Xuân về chạm ngõ

Một cành mai sân trước...

.

Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một cành mai
(Mãn Giác Thiền sư)

“Tâm sự” bên cành mai

Trời tháng Chạp thoạt nắng thoạt mưa. Nhân lúc trời hé lên tia nắng sớm, ông Võ Xuân Thụ, 92 tuổi, lọ mọ xem cây mai nhà mình đã nhú thêm được mấy nụ. Ông xuất thân trong một gia đình Nho giáo, cha của ông đỗ Tú tài khoa thi Hương năm Mậu Ngọ (1918), khoa thi Nho học cuối cùng dưới triều Nguyễn. Ông là người con thứ tám trong gia đình gồm 9 anh chị em, tất cả trưởng thành trong vòng lễ giáo tại làng Hòa Mỹ, xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông hiện sống cùng gia đình con trai, anh Võ Huy Thạc, ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng.

Ông Võ Xuân Thụ bên chậu mai nhà trồng.
Ông Võ Xuân Thụ bên chậu mai nhà trồng.

Ngoài cửu tuần, ông giờ tuy không còn minh mẫn, thể lực đã suy giảm nhiều, nhưng hồi ức một thời về nền nếp gia phong mỗi khi Tết đến Xuân về luôn gợi lên trong ông những hoài niệm đẹp đẽ. Ông biết chơi đàn mandolin, thổi sáo,... khi sáng tác thơ văn, ông lấy bút danh Vũ Thọ, một cách nói lái họ và tên của mình. Ông mượn những vần thơ, câu đối, bài vè... để gởi gắm những kỷ niệm vui buồn, phản ánh thế thái nhân tình trong cuộc sống. Rất nhiều bài trong số đó đã được các báo, tạp chí của Trung ương và địa phương chọn đăng.

Anh Võ Huy Thạc nói về cha mình: “Những bài thơ cha tôi để lại là món quà tinh thần vô giá, là những tập hồi ký được chép bằng thơ, chúng tôi sẽ giữ gìn để truyền cho con cháu mai sau. Ông là cầu nối truyền thụ những nét đẹp truyền thống của cha ông đến thế hệ hậu sinh. Chúng tôi luôn học ở ông về nhân cách sống. Nghiêm khắc nhưng đầy khoan dung. Cương quyết nhưng độ lượng, vị tha. Khó tính nhưng rất hài hòa dễ gần. Công tâm và có lòng nhân ái...”.

Thơ văn là niềm đam mê duy nhất của ông. Thời còn sung mãn, năm nào giữa buổi giao thời năm cũ và năm mới ông cũng viết không bài thơ thì câu đối, qua đó bày tỏ ngẫu cảm của mình trước thời khắc thiêng liêng của đất trời. Như bài thơ “Tự nhủ mình”, nhắn gởi chính mình một cách sống ở đời: “Cái sống ta đây chẳng sống thừa/ Thanh bần lạc đạo cứ như xưa/ Cảm thông lẽ diệu không cầu THÁNH/ Hiểu biết đường tu chỉ kính CHÙA/ Anh LỢI đã không màng tưởng đến/ Chú DANH đâu có dễ dàng đưa/ Tìm trong lao động niềm vui sống/ Đọc sách làm thơ thế cũng vừa”.

Tết đến, trong không gian trầm mặc của những điều mới mẻ, tinh khôi theo quan niệm Á Đông, bên cành mai vàng thoang thoảng hương thơm dịu ngọt, ông luôn “tâm sự” một điều gì đó với con cháu khi mọi người đến mừng tuổi mình. Một trong những điều như thế là bài thơ ngắn như kim chỉ nam của cha ông, cụ Tú làng Hòa Mỹ, truyền lại: “Trên hòa dưới thuận/ Trung hiếu thảo ngay/ Lời Cha gửi lại/ Chữ nhẫn làm Thầy”.

Năm nào nhà ông cũng chơi mai. Năm nay cây mai trong chậu đã chúm chím nụ vàng. Xuân đang đến bên hiên nhà. Ông nhìn ra ngoài cổng, mong ngóng một năm mới bình yên cho tất thảy...

Hoa rụng Xuân tươi

Mai là một trong “tuế hàn tam hữu” (ba người bạn trong cơn giá rét) gồm tùng, trúc và mai, tượng trưng cho đức tính cao thượng trong sạch, luôn giữ tròn khí tiết của bậc chính nhân quân tử, theo quan niệm của người xưa. Bởi vào ngày đông tháng giá, trong khi các loài cây khác đều rụng lá khô cằn thì riêng tùng vẫn xanh, trúc vẫn tươi và mai vẫn nở hoa. Hoa mai nở cuối tháng Chạp đầu tháng Giêng âm lịch, trước tất cả các loài hoa khác, cho nên người xưa gọi bảng yết tên những người đỗ đầu trong kỳ thi Hội (vào mùa xuân) là bảng mai.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Hán Nôm thành phố Đà Nẵng, kể rằng, năm ngoái tộc Mai ở xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, trùng tu nhà thờ tộc, có ý nhờ ông cho một câu đối để ghi trên trụ cổng. Trong chữ Hán, 梅 vừa có nghĩa là cây hoa mai, vừa có nghĩa là họ Mai. Ông viết: “Mai hương tứ quý hoàng anh phát/ Phong quát triêu hôn mãn địa hinh” (Mai hương bốn mùa hoa vàng nở/ Gió thổi sớm chiều khắp xứ thơm). Rồi giải thích thêm rằng, thông thường mai vàng có mùi hương rất khó nhận ra. Song, ở Việt Nam lại có loài mai vàng 5 cánh hương thơm đậm hơn hẳn những loài mai khác nên được gọi là “mai hương” hoặc “mai thơm”.

Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đức Thắng: Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai.
Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đức Thắng: Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai.

Cách chơi chữ giữa hoa mai và họ Mai này đã đem lại niềm tự hào cho những người mang họ Mai ở xã Bình Phục.

Công việc chính của ông Thắng là dịch gia phả, “cho” câu đối các nhà thờ tộc tuy chỉ là việc phụ nhưng cũng mang lại cho ông nhiều niềm vui. Hằng năm, khi hoa mai báo tin mùa xuân sắp cận kề, ông gác mọi công việc thường nhật, chú tâm vào sắp xếp chuẩn bị đón năm mới.

Là con nhà Phật, năm ngoái đón xuân Kỷ Hợi, ông trích bài kệ của Đức Phật trong kinh Kim Cang như một cách tự răn mình: “Nhược dĩ sắc kiến ngã/ Dĩ âm thanh cầu ngã/ Thị nhân hành tà đạo/ Bất năng kiến Như Lai” (Nếu dùng sắc thấy ta/ Dùng âm thanh cầu ta/ Người ấy hành đạo tà/ Không thể thấy Như Lai”.

Năm nay đón Tết Canh Tý, ông nắn nót chép bài kệ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền sư (1052-1096): “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai). Đây là hai câu thơ bất hủ khiến cho hậu thế tốn biết bao giấy mực qua các tác phẩm thơ ca, hội họa.

Nhà văn Quế Hương đã viết trong bài “Ta ở ta đi không vĩnh biệt”: Chính cành mai muộn ấy đã âm thầm khẳng định cuộc sống bất diệt, mùa xuân vĩnh hằng. Phải hiểu mai và yêu đời lắm, thiền sư mới để cành mai ấy trong bài kệ làm trước khi mất. Mai chứ không phải loài hoa khác. Một cành chứ không phải vườn. “Nhất chi mai”, chừng đó đủ phủ nhận “xuân tàn hoa lạc tận”...

Cảm nhận mênh mang thiền vị này đã giải thích vì sao bài viết đoạt giải nhất cuộc thi Bình văn do tạp chí Kiến thức ngày nay tổ chức năm 1995.

Một cánh én không làm nên mùa xuân nhưng một cành mai thì sao? Chỉ một cành mai thôi cũng đủ cho hương xuân bất tận, ý xuân miên man. Hôm chúng tôi ghé thăm, vị Phó Giám đốc Trung tâm Hán Nôm thành phố Đà Nẵng gởi lời chúc mừng năm mới: Đêm qua sân trước một cành mai...

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.