Tiết trời Đà Nẵng những ngày này dịu nhẹ. Phố rục rịch trở mình. Không khí mua sắm rộn ràng hơn bao giờ hết. Những chậu hoa tươi, những bộ quần áo đẹp đủ màu sắc theo chủ nhân mới trở về nhà chờ đón Tết. Và đâu đó trong lòng thành phố này, nhiều tay máy ảnh không thể cưỡng lại sức hút của ngày đẹp trời, say mê sáng tác như là để vỗ về nỗi hân hoan, phấn khởi trước nàng xuân…
Nông dân Khuê Trung bên vườn phong lan cho thu hoạch đúng dịp Tết. Ảnh: T.Y |
1. Gần một tháng trước Tết, hầu như tuần nào ông Phạm Văn Tiến, Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Hội Nông dân thành phố cũng thu xếp đi thăm một số vườn rau, vườn hoa đang độ thu hoạch của nông dân.
Là người theo sát các hoạt động của nông dân từ đầu tháng 10 âm lịch đến nay, hơn ai hết, ông Tiến hiểu được mỗi vồng rau, luống hoa đang khoe sắc hôm nay là một câu chuyện dài về sự nỗ lực, yêu nghề của người nông dân đô thị, là quãng thời gian họ ngược xuôi mượn đất, vay vốn mua giống, cây trồng, vật tư, cần mẫn tham gia các lớp dạy nghề tìm hướng đi ổn định phát triển kinh tế gia đình.
Theo ông Tiến, hiện nay Đà Nẵng có khá nhiều khu vực trồng hoa ở các phường Hòa Xuân, Hòa Phát (quận Cẩm Lệ), An Khê, Hòa Khê, Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê)… Đơn cử, vụ hoa Tết năm nay, đa số nông dân các phường Hòa Khê, An Khê, Thanh Khê Tây trúng mùa hoa, nhiều hộ sau khi trừ chi phí thu lãi từ 100 đến 150 triệu đồng.
“Mỗi năm vào dịp này, chúng tôi thường xuống vườn hoa để cảm nhận, chia sẻ niềm vui mùa vụ với người nông dân. Thời tiết thuận lợi, hoa quả được mùa, nhà vườn phấn khởi nên đến vườn hoa thời điểm này khá vui. Nhiều thương lái đến các vườn chiêm ngưỡng, cân nhắc mua về bán lại cho khách hàng, rộn ràng và đông vui lắm”, ông Tiến cho hay.
Đây cũng là năm đầu tiên khu đất trống đầu đường Đỗ Anh Hàn (quận Sơn Trà) được người dân tận dụng mở điểm bán hoa dịp Tết. Anh Trần Duy Linh, chủ vựa hoa tại khu vực này cho biết, bắt đầu từ giữa tháng 1, gia đình anh tập kết hoa về điểm này phục vụ bà con một số phường Nại Hiên Đông, An Hải Bắc, Thọ Quang, Mân Thái…
“Thông thường, khi cần mua hoa chưng Tết, mọi người chỉ nghĩ tới các điểm bán hoa tập trung như khu vực Quảng trường 29-3, đường Nguyễn Đình Tựu, Phan Đăng Lưu, khu vực trước Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu, các điểm trên đường Nguyễn Hữu Thọ… Năm nay, chúng tôi quyết định đầu tư điểm bán hoa tại địa bàn giáp ranh phường Nại Hiên Đông, An Hải Bắc để phục vụ bà con khu vực này. Vườn hoa bảo đảm phong phú, nhiều chủng loại với giá cả phải chăng”, anh Linh cho biết.
2. Khi phố vừa rục rịch chuyển mình vào xuân, đâu đó đã thấy những “tay máy” săn tìm ảnh đẹp, nhất là ở một số điểm bán hoa Tết tập trung. Có ai đó nói rằng, chưa bao giờ Đà Nẵng có nhiều người đam mê chụp ảnh đến vậy. Chỉ cần lướt qua những cái tên, đã thấy có hàng trăm người thường xuyên sử dụng máy ảnh và có tác phẩm tham gia, đoạt giải tại một số hội thi ảnh đẹp do địa phương tổ chức.
Chị Nguyễn Thị Diệu Thu, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu cho biết, mỗi mùa Tết đến, gia đình chị đều cùng nhau ra vườn hoa chụp một bức hình kỷ niệm. Chụp hình mỗi cuối năm còn là cách lưu dấu những cột mốc gắn bó của gia đình.
Tròn 15 năm về chung nhà, gia tài của chị là 15 bức hình gia đình ngày Tết. Những bức hình khắc họa đầy đủ những năm tháng mà đôi vợ chồng trẻ đã trải qua, từ khi son rỗi, quấn quýt nhau đến khi có con và nhìn tụi nhỏ lớn lên mỗi ngày. “Tôi luôn tin rằng, chụp hình là cách lưu giữ quá khứ tốt nhất của mỗi gia đình và tôi luôn chọn mùa xuân để lưu lại những khoảnh khắc tuyệt vời ấy”, chị Diệu Thu chia sẻ.
Dù không nhận mình là tay máy xuất sắc, nhưng chưa có Tết nào, anh Bùi Thanh Lang (CLB Nhiếp ảnh Sông Hàn) không chuẩn bị máy móc rong ruổi cùng những tà áo dài ra vườn hoa “săn” ảnh đẹp. “Chụp hình, với tôi trước là đam mê, sau là chinh phục máy móc.
Cũng chiếc máy đó, nhưng nhờ kỹ thuật cân, chỉnh các thông số phù hợp, người cầm máy sẽ cho ra đời những bức ảnh hài hòa về đường nét, độ tối-sáng, màu sắc trên gương mặt, cành cây… Những ngày này, phố phường rộn rã vào xuân luôn là thời điểm tuyệt vời nhất để mỗi tay máy có thể “săn” được những tấm ảnh đẹp cho mình”, anh Lang chia sẻ.
Cũng theo anh Bùi Thanh Lang, vài năm qua, cứ tầm giữa tháng Chạp, một số anh em thường xuyên “săn” ảnh tại Sơn Trà lại chuẩn bị bánh trái lên bán đảo làm bữa tất niên, gặp gỡ cuối năm. Sơn Trà, trong tâm khảm của nhiều tay máy, luôn là mái nhà xanh với đầy hoa thơm, trái ngọt, đầy màu xanh dịu nhẹ của những tán cây, bụi cỏ…
3. Những ngày cuối năm, sự rộn ràng có thể nhìn thấy ở từng góc phố. Đây cũng là thời điểm hoạt động mua - bán diễn ra nhộn nhịp nhất trong năm. Đặc biệt các bà, các chị bận rộn mua sắm để gia đình có được một cái Tết ấm áp, đủ đầy.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệu, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn cho biết, quan điểm của chị “Tết là phải mới”. Do đó, chị không ngần ngại trích “hầu bao” mua cho các con mỗi ngày Tết một bộ quần áo mới. Chị Diệu nói bản thân không quan trọng chuyện quần áo đắt tiền hay rẻ tiền, nhưng nhìn các con hào hứng khi thay đồ mới, vợ chồng chị cảm thấy ấm áp và nhớ về những năm tháng tuổi thơ của mình.
Trong khi đó, để phục vụ nhu cầu của người dân, tại một số cửa hàng, siêu thị bán lẻ trên địa bàn, những giỏ quà xuân được thiết kế đẹp mắt, đa dạng, phong phú về mẫu mã. Bà Phan Như Yến, Giám đốc Siêu thị Danavi Mart Đà Nẵng cho biết, thị trường quà tặng dịp Tết năm nay sôi động từ rất sớm. Cũng như mọi năm, các giỏ quà tặng truyền thống bao gồm một số mặt hàng như: bánh kẹo, mứt, trà, cà-phê, rượu, hạt điều…
Ngoài ra, sản phẩm thẻ quà tặng trị giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng của Danavi Mart cũng được khá nhiều khách hàng lựa chọn. “Tặng quà dần trở thành truyền thống của người Việt Nam. Đây là một hình thức thể hiện, bày tỏ tình cảm, sự biết ơn. Tuy nhiên, tặng quà như thế nào mới phù hợp và đúng ý người nhận thực sự là một chuyện khó khăn. Vì lẽ đó, Danavi Mart cung cấp dịch vụ thẻ tặng nhiều mệnh giá khác nhau để người được tặng có thể tự do mua sắm những sản phẩm mình thích”, chị Như Yến cho biết.
TIỂU YẾN