Với chủ đề “Năm môi trường, trật tự đô thị và cải cách hành chính”, năm 2020, huyện Hòa Vang tiếp tục đẩy mạnh nhiều giải pháp hiệu quả, cách làm hay nhằm giảm thiểu ô nhiễm, tạo không gian xanh, bảo vệ môi trường sống cho người dân nông thôn.
UBND xã Hòa Ninh triển khai mô hình “Mái nhà xanh tiếp bước em đến trường”. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Lan tỏa phong trào “Tết trồng cây”
Về Hòa Vang trong những ngày giáp Tết, điều có thể cảm nhận rõ nhất là trên mỗi con đường, ngõ xóm đều khang trang, sạch sẽ. Đặc biệt, việc duy trì phong trào “Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp” đã giúp bộ mặt nông thôn trở nên xanh tươi và đẹp đẽ. Cũng nhờ phong trào này, trong năm qua, huyện đã trồng mới hơn 8.500 cây xanh các loại trên các tuyến đường thôn, xã.
Để tiếp tục lan tỏa phong trào trồng cây, ngay đầu năm mới, nhiều xã phát động lễ ra quân “Tết trồng cây” trên địa bàn. Năm nay, lễ ra quân “Tết trồng cây” được UBND xã Hòa Ninh phát động vào ngày 31-1-2020 (nhằm mùng 7 tháng Giêng) tại nghĩa trang liệt sĩ xã. “Trước khi triển khai, chúng tôi tiến hành khảo sát trồng mới hệ thống cây xanh khu vực phía mặt tiền của nghĩa trang liệt sĩ, sau đó phát động phong trào trồng cây xanh tại các khu vực công cộng, nhà văn hóa, khu thể thao tại các thôn. Qua hoạt động này, chúng tôi tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của người dân về tầm quan trọng của việc trồng cây bảo vệ môi trường sống, tạo không gian xanh, mỹ quan cho các công trình xây dựng”, Phó Chủ tịch xã Hòa Ninh Lê Thị Chinh cho biết.
Bên cạnh đó, UBND xã Hòa Ninh cũng tổ chức lễ phát động phong trào cộng đồng chung tay chống rác thải nhựa, đồng thời ra mắt mô hình “Ngôi nhà xanh tiếp bước em tới trường” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, tự phân loại rác tại nhà sau khi sử dụng và bỏ tập trung về một nơi gọi là “Ngôi nhà xanh”. Hoạt động này góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tự nhiên; đồng thời tạo nguồn kinh phí gây quỹ để thăm hỏi, động viên các học sinh có hoàn cảnh khó khăn đột xuất trên toàn xã tiếp bước đến trường.
Đặc biệt, trong năm 2019, hưởng ứng phong trào xây dựng tuyến đường kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới, Chi bộ Quân sự xã Hòa Sơn xây dựng nghị quyết và đề ra kế hoạch hình thành một tuyến đường tại thôn kiểu mẫu An Ngãi Tây 2 có chiều dài 120m. Chi bộ đã phối hợp với Ban Nhân dân thôn cùng với các đảng viên, lực lượng dân quân thường trực và bà con dọc tuyến đường đóng góp các loại hoa trồng vào các bồn hoa dọc tuyến và gần 20 ngày công lao động. Đến nay, tuyến đường đã hoàn thành với tổng kinh phí 7,3 triệu đồng, góp phần cùng thôn An Ngãi Tây 2 xây dựng tuyến đường kiểu mẫu với nội dung sáng-xanh-sạch-đẹp, về đích xây dựng thôn kiểu mẫu năm 2019.
Nói không với rác thải nhựa
Một trong những mô hình hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường được người dân Hòa Vang hưởng ứng tích cực là “nói không với rác thải nhựa”.
Để thay đổi thói quen sử dụng túi nilon khi đi chợ, đầu năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hòa Châu đã triển khai thực hiện mô hình “Đi chợ nhớ giỏ”. Qua đó, Hội hỗ trợ 370 thùng rác môi trường, 250 giỏ nhựa đi chợ cho các hội viên tại 3 thôn. Việc tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt Hội và treo pa-nô tại các chợ với chủ đề “Xách giỏ đi chợ - phong cách người nội trợ”, “Nói không với rác thải nhựa”... đã góp phần tích cực hình thành ý thức tự giác bảo vệ môi trường và cụ thể hóa phong trào “5 không, 3 sạch” đến từng hội viên và gia đình. Chị N.T.L (xã Hòa Châu) chia sẻ: “Trước đây, đa số chị em đi chợ chỉ mang theo tiền, khi về trên tay lỉnh khỉnh 5-7 túi nilon đựng rau, cá, củ quả… Sau khi triển khai mô hình này, nhiều chị em đã quen dần với việc mang theo giỏ đi chợ; nhờ đó góp phần giảm thiểu một lượng lớn túi nilon gây ô nhiễm môi trường”.
Trong năm qua, Đoàn xã Hòa Ninh cũng đã tổ chức ngày hội “Thanh niên Hòa Ninh nói không với rác thải nhựa” bằng nhiều hoạt động như: đổi rác lấy quà, thời trang tái chế, trưng bày các sản phẩm tái chế từ rác và vật liệu phế thải…, thu hút hơn 120 đoàn viên, thanh niên tham gia.
Không chỉ với rác thải nhựa, các xã trên địa bàn huyện còn tích cực vận động nhân dân thực hiện mô hình thu gom xử lý pin hỏng đã qua sử dụng. Điển hình là xã Hòa Phước triển khai mô hình này trên địa bàn 10 thôn. Với khẩu hiệu “Hãy thu gom pin đã qua sử dụng - chung tay bảo vệ môi trường”, cán bộ phụ trách môi trường của xã theo dõi quá trình triển khai thực hiện mô hình này ở các thôn và định kỳ thứ sáu hằng tuần sẽ thu gom, tập kết pin hỏng về siêu thị Big C xử lý và tiêu hủy. Đây được coi là hoạt động có ý nghĩa lớn nhằm bảo vệ sức khỏe, giảm mầm bệnh trong cộng đồng.
Để sớm xây dựng Hòa Vang thành huyện môi trường vào cuối năm nay, từ đầu năm 2020, UBND huyện Hòa Vang đã tổ chức lễ phát động thực hiện chủ đề “Năm môi trường, trật tự đô thị và cải cách hành chính”. Ông Phạm Nam Sơn, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: “Đây là chủ đề có ý nghĩa hết sức thiết thực, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đòi hỏi các cấp, ngành phải nỗ lực rất nhiều mới có thể đạt được kết quả; đặc biệt là tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới”. Theo đó, huyện tập trung triển khai có hiệu quả đề án “Quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên - môi trường”; xử lý dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư nông thôn; kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; đồng thời duy trì và nâng cao hiệu quả phong trào “Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp”, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn... góp phần hoàn thiện các tiêu chí môi trường, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới.
Gia Huy