Trung Quốc đã và đang nỗ lực kiểm soát nguồn nước ở châu Á khiến tình trạng hạn hán ngày càng tồi tệ hơn, kế sinh nhai ngày càng khó khăn hơn đối với nhiều nước trong khu vực. Tờ báo Nikkei Asia Review kêu gọi Trung Quốc xem lại chính sách này bởi những con đập đang gây ra căng thẳng ở châu lục.
Đập Tam Hiệp. Ảnh: Internet |
Trung Quốc là trung tâm bản đồ nước châu Á
Châu Á là lục địa khô hạn nhất thế giới tính theo tỷ lệ đầu người (30% trên tổng số 4,5 tỷ người chịu cảnh khát nước) nhưng các nước trong châu lục này vẫn không ngừng xây dựng thủy điện. Một nửa trong số 50.000 con đập lớn trên toàn thế giới nằm ở châu Á. Sự “hăng say” xây dựng thủy điện càng lúc càng làm rõ hơn những tranh chấp cục bộ hay quốc tế về tài nguyên của các con sông và cả tầng nước ngầm chung. Kết quả là không có châu lục nào mà những con đập có vai trò địa chính trị âm thầm lớn như ở châu Á!
Các quốc gia ở châu Á không thể xây dựng được quy chế quản lý nguồn nước hài hòa để chia sẻ, giải quyết tranh chấp khi xảy ra nếu thiếu Trung Quốc bởi quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nắm thế chủ động về các nguồn nước chung ở châu lục. Có thể nói Trung Quốc là trung tâm bản đồ nước của châu Á nhờ cao nguyên Tây Tạng có nguồn nước dồi dào và Tân Cương trải dài. Trung Quốc là điểm khởi đầu nguồn nước chảy tới 18 quốc gia ở hạ lưu và đó cũng là quốc gia đóng vai trò đầu sông cho nhiều quốc gia nhất trên thế giới. Hiện nay Trung Quốc sau khi xây dựng xong 11 con đập cực lớn đang làm thêm các đập ở thượng nguồn sông Mekong, bắt nguồn từ Tây Tạng, rào chắn và hệ thống dẫn nước ở vùng biên giới nên tạo được cơ sở hạ tầng thượng nguồn rộng lớn.
Đập Tam Hiệp nằm ở tỉnh Hồ Bắc khởi công vào năm 1994 và đưa vào hoạt động năm 2003 được cho là đập thủy điện lớn nhất thế giới. Đây là kỳ công kiến trúc vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc kể từ sau khi xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Đập thực hiện quá trình chuyển nước liên sông tham vọng nhất trong lịch sử loài người. Nó cũng gây nhiều tranh cãi nhất về thủy điện nhưng không đủ sức… giữ chân lãnh đạo quốc gia này có ý tưởng táo bạo hơn nữa.
Một trong những dự án lớn nữa là con đập nằm ở con sông có độ cao lớn nhất thế giới là Brahmaputra ở Tây Tạng. Dự án này nằm gần biên giới tranh chấp Trung Quốc - Ấn Độ sẽ có công suất phát điện gần gấp đôi so với đập Tam Hiệp và có hồ chứa dài hơn hồ Great Lakes (Ngũ Đại Hồ) nằm ở gần biên giới Mỹ - Canada. Trung Quốc tiếp tục đi đầu về xây dựng loại công trình này, không chỉ xây dựng nhiều, xây dựng công trình cực lớn ở trong nước mà còn đầu tư ở một số nước Đông Nam Á như Lào hay Myanmar.
Hậu quả từ ngăn đập
Mùa hè năm ngoái, mức nước ở dòng sông huyết mạch Đông Nam Á là Mekong có chiều dài 4.880km đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 100 năm qua dù cho mùa gió mùa hàng năm kéo dài từ cuối tháng năm cho tới cuối tháng 9, là thời điểm có lũ lớn trên sông. Rõ ràng, Trung Quốc đang gây thiệt hại cho các dòng sông xuyên qua các quốc gia khác bởi hạn hán xảy ra thường xuyên hơn và ngày càng khốc liệt hơn ở vùng hạ lưu. Nhiều nước chỉ trích các con đập ở thượng nguồn là nguyên nhân chính, còn Trung Quốc thì phủ nhận.
Khát nước chưa phải là hết. Kế sinh nhai cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng vì lượng thủy sản đánh bắt được trên sông Mekong giảm đáng kể. Hồ Tonle Sap ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh của Campuchia nổi tiếng với lượng cá khổng lồ nhưng giờ đây gần như không còn. Ông Nan Sok, 60 tuổi, cho biết giờ đây hồ chỉ còn có nước chứ không còn cá. Một ngư dân lớn tuổi có cuộc sống gắn liền với hồ Tonle Sap cho biết khi ông mới tới đây năm 1979 thì thậm chí thò tay xuống nước đã có thể bắt được cá. Còn bây giờ ông dùng lưới lớn và giăng cả ngày vẫn chẳng có gì.
Trung Quốc hứa hẹn giải phóng nhiều nước hơn cho các quốc gia bị hạn hán. Những lời đề nghị này thấy rõ hơn sự phụ thuộc của các nước hạ lưu dựa vào thiện chí của Trung Quốc, nhất là khi quốc gia này tiếp tục xây dựng đập. Những nhận định tiêu cực về sự khan hiếm nguồn nước là suy thoái môi trường nghiêm trọng hơn, thậm chí là chiến tranh nước nếu như không có con đường hợp tác dựa trên nguyên tắc chia sẻ nước, dữ liệu thủy văn miễn phí… Ngoài ra, các nước còn phải tính tới phương án tiêu thụ nước hiệu quả, tăng sử dụng nước tái chế, khử muối.
Trong lúc các nước phương Tây hủy bỏ dần các đập thủy điện thì châu Á đẩy mạnh xây dựng đập. Các tranh chấp lãnh thổ diễn ra ở Kashmir, thung lũng Ferghana cả về đất lẫn nguồn nước. Nhiều quốc gia đang tranh đua giành quyền kiểm soát nguồn nước dùng chung bằng cách xây đập. Song song đó họ vẫn yêu cầu sự minh bạch và thông tin về các dự án thủy điện của các nước láng giềng!
ANH THƯ tổng hợp