Ký ức những mùa bão

.

Không biết cây khế chua ở nhà ra sao? Bạn nói với cái giọng lo lắng làm lòng tôi cũng bồn chồn, lo lắng theo. Tuổi thơ của bạn và tôi lớn lên ở miền Trung, nơi quanh năm thiên tai khắc nghiệt. Mùa hạ nắng nung, bỏng rát; mùa đông rét cắt da cắt thịt.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chưa hết, bão lụt lại rất hay ghé thăm. “Vị khách” đó không mời mà đến, mỗi năm chừng trên dưới chục lần làm ai cũng sợ. Hồi còn nhỏ, tôi và bạn hồn nhiên như những chú sẻ đồng lích chích nhặt từng sợi nắng trên tàu cau, chưa biết sợ bão là gì. Nhưng bố mẹ thì sợ. Dân làng sợ. Tôi nhận ra sự lo lắng đến hoảng hốt trên khuôn mặt của họ khi nghe tin bão chuẩn bị về.

Cả làng lúc ấy nghèo lắm. Không có ti-vi, mọi tin tức phụ thuộc vào chiếc đài bán dẫn, âm thanh rè rè lúc nghe được lúc không. Nhưng có cũng còn hơn không. Người lớn chạy ầm ầm, kháo nhau bão về, sau khi tới nhà ông Quý có đài bán dẫn. Công việc chạy bão bắt đầu.

Bạn chép miệng nhớ về những năm bão xa xưa ấy. Tiếc ơi là tiếc cây khế chua đứng cạnh nhà, rất sai quả. Bố bạn phải chặt đi trước khi bão vào. Không còn cách nào khác, bố bạn phải đốn gần như trụi hết. Bạn rơm rớm nước mắt. Cây khế chua là người bạn tuổi thơ, là nơi bạn trèo hái mỗi trưa và mỗi chiều. Là nơi bạn gửi vui buồn trong câu đồng dao ngây ngô, chắp nối. Xử lý xong cây khế. Bố bạn lợp lại chuồng gà, chèn gạch đá xung quanh, che chắn. Mẹ bạn lọ mọ làm vừng lạc, rang cá khô. Bão về đồng nghĩa với mưa lớn. Chợ búa sẽ không họp. Mà nếu có họp cũng không thể đi được. Người người, nhà nhà trữ lương thực.

Trước khi bão đến, thời gian như gấp gáp. Tôi tưởng tượng rằng người lớn cần nhiều thời gian gấp đôi, thậm chí gấp ba hơn thế vì loáng cái trời đã tối sầm và bão đã cận kề rồi. Người nói bão cấp 9, người bảo không phải, là cấp 12, rồi cấp to nhất. Rồi cuối cùng nhà tôi cũng xong xuôi việc chuẩn bị. Bữa cơm tối dọn ra, đơn giản như chưa từng đơn giản. Bữa cơm không có canh, chỉ có cơm trắng với muối vừng và một ít cá khô rim mặn. Mẹ tôi còn hối thúc ăn nhanh nhanh kẻo bão về. Tôi ghét bão đến thế cơ chứ. Đến bữa ăn cũng không yên ổn.

Bão về. Cả nhà thức thâu đêm. Mưa sầm sập đổ xuống. Mưa ào ạt. Gió rít tung làm cây cối đổ rạp. Thỉnh thoảng cánh cửa nhà rung bần bật. Có năm bão còn làm ngói bật tung, mưa tràn vào nhà, bố mẹ hốt hoảng, chị gái tôi khóc thút thít vì sợ. Nhưng cảnh tượng hôm mai trời sáng còn ghê gớm hơn. Tất cả từ nhà cửa, vườn tược đều tan hoang, xơ xác. Chẳng còn một vật gì quý giá sót lại. Đàn gà con táo tác tìm mồi. Vườn hoa của hai chị em bạn lụi tàn. Rau lang, bí ngô, cà tím, đậu đũa… vùi dập sau bão. Mấy cây ăn quả trong vườn chưa đến kỳ hái, quả non choẹt rụng rơi lả tả…

Những mùa bão đau thương, là vết xước trong tâm hồn của bạn và tôi. Sau mỗi mùa bão, tôi và bạn vẫn nắm chặt tay nhau đến trường dưới con đường ngổn ngang cây cối, hứa học hành thành tài, về xây dựng quê hương. Nhưng cả hai chúng tôi chỉ là hạt cát bé nhỏ, mơ về ngày ấy thật xa xôi. Cơm áo gạo tiền, những chi phối xung quanh ủ ắp. Tôi, bạn bị trói buộc những ký ức xưa. Mỗi lần nghĩ về lại rưng rưng trong lồng ngực…

Tăng Hoàng Phi

;
;
.
.
.
.
.