thì Ph. bảo mình chỉ cho họ mượn quán để chơi, không có gì đáng ngại.

Còn bà L., với bản chất nông dân, không nhận ra đó là hành vi phạm pháp. Mãi đến một chiều gần giữa tháng 7-2018, trời Đà Nẵng mưa nặng hạt, xe cảnh sát ập tới đọc lệnh khám xét, bắt quả tang 18 người liên quan đến hành vi đánh bạc dưới hình thức xóc đĩa. Là chủ quán cà-phê, con trai bà can tội “gá bạc”, nghĩa là cho người khác mượn địa điểm tổ chức đánh bạc, đồng thời nộp tiền xâu (tiền thuê địa điểm đánh bạc) cho Ph. trung bình mỗi ngày khoảng 650.000 đồng. Với hành vi này, Ph. bị xử phạt gần 2 năm tù giam và đang thụ án gần một năm qua.

Từ ngày Ph. bị bắt, đều đặn mỗi tháng bà L. đến trại tạm giam thăm hỏi, căn dặn, động viên con cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình. “Tôi chỉ trông con nó biết hối lỗi và về xây dựng lại quán xá, làm ăn đàng hoàng để lo cho vợ con, không mắc phải sai lầm như trước”, bà L. chia sẻ.

Ở bàn bên cạnh, chị N. ngồi ôm cô con gái nhỏ hơn 2 tuổi đến trại thăm chồng, thăm cha. Trong lúc chờ đợi, cô bé cứ ngửa mặt lên nhìn mẹ, lặp đi lặp lại câu hỏi chưa tròn vành: “Ba đâu rồi mẹ?”. Người mẹ, thay vì trả lời câu hỏi của con gái, đã thay bằng câu hỏi khác: “Thế con có nhớ ba không?”. Ngay lập tức, cô bé gật gật rồi dụi đầu vào ngực mẹ. Ở giữa nơi những người lớn đang nóng ruột chờ gặp cháu con, chồng/vợ thì những bước đi lẫm chẫm cùng nụ cười thoải mái của cô bé khiến ai cũng nheo mắt cười theo.

Sau gần 30 phút chờ đợi, cả bà L. và chị N. được gặp người thân. Chồng chị N., anh L.Đ.V sinh năm 1992, quê Quảng Trị (thời điểm bị bắt đang trú tại phường Tân Chính, quận Thanh Khê) tỏ vẻ vui mừng khi được bồng cô con gái vào lòng, hít hà vào má vào tóc và hỏi han, trò chuyện cùng con. Ngày anh V. bị bắt, cô con gái chỉ vừa chào đời mấy tháng. Thương con vừa chào đời đã thiếu hơi ba, nhiều hôm trong trại tạm giam, anh đã bật khóc vì buồn và ân hận.

Theo hồ sơ phạm nhân đang lưu giữ tại Trại tạm giam Hòa Sơn, L.Đ.V nằm trong đường dây cá độ bóng đá qua mạng hơn 7 tỷ đồng do các đối tượng Nguyễn Văn Phương (1982), Lê Nguyễn Bá Thịnh (1989) cùng trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu cầm đầu. Với hành vi này, V. bị kết án 24 tháng tù giam.

2. Anh N.Đ.N (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) là một phạm nhân đang thụ án tại Trại tạm giam Hòa Sơn. Vào tù vì can tội cố ý gây thương tích, anh bảo mình từng trải qua những tháng ngày cô đơn, lạnh lẽo khi không được nghe thấy giọng nói, tiếng cười của vợ con. Anh N. thật thà bảo ngày còn ở nhà, thỉnh thoảng vợ chồng có cãi nhau nhưng giờ khi xa, không thể muốn về thì về, N. mới thấy nhớ, thấy nuối tiếc những ngày tháng chia xa.

Cách đây chừng nửa tháng, sau thời gian cải tạo tốt, anh N. và vợ được trại tạo điều kiện để gặp riêng tại “phòng hạnh phúc”. Căn phòng nhỏ chỉ có một chiếc giường, hai cái gối, một tấm chăn mỏng nhưng thật sự ấm áp với đôi vợ chồng. Khi được hỏi về lần gặp ấy, anh N. cứ cười bẽn lẽn rồi thoái thoác: “Có chi mô mà kể. Vợ chồng gặp nhau thì tranh thủ nói chuyện, dặn dò, chia sẻ những khát khao thầm kín. Thật tình tôi đâu có biết đang ở tù mà vẫn có thể gần vợ nên vui và hạnh phúc lắm. Vợ chồng có cách trở mới thấy mỗi lần gặp là một lần quý giá, tôi sẽ trân trọng những phút giây ấy, quyết tâm cải tạo tốt để sớm về với gia đình”.

Thượng tá Trần Ngọc Hồng, Phó Giám thị Trại tạm giam Hòa Sơn cho biết hiện trại có 5 “phòng hạnh phúc”, thứ bảy mỗi tháng tạo điều kiện cho gần 15 cặp đôi gặp gỡ riêng tư. Mỗi gia đình sẽ có khoảng thời gian từ 9 giờ 30 phút đến 16 giờ cùng ngày để gần nhau. Đây được xem là một chính sách đầy tính nhân văn dành cho các phạm nhân đang thụ án trong các trại giam và gia đình họ. Nhiều năm công tác tại Trại tạm giam Hòa Sơn, Thượng tá Trần Ngọc Hồng nói rằng “phòng hạnh phúc” không chỉ dành cho vợ chồng mà còn là nơi để con gặp cha, mẹ gặp con hoặc nơi gia đình cùng nhau bàn chuyện cưới xin của con cái…

3. Trại tạm giam Hòa Sơn hiện có gần 800 can, phạm nhân đang bị tạm giam, tạm giữ; trong đó có 78 phạm nhân đang chấp hành án. Trung bình mỗi dịp thứ bảy, chủ nhật, trại tiếp nhận khoảng 20 đơn xin gặp phạm nhân của vợ/chồng hoặc người thân. Ngoài ra, mỗi tháng, người thân có thêm 2 lần gửi quà cho các can, phạm nhân. Mỗi món quà mang tới, đều được cán bộ trại giám sát chặt chẽ để tránh ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trong khu vực trại giam.

Đại tá Lê Tấn Hùng, Giám thị Trại tạm giam Hòa Sơn cho biết, từ ngày 20-5-2019, trại tạm giam chỉ tiếp nhận không quá 0,5kg thực phẩm nói chung của thân nhân can, phạm nhân mang đến gửi, nhằm bảo đảm can, phạm nhân ăn hết trong ngày, tránh để lâu dẫn đến ôi, thiêu, ngộ độc thực phẩm. Để đáp ứng nhu cầu của can, phạm nhân, trại đã tổ chức căng-tin bán tất cả các loại hàng hóa, giá cả đúng với giá thị trường. Đồng thời, vài tháng nay, trại tạm giam cũng đã tổ chức nấu nướng và bán đồ ăn nấu chín để phục vụ nhu cầu dinh dưỡng của can, phạm nhân.

Can, phạm nhân đang được giam giữ tại trại được sử dụng tiền gửi lưu ký để mua các loại sản phẩm hàng hóa, đồ dùng cá nhân và thức ăn nấu chín. Theo Đại tá Hùng, quy định này nhằm giảm thiểu tình trạng một số can, phạm nhân bị ngộ độc thức ăn bởi sử dụng thực phẩm quá hạn do gia đình gửi vào. Ngoài ra, có một số trường hợp, quà của thân nhân mang đến gửi vào trại có giấu đồ vật cấm như điện thoại, các chất kích thích, đồ vật kim loại gây mất an toàn cho can, phạm nhân và an ninh trật tự tại khu vực trại giam.

Ở khu vực thăm nuôi thuộc Trại tạm giam Hòa Sơn, chúng tôi gặp chị T.H.T (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) dẫn hai con nhỏ vào thăm chồng. Hai đứa con đang ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, trên nét mặt luôn phảng phất niềm vui sắp được gặp ba. Chị T. chia sẻ, chồng chị vào tù hơn một năm nay vì tội cố ý gây thương tích cho người khác. Từ đó mỗi tháng chị đều sắp xếp một ngày cuối tuần đưa hai con lên thăm chồng, mang theo cà-phê, bánh kẹo để anh có thể dùng dần trong tháng.

Chị T. tâm sự, lần nào đi gặp chồng, chị cũng thấy hồi hộp và lo lắng không biết anh ăn uống, sinh hoạt trong tù thế nào. Từ đêm hôm trước, chị đã tỉ mẩn đặt vào giỏ xách những thứ cần mang lên cho chồng. “Chồng đi trại hơn một năm, tôi luôn được cán bộ quản giáo tạo điều kiện để gặp chồng nhưng lần nào cũng mong ngóng, cũng hồi hộp. Ngày mới vào trại, anh ốm và suy sụp lắm, tôi và các con phải động viên mãi để anh yên tâm cải tạo, sớm về với gia đình”, chị T. nói.

Trò chuyện với một số can, phạm nhân tại Trại tạm giam Hòa Sơn, chúng tôi cảm nhận một nỗi e dè, lo lắng lẫn mừng vui của họ trong những lần được giải quyết thăm, gặp người thân. Dường như với họ, việc người thân thường xuyên thăm nuôi đã giúp họ bình tâm và an vui hơn trong những tháng ngày cải tạo, để lúc mãn hạn tù, trở về với đời thường lòng đỡ trĩu nặng hơn. Như lời chia sẻ của chị T., rằng lần đầu tiên gặp chồng ở trại, anh luôn cúi gằm mặt, không dám ngước lên nhìn chị, miệng chỉ lí nhí ba từ “xin lỗi vợ”.

Những lần sau, khi nào đi chị cũng dẫn hai con đi cùng và chính hai con là người động viên ba nhiều nhất, chúng tranh nhau kể chuyện trường lớp, chuyện ở nhà rồi nhắc ba cải tạo tốt để sớm trở về với tụi nó. “Tôi luôn nghĩ, con người sẽ luôn có những sai lầm, lần đi này của anh là sự trả giá khá đắt cho những phút nóng giận không làm chủ được bản thân, gây thương tích cho người khác. Nhưng dù anh có thế nào thì vẫn là chồng, là cha của hai đứa con tôi nên tôi sẽ chờ anh về để tiếp tục xây dựng, ổn định cuộc sống”, chị T. bày tỏ.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.