"Mùa xuân người ra đồng"

Bây giờ, bước chân ra khỏi thành phố, bước chân về mọi nẻo đường quê, màu mạ non xanh đang dâng đầy trong những vạt nắng thủy tinh mùa xuân. Những cánh cò mềm mại bay lên như gánh theo ca dao cổ tích trên đôi cánh mềm. Cánh đồng vui hơn với những dáng người thăm đồng. Và câu hát trong bài “Một mùa xuân nho nhỏ” (nhạc Trần Hoàn-thơ Thanh Hải) khẽ ngân lên: “Mùa xuân người ra đồng, lộc trải dài nương lúa”…

Con đường về quê tôi xe chạy qua không biết bao cánh đồng lúa rờn xanh mỗi độ giêng, hai. Trong tâm trí tôi, những cánh đồng mơn mởn nối nhau nằm dịu dàng giữa đôi bờ hoa cúc, hoa xuyến chi, bên sông mờ sương luôn mang theo những ngọt lành ấn tượng. Đẹp không chỉ vì sự quen thuộc, gắn bó mỗi năm dăm lần về quê cha đất mẹ. Đẹp, còn vì tôi có thể nghe được vị mặn của mồ hôi những người thân yêu - của bà ngoại, của cậu, của dì, các chú, các cô tôi trên những cánh đồng ấy. Mùa này, ấm dịu trong ký ức tuổi thơ tôi không thể thiếu tiếng trầm ấm ân tình của bà, của cậu… gọi nhau dậy ra đồng. Khi ấy, he hé mắt nhìn thấy bà đã nổi lửa nấu cơm, đun nước chè xanh mang theo.

Mùa xuân người ra đồng, không chỉ mang theo mạ non, cuốc xẻng, cơm đùm, mà mang cả khúc hát quê hương để những khi tay làm có tái tê vì gió lạnh cuối mùa thì miệng vẫn hát; giọng hát ai đó vẫn ngân lên bên bờ ruộng quê. Người mang theo cả những hạt hoa cúc, hoa cánh bướm (sao nháy) ra đồng, rải bên những thảm ruộng xanh đâu đó từ mấy tháng trước. Để khi đào phai mai tàn khi hết Tết thì những khóm cúc nở bừng bên ruộng mạ. Người vô tình nhắc ta một điều giản dị mà ý nghĩa rằng, nơi nào mình gắn bó, luôn xứng đáng là nơi đẹp nhất. Những thanh âm, màu sắc bạn tưởng như chỉ có trong thơ, trong nhạc thôi, mà mùa này, vẫn bắt gặp trên những cánh đồng quê. Những khúc hát, những luống hoa khiến người khách quê đi ngang qua, lòng bỗng thấy tơ vương chi lạ.

Mùa xuân người ra đồng, nào chỉ những người nông dân mê mải cấy cày, đợi mong mùa vàng, còn có những cô gái trẻ phố thị một chiều tan sở về sớm, lơ đễnh bước chân ra đồng, say mê cùng những vạt nắng mỏng cuối ngày rải trên những vạt mạ non xanh, với sương nhè nhẹ và hoa xuyến chi đang độ đẹp tươi nhất. Là những bông hoa dại trắng tinh khôi mọc ven đường tàu, bờ ruộng ấy, mùi ngai ngái của nhựa cây, mật hoa dâng lên cùng với mạ non, đất bùn ẩm ướt thành hương đồng gió nội hết sức dịu dàng.

Chỉ đơn giản như một câu nói thế thôi, mà một câu hát “mùa xuân người ra đồng, lộc trải dài nương lúa”, đong đầy bao mến thương. Nào chỉ đọng lại trong lòng những người ra đi từ đồng ruộng như bố mẹ, như tôi, còn với những cô gái, những chị em ở phố ngày kia bỗng thấy tim mình rộn ràng, trong trẻo hơn hết khi mở lòng ra để đón sắc hương đồng nội… Hôm trước, tôi vừa gặp những vần điệu ân tình của anh P.H.Q, người duy nhất sống sót trong một tai nạn máy bay khi đang chiến đấu ở Campuchia, lăn lộn bao năm để sống mạnh mẽ. Anh viết rằng: “Tháng hai tê buốt bàn tay/ Mẹ đi trỉa lạc gió lay áo sờn/ Tháng hai nứt nẻ bàn chân/ Cha cày ruộng trũng tím bầm thịt da/ Hoa xoan rụng trắng thềm nhà/ Bờ tre xao xác tiếng gà gáy trưa…”

Những ruộng đồng, lúa mạ, khoai sắn, vết nứt chân cha, mồ hôi áo mẹ… mang theo nhiều ân tình thế đó. Và vì thế, những hứng khởi, mê say với lao động, của người ở cũng như người đi, có khi giản đơn thay, lại nhóm lên từ ruộng đồng, từ những dáng người giản dị vẫn cần cù, chăm chỉ bên khoai, bên lúa như từ ngàn năm trước.

Võ Thu Hương

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.