Không hiểu sao trong bao nhiêu nhớ nhung về những cái Tết, có một điều tôi ít muốn nhớ nhất, đấy là những chuyến xe khách cuối năm. Nó cứ bồn chồn, nao nao thế nào đấy.
Quê tôi ở trên đỉnh trời. Tôi thường tả về cuộc sống của những người quê tôi là “sống trên đỉnh trời”. Đi qua bao nhiêu cái cổng trời mới lên được đấy. Quanh năm với tay là chạm tới mây, bước chân ra cửa là chạm vào đá. Vậy mà đá cũng nảy mầm, ra hoa, kết quả. Đá đẫm mồ hôi nước mắt.
Chuyến xe cuối năm về xuôi. Ảnh: HUY HÀ |
Nhưng yêu thế, thương thế, rồi cuối cùng những cái Tết ập đến, người ta vẫn cuống cuồng thu vén để về xuôi. Quê cha quê mẹ, hương khói tổ tiên, anh em sum họp… Và trên hết, là một nỗi chơi vơi nhớ nhung không gì bù đắp nổi nếu như Tết đến mà không về được.
Chúng tôi thường lên biên giới vào dịp sát Tết.
Chộn rộn bồn chồn nhất là các thầy cô giáo và lính biên phòng. Bao nhiêu năm sống ở biên giới, nhưng cứ đến những ngày cuối năm là ruột gan lại như lửa đốt, thu thu vén vén để về quê. Thầy cô giáo thì được về hết. Cứ học sinh nghỉ Tết thì thầy cô được về. Từ trường xuống huyện xa lắm. May ra thì có xe đoàn nào đi chúc Tết thì đi nhờ, còn không thì cuốc bộ. Từ điểm trường cuốc bộ về trường chính nhận tiêu chuẩn Tết, rồi từ trường chính cuốc bộ ra huyện. Ra đến huyện có khi hết xe về xuôi rồi thì phải ngủ lại ở đâu đó một đêm, sáng hôm sau đi chuyến sớm.
Những chuyến xe Tết luôn đầy ứ người, chòng chành bò trên những cung đường ngoằn ngoèo tay áo. Giữa những ngày giá rét, tứ phía đâu đâu cũng sương mù. Chỉ chục mét phía trước đã không nhìn thấy gì. Xe phải bật đèn vàng và lăn bánh lò dò. Không ai nói với ai câu gì, gà gật, thỉnh thoảng lại cộc đầu đánh cốp một cái vào thành xe.
Núi mơ màng như đang ngủ. Cả ngày không hề có một hạt nắng, cứ u u mơ mơ từ sáng đến tối. Sương mù giăng ướt đẫm những mái nhà, ướt đẫm những hàng rào mà trên đó một con gà đang gật gù nửa ngủ nửa thức, ướt đẫm những cành đào đang trổ hoa khiến chúng trĩu xuống như sắp gãy. Trên cả một chuyến xe năm ấy, hầu hết là giáo viên và lính biên phòng. Lính biên phòng thì được về ít lắm, phần lớn ở lại đồn trực Tết. Hành lý chủ yếu là quà Tết mang về xuôi. Măng khô, nấm hương, mộc nhĩ, mật ong, vài lít rượu ngô. Cả xe tỏa ra một thứ mùi tổng hợp của một cái Tết miền xuôi, da diết những mong ngóng, chờ đợi, da diết những thương yêu.
Chiếc xe vẫn lặng lẽ trôi trong sương mù, chốc chốc lại vấp ổ gà, chốc chốc lại phanh gấp, cả xe lại chúi người về phía trước. Một cô giáo cất tiếng hát nho nhỏ: “Khi gió đồng ngát hương, rợp trời chim én lượn/ Cây nẩy đầy chồi xanh, mây trắng bay yên lành/ Em chợt đến bên anh, dịu dàng như cơn gió nhẹ/ Và lòng anh để ngỏ cho tình em mơn man…”. Giọng cô dịu nhẹ, thanh thoát, đầy sức sống. Cả xe lặng phắc. Dường như mùa xuân đang ùa vào đầy xe, cả những cánh én, cả những nụ hoa đào, cả mùi khói của nồi bánh chưng, cả mùi hương trầm…
Sau này, mỗi khi nghe thấy bài hát ấy, tôi lại nhớ chuyến xe Tết năm nào. Cuộc sống với biết bao nhiêu lo toan, bận rộn, buồn phiền, khó nhọc đã được trút lại phía sau lưng bằng hết. Phía trước chỉ là một cái Tết ấm áp, chỉ là ánh mắt mẹ rưng rưng, chỉ là nụ cười đôn hậu của cha, khi họ đứng bên hàng rào ô rô dẫn vào ngôi nhà nhỏ, chờ đợi con gái quay về...
Cứ mỗi dịp Tết đến là tất cả các thị trấn huyện lỵ đều vắng hoe. Các phiên chợ trước Tết chừng nửa tháng thì tưng bừng rộn rã, càng sát Tết càng vắng. Người xuôi đã về xuôi, chỉ người bản địa ở lại. Đi đâu thì đi, rốt cuộc, cứ đến Tết là người ta lại lũ lượt về xuôi, để lại một vùng đất vắng vẻ, hoang vu, lạnh giá, nhưng luôn bừng nở các loài hoa.
Chúng tôi đi nốt những chuyến công tác cuối cùng trước khi nghỉ Tết. Quê tôi ở đây nên chẳng phải đi về đâu cả, chỉ một chặng xe vài tiếng đồng hồ là từ các huyện có thể trở về nhà. Tôi ngồi lặng yên ở cuối xe và ngắm những chàng trai cô gái phía trước. Mấy đoạn cua nữa là sẽ về đến đường bằng. Từ tỉnh lỵ đi thêm chặng nữa là về đến Hà Nội, lại thêm một chặng nữa sẽ về đến quê. Bên ngoài ô cửa xe trời đất đã bớt mịt mùng, những nếp nhà đã hiện ra sau khi những cơn gió lùa đi đám sương mù.
Khói bếp bay lên, vài con ngỗng dắt nhau băng qua đường miệng kêu kiu kíu.
Quê nhà ở nơi xa tít đó, nhưng có một mảnh đất khác luôn ghim vào lòng những người xa quê, đấy là vùng cao. Càng khắc nghiệt càng khó quên. Càng xa xôi càng thương mến.
Khải Huyền