Cùng dạo chơi với "Cánh hoa điền dã"

.

Tập bút ký Cánh hoa điền dã của nhà văn Tần Hoài Dạ Vũ như một cuộc ngoạn du thú vị của tình hoài hương về vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng. Bằng tấm lòng đôn hậu, được soi chiếu dưới nhãn quan của một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, xứ sở “chưa mưa đà thấm” đã ngấm vào giọng văn khi thủ thỉ, lúc thiết tha tình quê, tình người nơi ruộng đồng thôn dã.

 

Có thể nói tập bút ký có những đoạn, những câu đẹp như cánh hoa đồng nội ngậm sương, kết tinh trí tuệ dân gian trong từng câu chữ: “Trong bóng chiều thấp thoáng bên trời, sương mù từ trong núi đá tỏa ra, cộng với hơi khói hơi sương nhẹ tênh, như đang bốc lên từ mặt nước, khiến cảnh vật thêm kỳ ảo, mơ màng. Vất bỏ lại phía sau mọi ưu phiền nhân thế, đắm mình vào lớp sương chiều trên sông Thu trong thời khắc ngày tàn, lòng ta tưởng chừng như được giải thoát, để chiều nay lâng lâng thấy cả người ta tan vào đất trời thanh thoát… ” (Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng). Đọc tập ký, ta gặp lại một Hội An nền nã, thanh bình của những thập niên đầu thế kỷ 20.

Có những dòng chữ uốn lượn mềm mại như sông Hoài mùa nắng thu vàng ươm mật, lại có những áng văn thi vị như một bài thơ trữ tình ngân nga xao xuyến “… bao giờ tôi cũng như nhìn thấy lại hình ảnh của cậu bé tinh nghịch, hiếu động chạy nhảy trên những sân chùa, kéo đôi guốc mộc qua những con phố nhỏ trong đêm trăng xanh lặng lẽ, khi cảm thấy đâu đó mùi hương nhẹ nhàng quyến rũ, vương vấn của loài vong ưu thảo, hay để lòng lắng lại trước một tiếng rao chè muộn màng trong đêm khuya thanh vắng”. Hội An không chỉ có sức hút khó cưỡng đối với những người con xa quê, mà còn vẫy gọi những cư dân đang sinh sống ngay tại xứ Chùa Cầu “luôn quay về với bầu không khí văn hóa đặc thù của Hội An”. Sự trở về đó là hành trình tìm lại bản ngã của chính mình.

Quả thật, bút lực của tập ký không chỉ neo lại giữa vốn tri thức phong phú về đời sống, những hiểu biết về tập tục thuần phác mà tốt lành của vùng đất Quảng - Đà, mà còn bởi chiều sâu tư tưởng.

Những câu văn với mạch cảm xúc liền lạc, tuôn chảy róc rách như sông nước reo ca, qua từng khúc quanh của hồi ức thanh lành. Với hồ Phú Ninh - nơi sơn thủy hữu tình, bạn sẽ bắt gặp ngay mạch văn dào dạt và cú pháp phức hợp trùng điệp, mà không khiến người đọc mệt mỏi hay rối mắt khi đọc; ngược lại, nhãn quan như được vén mây thấy non nước tuyệt vời: “Phải đi thuyền trên khắp mặt hồ, phải ghé vào những đảo Khỉ, đảo Cò… phải tận hưởng cái thanh bình của hồ Phú Ninh khi nắng chiều vàng thắm cứ nhạt dần, cả một thiên nhiên thơ mộng hùng vĩ như chìm dần, chìm dần vào hoàng hôn, khi cả một thế giới thanh bình của đất, của nước, của rừng, của trời mây chìm vào im lặng, mới thấy hết, mới cảm nhận hết cái diệu kỳ của non nước Phú Ninh”.

Chất thơ trong ngôn ngữ của Cánh hoa điền dã không chỉ óng chuốt khi tả cảnh thiên nhiên, mà cả trong những bài viết đậm tính lịch sử - địa lý. Bàn về danh xưng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan - Hải Vân Quan”, bạn đọc hẳn sẽ cảm nhận chất trữ tình kết hợp văn phong chính luận làm nên bề dày trong truyền thống lịch sử, không gian đa chiều khi mở rộng biên độ địa lý, kết hợp với chiều sâu văn hóa của địa danh nối liền hai dải đất thiêng Huế - Đà Nẵng, mới thấm hết chiều dài trải nghiệm thực tiễn của nhà nghiên cứu Văn nghệ xứ Quảng, qua những truyền thuyết dân gian hấp dẫn. “Khi vua Lê Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành vào năm 1471, lần đầu tiên tới núi Hải Vân đã cho đoàn tùy tùng và quân lính dừng lại nghỉ đêm ở chân núi phía Bắc.

Đêm ấy, vua nằm mộng thấy thần nữ núi Hải Vân hiện ra báo mộng rằng, nhà vua phải vượt qua ngọn núi cao mây phủ này để tiến quân vào Nam, và sẽ chiến thắng vang dội trong cuộc Nam chinh. Sáng hôm sau, vua nhớ lời nữ thần núi Hải Vân, nên cho bày hương án vái tạ... Sau khi chiến thắng Chiêm Thành trở về, cảm cái ơn báo mộng của nữ thần, vua mới gọi cửa ải mình cho thiết lập trên núi Hải Vân là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”... Đến thời vua Minh Mạng, mới được cho khắc trên cửa ải phía nam của Hải Vân quan”.

Và đây nữa, tiếng trống đình ngày xuân đang về “gắn với không khí náo nức” rộn ràng của hội làng. Còn ai nhớ tiếc tiếng trống thôi thúc của những lễ hội ngày xuân, mà phần “hội” bao giờ cũng náo nức hơn phần lễ: “Tai nghe trống chiến, trống chầu/ Xếp ba miếng kẹo đậu phụng lộn đầu lộn đuôi” (Tiếng trống đình, ngày xuân). Trống chầu là tiếng trống hát bội (tuồng cổ) mà người dân xứ Quảng - Đà xưa, từ trẻ đến già, đều bị lôi cuốn, lòng dạ bồn chồn khó cưỡng. Đấy là nét đẹp văn hóa Quảng Nam mà “người hoài cổ” (như tác giả tự nhận) luôn khắc khoải hướng về và trao gửi bạn đọc tình quê nhà sâu nặng.

Nỗi u hoài cân phân, đằm thắm kia mời gọi người đọc chọn lối đi giữa quá khứ và hiện tại; giữa hôm qua và hôm nay, để cùng bước tới. Chúng ta – tôi, bạn và tác giả, đều đang trên con đường tìm kiếm bản thể của mình, để minh định về cái đẹp giữa cuộc đời này. Đó là chuyến hành hương “điền dã” trở về nguồn cội, nhằm tìm lại “cánh hoa” ta vô tình đánh rơi dọc đường trần.

NGUYỄN H. THOẠI VY

 

;
;
.
.
.
.
.