Vận dụng và phát triển những quan điểm lý luận của Lê-nin về xây dựng Đảng trong điều kiện đảng cầm quyền, lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế thị trường, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát triển, làm phong phú thêm lý luận về đảng cầm quyền của Lê-nin; bổ sung và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lê-nin về lý luận xây dựng đảng nói chung và đảng cầm quyền nói riêng.
Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày 20-8-2019 tại Hà Nội. |
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quá trình phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Để bảo đảm vai trò lãnh đạo đối với xã hội, Đảng xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ sống còn trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Điều đó đòi hỏi Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn để ngày càng trong sạch, vững mạnh; giữ vững được bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng của một đảng cách mạng chân chính; đặc biệt phải xây dựng được một đội ngũ đảng viên đáp ứng tốt nhất các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Tự đổi mới, tự chỉnh đốn là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng.
Công tác lý luận của Đảng từ Đại hội lần thứ VI (1986) bắt đầu bằng đổi mới nhận thức, đổi mới tư duy, nhất là tư duy về kinh tế, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tìm ra con đường phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Qua đó, bổ sung lý luận Mác-Lê-nin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở một nước nông nghiệp, kinh tế chậm phát triển.
Khi chủ nghĩa xã hội thế giới lâm vào khủng hoảng, mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Đảng đã khẳng định lấy chủ nghĩa Mác-Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Từ đó, nhận thức rõ hơn yêu cầu đối với đảng lãnh đạo, đảng cầm quyền(1). Đảng coi trọng công tác lý luận, chủ trương đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, nhằm tìm lối thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và tìm con đường phát triển của đất nước; xác định nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế thị trường; xây dựng nền văn hóa tiên tiến bản sắc dân tộc.
Trong quá trình đổi mới, Đảng ta coi trọng công tác nghiên cứu lý luận, học tập kinh nghiệm nước ngoài và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn trong nước, từng bước làm sáng tỏ một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội và tìm ra con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Vì vậy, đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (năm 2011), trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng đã bổ sung, phát triển mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, từ đó xác định các phương hướng cơ bản và các mối quan hệ lớn cần giải quyết để phát triển xã hội, phát triển đất nước(2).
Đảng quan tâm đến công tác xây dựng Đảng khi xác định xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, về tổ chức, về đạo đức, lối sống và sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó, xây dựng đội ngũ cán bộ là khâu then chốt.
Từ những thành tựu phát triển của nhân loại và thực tiễn 70 năm xây dựng CNXH của các nước, Đảng ta chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Đảng ta xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm(3).
Đảng chỉ ra tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài nên “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi phức tạp hơn;...”(4); đồng thời chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân sâu xa là sự hạn chế của công tác giáo dục lý luận: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập Chủ nghĩa Mác - Lê-nin chưa đáp ứng yêu cầu”(5).
Là đảng cầm quyền, Đảng không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế thị trường. Đó chính là sự đổi mới hệ thống phương pháp, hình thức, biện pháp, cách thức mà Đảng sử dụng để lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhằm hiện thực hóa cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối, quan điểm trong thực tiễn.
Trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, theo nguyên tắc tập trung dân chủ, Đảng lãnh đạo là phải đề ra chủ trương, đường lối, tuy nhiên trong điều kiện nhà nước pháp quyền, trong lãnh đạo xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng ta coi trọng việc sử dụng và kiểm soát quyền lực Nhà nước. Đảng ta cho rằng, quyền lực Nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công và phối hợp giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong khi đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, Đảng ta cảnh báo, từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ chế, kiểm soát quyền lực Nhà nước, nhằm ngăn chặn những biểu hiện lạm dụng quyền lực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, vì vậy có cơ chế để kiềm chế, ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền lực, tham nhũng, lãng phí. Trong quá trình đổi mới, Đảng coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ được đẩy mạnh hơn. Đảng ta coi đây là nhiệm vụ then chốt trong công tác xây dựng Đảng.
Để bảo đảm và phát huy dân chủ đòi hỏi phải coi trọng vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, Đảng chủ trương tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và xã hội nghề nghiệp; đổi mới công tác dân vận; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và nhân rộng các điển hình tiên tiến từ phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể; nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
PGS. TS Trương Minh Dục
(1) Đinh Thế Huynh - Phùng Hữu Phú - Lê Hữu Nghĩa – Vũ Văn Hiền – Nguyễn Viết Thông (đồng chủ biên), 30 năm đổi mới và phát triển ở Việt Nam, NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. tr. 294.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam 2011, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 67.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thư XI, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.75.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 2016, tr.22.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Sđd. 21.