Tôi chưa có ý định đọc cuốn sách của Đào Thị Hằng về câu chuyện Lên núi học tiếng Anh cho đến khi cậu nhóc lớp 3 lật từng trang sách và không ngừng hỏi: “Vì sao phải lên núi học tiếng Anh, vì sao không phải về thành phố để học. Như thế có nói ngược không?...”. Tụi trẻ con luôn có muôn vàn thắc mắc vì sao. Có những câu hỏi vì sao cần câu trả lời xác đáng. Và tôi đã đọc một mạch từ trang đầu cho đến trang cuối cùng.
Tôi từng gặp Hằng ở mảnh đất bạt ngàn nắng gió Triệu Phong (Quảng Trị) gần 10 năm về trước, khi cô vừa tốt nghiệp thạc sĩ ngành Phát triển bền vững tại Đại học Adelaide (Úc) trở về. Ngày đó, cô đang lăn lộn để giữ gìn nghề làm nước mắm truyền thống của quê nhà với thương hiệu Mắm Thuyền Nan. Trong câu chuyện về hành trình từ chiếc thuyền nan lênh đênh chài lưới trên dòng Thạch Hãn sang tận nước Úc xa xôi, rồi tiếp đó là nhận học bổng Global Change Leaders của Bộ Ngoại giao Canada dành cho nữ lãnh đạo xuất sắc trên toàn thế giới để trải qua khoảng thời gian học ở Đại học Francis Xavier, Nova Scotia, hành trang Hằng luôn mang theo là lời khuyên của cha mình: “Con phải học tiếng Anh mới có tương lai”.
Những dòng “lý lịch” trích ngang về Hằng khiến nhiều người nhầm tưởng, sự học của Hằng như một con đường thẳng không hề có chướng ngại vật. Không phải vậy. Hằng từng đối mặt với nhiều khó khăn tưởng chừng như va vào ngõ cụt. Từng bối rối khi đứng trước thầy cô, bạn bè ở đất nước Úc xa lạ - Nơi mà mọi người đều phát âm tiếng Anh rất chuẩn, khác xa với cách đọc tiếng Anh bằng âm Việt của Hằng. Hòa đồng và bắt nhịp là điều nhất thiết buộc Hằng phải làm để có thể trụ lại ở môi trường học mới. Tuy nhiên, điều đó không hề dễ dàng. Hằng đã phải bắt đầu lại từ con số âm để nhìn nhận thực tại, tìm ra phương hướng, xác định mục tiêu và từ đó… học lại từ đầu. Trong những ngày tháng đó, Hằng nhận ra rằng, khi khó khăn thì phải nói ra và yêu cầu sự giúp đỡ. Học tiếng Anh không nên đi tắt, đón đầu, đốt cháy giai đoạn và đừng ngại khi thừa nhận các điểm yếu của mình.
Lên núi học tiếng Anh là cuốn sách dày 247 trang, kể về một quá trình học tiếng Anh của Đào Thị Hằng từ một cô bé học lớp 6 trường làng bắt đầu tiếp cận với tiếng Anh cho đến những giảng đường đại học ở Huế và cả ở Úc, Canada cho đến một bà chủ thương hiệu nước mắm, rồi huấn luyện viên tiếng Anh... Hành trình ấy không chỉ có khó khăn mà còn là động lực, là những chiếc chìa khóa cần thiết để mở ra con đường khai phá một miền đất mới ở Tây Nguyên, lập nên Làng Hama để canh tác hữu cơ và truyền cảm hứng học tiếng Anh. Hằng nhận ra rằng, trong cuộc sống thay vì trao con cá hay cần câu, cần phải truyền cảm hứng “đi câu” sẽ tốt và hiệu quả hơn nhiều lần. Đó cũng là cách để Hằng huấn luyện tiếng Anh cho học trò sau này.
Cuốn sách chia làm 5 chương, được viết sau hơn 5 năm Hằng miệt mài huấn luyện tiếng Anh cho hơn 1.000 học viên online và nội trú ở Hama trên khắp cả nước. Hằng đã cùng em trai và các học trò đúc kết, hoàn thiện chương trình English Mastery System cho người mới bắt đầu học đến trình độ nâng cao. Mỗi chủ đề trong sách được Hằng trình bày súc tích, ngắn gọn pha chút hài hước nhưng luôn có “lửa” nhằm gửi đến những ai còn bối rối trước tiếng Anh có chiến lược học đúng đắn, phương pháp học hiệu quả và đặc biệt là nguồn cảm hứng để học.
Thấp thoáng trong nhiều trang sách còn có hình ảnh của bố mẹ Hằng, những người dân gắn đời mình với chài lưới trên sông vẫn khuyên con cần học tiếng Anh để thoát khỏi cuộc đời nghèo khó trên chiếc thuyền nan lênh đênh. Chính họ - những người gần cả cuộc đời cơ cực đã sẵn sàng chấp nhận vất vả để con được bước trên con đường tương lai tươi sáng. Đó là những đứa em của Hằng dù đã đỗ vào các trường đại học trong nước vẫn rời bỏ để theo học tiếng Anh, nhận học bổng ở những trường đại học nước ngoài danh tiếng và các học trò của Hằng ở đủ mọi lứa tuổi vẫn bền bỉ biến tiếng Anh thành công cụ hữu ích cho đời sống… Sách của Hằng còn có sự hiện diện của những người bạn, người thầy cùng đồng hành, sẻ chia trên mỗi chặng đường gian nan.
Với Hằng, học tiếng Anh cũng như nhiều thứ khác trong cuộc sống, sẽ có những lúc vấp ngã, có lúc tuyệt vọng, thậm chí có lúc cảm giác như mình “va vào tường”, có những lúc sai lầm và đôi khi chán nản… nhưng hơn hết là phải biết vấp ngã thì đứng dậy, sai đâu sửa đó và chấp nhận thứ cảm xúc tức thời; không đổ lỗi cho hoàn cảnh mà tự thân phải có động lực, phải nhìn nhận ra phương pháp đúng và kiên trì. Hằng tin rằng: “Mục đích cuối cùng của cuộc sống là sự tự do cả bên trong lẫn bên ngoài. Tự do học hỏi, tự do đi lại là hai cái căn bản. Giỏi tiếng Anh bạn sẽ có được hai sự tự do này”. Cuốn sách là tâm huyết của Hằng “với mong muốn các bạn đi xa hơn, nhanh hơn và ít vấp váp hơn mình. Trên hết, mình muốn nhắn nhủ: nếu bạn có ước mơ, đam mê gì đó, hãy bắt tay vào làm và kiên trì từng chút một, bởi vì “nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”.
Và tôi đã có câu trả lời cho cậu nhóc lớp 3 khi vừa gấp sách lại. Tôi tin rằng đó là câu trả lời xác đáng. Lên núi là sự chinh phục đỉnh cao. Chinh phục tiếng Anh, vượt qua chính mình để hướng đến tự do, không hề mang hàm ý ngược.
Thiên Lam
(*) Đọc Lên núi học tiếng Anh của Đào Thị Hằng, NXB Thế giới. In xong và nộp lưu chiểu năm 2019.