Thương lắm chiếc ghe hàng sông

.

Nhớ hồi nhỏ nhà tôi nằm sát bến sông, nơi đó có chiếc ghe hàng của má, đã gắn liền với tuổi thơ tôi qua biết bao kỷ niệm. Tôi hay gọi vui là cái siêu thị mini hoặc chính xác hơn là tiệm tạp phô vì trên ghe cái gì cũng có. Từ thịt, cá, rau cải, tương, chao, mắm, muối, bánh, kẹo, các loại gia vị,… đến cây kim, cuộn chỉ, quyển tập, giày dép.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ngày nào cũng vậy, cứ gà gáy tinh mơ là má tất tả dậy sớm để lo sắp xếp hàng hóa trên ghe, từ mũi đến lái không thiếu thứ gì. Ngoài trời còn chưa sáng, đôi chân má nhẹ nhàng bước đi vì không muốn làm tôi thức giấc. Má sải bước thật khẽ xuống ghe hàng, chèo thật nhanh để kịp trời sáng, cho bà con trong xóm mua đồ chuẩn bị ra đồng.

Những hôm trời mưa lớn, má vẫn chèo cái ghe hàng trong mưa gió, chiếc nón lá rách mà má vẫn đội hoài không chịu bỏ. Má nói, nhà mình nghèo, tiết kiệm được cái nào hay cái ấy, đặng còn có cái lo cho bây ăn học. Chiếc ghe hàng nhỏ nhiều năm đã cùng má chở hàng đi khắp mọi ngõ ngách trên những kênh rạch chằng chịt ở thôn quê.  

Việc nhà, việc buôn bán, dù có vất vả đến đâu má cũng chẳng bao giờ than trách nửa lời.
Có những ngày trời nắng chang chang, má mặc chiếc áo bà ba đã sờn vai, cũ kỹ mà tôi chẳng còn nhớ má may hồi nào. Tôi hay gọi đó là “cái áo thập kỷ”. Đôi tay má vẫn chèo thoăn thoắt trên con sông quê nhà, đến chỗ nào đông nhà dân, má cất tiếng rao: Ghe hàng đây! Ghe hàng đây!... lời rao của má như in sâu trong ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ từng sống ở thôn quê như tôi.

Những ghe hàng trên sông quê không biết xuất hiện từ khi nào, nhưng khi tôi lên 5-7 tuổi đã thấy những chiếc ghe hàng này gần như mỗi ngày trên con sông nhỏ chảy êm đềm vắt ngang ngõ nhà tôi… Má tôi cũng theo đó hành nghề ghe hàng buôn nẻo sông quê. Chuyện buôn bán cũng thật chân chất, mộc mạc, không hề có nói thách hay trả giá, mà đan xen vào đó là tiếng nói cười, những lời thăm hỏi, sẻ chia đầy ắp chân tình.

Trước đây quê tôi là vùng quê nghèo, đường sá đi lại khó khăn. Để ra đến chợ huyện mất hơn một tiếng đồng hồ. Nhờ những chiếc ghe hàng như của má tôi mà bà con trong xóm được sử dụng thực phẩm tươi ngon, phục vụ đắc lực việc sinh hoạt và sản xuất của người dân nông thôn. Còn tôi, ghe hàng gắn liền với những kỷ niệm đẹp, gợi thương, gợi nhớ. Những hôm nghỉ học, cứ năn nỉ má cho theo ghe hàng đi bán, chỉ vậy thôi mà trong lòng tôi mừng vui khôn tả, để xin má cho cục kẹo mè đen, bịch cốm có hình các ca sĩ, diễn viên đẹp. Có hôm tôi chẳng xin má thứ gì, đơn giản chỉ để nhìn ngắm đồ đạc treo lủng lẳng trong ghe mà thích thú vô cùng.

Đã qua bao mùa nước nổi, chiếc ghe hàng gắn liền với má, cùng má băng qua những cánh đồng  ngập nước, qua những cây cầu khỉ bắc ngang kênh lớn.

Năm tháng đi qua, má giờ đã già hơn xưa, chiếc ghe hàng má cũng cho lui về “nghỉ hưu”. Những chiếc ghe hàng bồng bềnh trên sông nước quê tôi vẫn còn hiện hữu. Thi thoảng nghe tiếng rao hàng, tôi giật hình như chạm vào miền ký ức khát khao xưa, đó mãi mãi là hình ảnh đặc trưng đẹp nhất của miền sông nước Cửu Long.

DIỆP LINH
 

;
;
.
.
.
.
.